Ông tên là Nguyễn Phước Bảo Nguyện, con trai của hoàng tử Vĩnh Giác, hoàng tử thứ 11 của vua Thành Thái. Sinh năm 1949, trông ông khắc khổ hơn tuổi 63 của mình. Nhìn tướng mạo và nghe kể cảnh đời lam lũ, không mấy người tin ông có gốc gác hoàng gia.
Thân tộc, mỗi người mỗi cảnh
“Sau ngày giải phóng, hầu hết hậu duệ đều khó khăn. Ai cũng phải bươn chải tìm kế sinh nhai", ông Bảo Nguyện nhẹ nhàng bắt đầu câu chuyện. Bản thân ông trước giải phóng có thời gian đi lính chế độ cũ. Sau ngày thống nhất, ông về thành phố, không nhà cửa vợ con, phải sống nhờ các anh chị mình. Mãi đến năm 1992 ông mới được làm hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Từ đó đến nay, ông bươn chải đủ nghề để nuôi thân.Một người dân thương tình cho ông ở nhờ nhà trên đường Hồ Hảo Hớn (Q.1) từ bấy đến giờ. Buổi chiều, ông kiêm việc bảo vệ ở khách sạn của chủ nhà ở gần đó. Hỏi đến thu nhập, ông khoát tay: “Một ngày đủ hai bữa cơm”. Lần đầu gặp, thấy ông có treo hai chiếc nón bảo hiểm trên chiếc xe máy hiệu Lifan cũ kỹ. Ông bảo: “Khách có nhu cầu thì chở. Gọi là xe ôm cũng được. Có gì làm nấy”.
Lần thứ hai gặp ông trong căn nhà ở nhờ. Trên bàn đá là hai chiếc nồi điện nhỏ, một nấu cơm, một nồi bí hầm lưa thưa vài miếng thịt.
Cạnh đó là một chai nước mắm và chai nước tương gần vơi cạn. Những người bạn già vừa đi khám bảo hiểm y tế mang về biếu ông bịch thuốc kèm 100.000 đồng. “Già rồi, nhiều bệnh lắm. Nhiều người nói mình sống vô gia cư chết vô địa táng. Kệ vậy chứ sao. Miễn mình thấy vui vẻ thoải mái là được” - ông tâm sự.Ông Bảo Nguyện kể, con cháu vua Thành Thái cũng bình thường như nhiều dòng tộc khác, người giàu có người thiếu ăn. Vua Thành Thái có 22 người vợ và 50 người con. Hàng cháu, thế hệ thứ 3 ông không nhớ xuể. Người học cao có giáo Sư Lê Quang Long ở Hà Nội, cháu ngoại vua Thành Thái, năm nay gần 90. Người thành đạt, ngay trong anh chị em dâu rể của ông, có người làm đến bí thư tỉnh ủy.
Người vất vả cũng có nhiều. Như các con hoàng tử Vĩnh Giu ở Cần Thơ. Vợ chồng ông Vĩnh Giu được người con gái Thanh Các chăm sóc lúc xế chiều. Bà Thanh Các bây giờ đi phụ bán cà phê kiếm sống. Phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người hảo tâm mới có điều kiện ra thắp nhang cho cha ở Huế. Cũng có cháu nội vua Thành Thái tên là Bảo Luyện đang nuôi bò, trồng cây ở Tuy Phong (Bình Thuận) và chăm sóc mẹ là bà Trần Thị Niêm, con dâu vua Thành Thái nay cũng đã 89 tuổi. Ông Bảo Nguyện cho biết, bà gần như là người duy nhất của thế hệ thứ hai còn sót lại. Hoàng tử cuối cùng của vua Thành Thái là ông Vĩnh Diên cũng vừa qua đời ở nước ngoài cách đây vài tháng.
Ông Bảo Nguyện và di ảnh ông nội, vua Thành Thái
Nghe lời cha "giấy rách phải giữ lấy lề"
Ông Bảo Nguyện là người tỉ mẩn, đúng giờ. Phong thái của ông cũng nho nhã, đặc biệt là kiến thức sâu sắc về lịch sử, nhất là triều Nguyễn. Lúc nào cũng thấy ông cười hiền, không một lời ta thán về hoàn cảnh sống. “Tôi luôn nhớ lời cha dặn 'giấy rách phải giữ lấy lề'. Gốc gác hoàng tộc là điều để mình tự hào, không được quỵ lụy người đời, nhưng cũng không nên vì thế mà cao ngạo” - ông nói.Trong căn nhà nhỏ, bàn thờ cúng thân tộc rất gọn gàng, giản dị. Ông đặc biệt quý trọng sách vở tài liệu liên quan đến dòng tộc, trong đó có những tài liệu rất quý ông nâng niu như bảo vật. Năm 2003, ông tự tìm hiểu, viết cuốn phả hệ dòng vua Thành Thái dày gần 200 trang. Giá thuê người đánh máy mỗi trang 5.000 đồng vượt quá khả năng của ông. Bà con họ tộc, người góp vài chục ngàn, giúp ông hoàn thành tâm nguyện.
“Cả đời tôi chỉ có một ao ước là kết nối hậu duệ đời thứ 3 của vua Thành Thái. Cũng để con cháu về sau biết được công đức của ông cha mình, để soi mình mà sống” - ông tâm sự. Hằng ngày, ông ăn uống sinh hoạt rất tằn tiện. Thi thoảng dành dụm được ít tiền, ông lại lên đường tìm đến bà con thân tộc ở khắp miền. Dần dà, ông như cuốn “gia phả sống” của dòng tộc, ai thắc mắc gì, muốn tìm hiểu gì về tổ tiên đều tìm đến nhờ ông hướng dẫn.“Nhiều người thấy hoàn cảnh mình cũng thương cảm. Nhưng sống ở đời, quý nhau ở nhân duyên và sống cho tử tế. Gốc gác giờ có quan trọng gì” - ông mở lòng. Điều ông tiếc nuối là có nhiều những hoàng tử, công chúa đời vua Thành Thái hoặc vì chết sớm hoặc vì vô tự nên thất lạc không tìm được.
Ngoài những chuyến thăm hỏi, thu thập thông tin, ông còn xuất hiện ở nhiều những cuộc hội thảo về triều Nguyễn. Ở ông là cả một kho tư liệu về các đời vua triều Nguyễn. Ông có thể lật từng trang thế phả, phân tích rành rọt từng giai đoạn lịch sử đến văn hóa sinh hoạt cung đình. “Tôi đã nguyện cả đời đóng góp cho hoàng tộc. Đó là niềm vui, là lẽ sống lớn nên dù cuộc sống có khó khăn mấy cũng chấp nhận, vượt qua hết” - ông nói đầy xúc động.
Theo Motthegioi