Những ngày này, hàng vạn lượt người từ cả nước hướng về Khu di tích Đền thờ Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm thắp hương tưởng nhớ danh nhân, cầu tài, học hành, thi cử, công danh sự nghiệp thăng tiến.
Theo Ban quản lý Khu di tích Đền thờ Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như mọi năm, năm nay mỗi ngày có đến hàng vạn người dân hướng về thắp hương cầu tài, học hành danh vọng, sự nghiệp thăng tiến... cho cả gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hà, trú tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng cho biết: Từ nhiều năm nay, năm nào chị cũng cùng 2 con chị về đền Trạng, thắp hương tưởng nhớ cụ Trạng, cầu cho con cái học hành tốt.
Anh Đặng Văn Hòa, trú tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nào ra ăn Tết cùng gia đình ngoài bắc, anh cũng vào đền cầu công danh sự nghiệp của anh và gia đình thăng tiến và con cái học hành đỗ đạt cao. “Năm nay cháu thứ hai nhà tôi thi vào đại học nên cả hai bố con cùng về, cầu cụ cho cháu đạt ước nguyện” – anh Hòa tâm sự.
Tượng thờ Trạng Trình trong khu du tích. |
Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, sinh năm 1491, tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Ông mất năm 1585.
Nói đến Nguyễn Bỉnh Khiêm là nói đến một nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà tư tưởng lỗi lạc, vị danh sư, bậc hiền triết, một nhân cách lớn được rất nhiều người tôn kính.
Ông làm quan dưới 4 triều vua nhà Mạc và là người có ảnh hưởng quan trọng với nhiều kế sách giúp xây dựng đất nước trong thế kỷ XVI. Đặc biệt kế sách bảo toàn nhà Mạc năm 1585.
Theo đó, ông được phong tước Thái phó, Trình Quốc công. Cuộc đời làm quan của mình, ông kịch liệt lên án chiến tranh, loạn lạc, đẩy dân vào cảnh lầm than, căm ghét tham quan ô lại, đục khoét xã hội.
Cuộc đời làm quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông luôn coi phương châm xử thế lấy dân làm gốc. Hai câu thơ “…Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/ Đắc quốc ưng tri tại đắc dân” trong bài Cảm Hứng của ông trở thành bài học kế thừa cho chúng ta đến nay.
Không chỉ là chính trị lỗi lạc, ông còn là nhà giáo, nhà tiên tri, hiền triết, nhà thơ… Ông mở lớp dạy học, làm thơ, để lại lời sấm trong thời gian ông xin treo ấn từ quan về ở ẩn sau khi ông dâng sớ xin chém 18 lông thần nhưng không được vua Mặc đồng ý.
Ngày đầu năm, hàng vạn người hướng về cầu tài, danh vọng...thăng tiến. |
Nhờ cống hiến to lớn của ông, năm 1586, một năm sau khi ông mất, nhà Mạc đã ban cho địa phương 100 mẫu ruộng và ba ngàn quan tiền để lập đền thờ ông.
Năm 1991, Di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Ngày 8/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân đã trao Bằng công nhận “Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là khu di tích quốc gia đặc biệt” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo TP. Hải Phòng.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hải Phòng là vùng đất sinh ra những nhân vật lịch sử, những nhân tài cho dân tộc, là nơi địa linh nhân kiệt trong đó có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - người hội tụ mọi đức hạnh của một vị hiền triết. Những tư tưởng, dự báo của ông đã mở ra tầm thế mới cho dân tộc và có ý nghĩa cho đến ngày hôm nay.
Mạnh Thắng