Tin mới

Hé lộ cô gái trong cuốn nhật ký chiến tranh 40 năm trên đất Mỹ

Thứ ba, 14/07/2015, 20:10 (GMT+7)

Qua những thông tin nhận được thì khả năng tìm được người thân để trao cuốn nhật ký đặc biệt này như nguyện vọng của vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter là rất lớn...

Qua những thông tin nhận được thì khả năng tìm được người thân để trao cuốn nhật ký đặc biệt này như nguyện vọng của vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter là rất lớn...

Sau khi đăng tải cuốn nhật ký của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Đường dây nóng của báo đã nhận được thông tin quý báu của một bạn đọc từ Thanh Hoá. Theo đó, người con gái có tên là Hà Thị Rốt hiện vẫn sống ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Bà là bạn học với chiến sỹ Nguyễn Văn Nam. Qua những thông tin mà PV báo nhận được thì khả năng tìm được người thân để trao cuốn nhật ký đặc biệt này như nguyện vọng của vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter là rất lớn.

Diễn biến đầy hồi hộp

Khác với nhiều cuốn nhật ký được phía Mỹ trao trả trước đây, nhật ký chiến tranh của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam khi được trao trả về Việt Nam gần như không có một thông tin cụ thể nào liên quan đến người nhặt được nó, cũng như thời điểm, địa điểm và hoàn cảnh nhặt được cuốn nhật ký này. Chính vì thiếu thông tin nên việc tìm kiếm người thân của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam được xác định là khó khăn hơn các kỷ vật chiến tranh trước đây.

Kỷ vật của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam do Bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao lại cho Bộ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.

Trao đổi với PV báo, một cán bộ công tác tại bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, người phụ trách việc tìm kiếm thân nhân của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam cho rằng, với những cuốn nhật ký không có những tình tiết liên quan đến thời gian, địa điểm mà phía Mỹ nhặt được thì công việc tìm kiếm đòi hỏi lâu hơn. Ngoài ra, dựa vào vết máu thấm đẫm trong cuốn nhật ký thì khả năng chiến sỹ Nguyễn Văn Nam có thể đã hy sinh. Theo địa chỉ người thân ghi lại trong cuốn nhật ký này, cán bộ bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng có hai giả thuyết đặt ra.

Một, chiến sỹ Nguyễn Văn Nam quê ở Thanh Hoá. Có thể, anh ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống. Nếu như đây là sự thật thì việc xác định người thân của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam sẽ rất thuận lợi. Thứ hai, anh có thể là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, bởi bức tranh người con gái trong cuốn nhật ký có thể là người thân của anh ở trong miền Nam. Nếu như điều đó là sự thật thì việc tìm kiếm người thân của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam sẽ mất thời gian khá lâu.

Vị cán bộ này cũng cho biết, ngay sau khi nhận được kỷ vật từ cục Đối ngoại, bộ Quốc phòng vào ngày 26/6, cán bộ bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam đã tiến hành xác minh thông tin. Theo đó, cán bộ bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã liên hệ vào Thanh Hoá và bước đầu có những manh mối quan trọng. Thông tin trong danh sách liệt sỹ ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá không có tên chiến sỹ Nguyễn Văn Nam. Còn trong huyện Nông Cống có tới ba liệt sỹ có tên là Nguyễn Văn Nam. Thời gian ba liệt sỹ này hy sinh là từ năm 1971 đến năm 1973. Những thông tin trên hết sức có ý nghĩa. Hiện cơ quan này đang nhờ cán bộ địa phương trong đó đi xác minh. Hy vọng, đây có thể là manh mối quan trọng để tìm chủ nhân đích thực của cuốn nhật ký. Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng cho rằng, tất cả đến nay mới chỉ dừng lại, giả thuyết vì cần phải xác minh một cách cẩn thận.

Chia sẻ thêm về công tác tìm kiếm người thân của các chiến sỹ để trao các kỷ vật chiến tranh của bộ đội Việt Nam được phía Mỹ trao trả về cho gia đình, vị cán bộ này cho rằng: Đến nay, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã nhiều lần thực hiện thành công. Nổi tiếng nhất là việc tìm kiếm thành công và trao trả cuốn “Nhật ký bằng tranh” của hoạ sỹ Lê Đức Tuấn. Ngay sau khi một cựu binh Mỹ đưa cuốn nhật ký bằng tranh này cho phía Việt Nam, bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức tìm kiếm. Nhờ biết được địa điểm và thời gian cụ thể nhặt được kỷ vật nên việc tìm kiếm chủ nhân cuốn nhật ký diễn ra rất thuận lợi. Thời gian từ khi thông tin được đăng tải trên báo chí đến khi hoạ sỹ Lê Đức Tuấn đến bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận cuốn nhật ký của mình chỉ trong một tuần lễ. Do đó, việc tìm kiếm người thân của liệt sỹ Nguyễn Văn Nam chắc chắn sẽ thành công.

Những thông tin bất ngờ và... bí ẩn

Trong khi cán bộ bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang tiến hành xác minh thông tin về chủ nhân của cuốn nhật ký đặc biệt do đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao trả thì tòa soạn báo đã nhận được cuộc gọi bất ngờ từ một người dân ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Chủ nhân của số điện thoại 0168888... có tên là Lê Hồng Quang (51 tuổi), một bạn đọc thường xuyên của báo cho rằng, ông biết bà Hà Thị Rốt - người được nhắc tới trong cuốn nhật ký.

Theo đó, sau khi đọc bài báo “Sự trở về xúc động của cuốn nhật ký chiến tranh sau hơn 40 năm lưu lạc trên đất Mỹ”, ông Quang hết sức xúc động. “Tôi đọc bài báo mà rơi nước mắt. Tôi tự nhủ rằng mình phải có trách nhiệm để tìm kiếm thông tin về người thân của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam. Người mà tôi nghĩ tới đầu tiên đó chính là bà Hà Thị Rốt, 60 tuổi (một bác sỹ thú y mà ông biết -PV). Sau đó, tôi đưa bài báo viết về cuốn nhật ký trên đến tìm gặp bà Hà Thị Rốt. Đúng như linh tính, sau khi đọc xong bài báo, bà Hà Thị Rốt khẳng định rằng mình chính là người được nhắc đến trong cuốn nhật ký. Và cuốn nhật ký đó là của liệt sỹ Nguyễn Văn Nam - một người bạn học của bà”.

Theo thông tin mà ông Lê Hồng Quang cung cấp, bà Hà Thị Rốt là người quê ở Nông Cống, Thanh Hoá. Trước đây, bà công tác tại trường Nông nghiệp, Hậu Lộc, Thanh Hoá. Bà lấy chồng người Hoằng Hoá, Thanh Hoá nên chuyển về đó sinh sống. Theo như lời bà Rốt kể lại thì chiến sỹ Nguyễn Văn Nam đã hy sinh. Bà biết rất rõ thông tin về người thân của liệt sỹ Nguyễn Văn Nam. Thời học ở trường Nông nghiệp Thanh Hoá, Nguyễn Văn Nam là lớp trưởng. Bà Rốt cho rằng, khi còn đi học, Nguyễn Văn Nam là một người rất chỉn chu, học giỏi và được bạn bè rất yêu quý. Đặc biệt, anh là người sống tình cảm, nội tâm, luôn dành sự quan tâm đến bạn bè. Khi đọc thông tin về cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Nam trên báo, bà Rốt rất xúc động. Bà Rốt sẵn sàng giúp đỡ cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về người thân của liệt sỹ Nguyễn Văn Nam.

Thông tin mà ông Lê Hồng Quang cung cấp cho báo hết sức quý giá. Nếu đó là sự thực thì việc tìm kiếm người thân của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam, chủ nhân của cuốn nhật ký sẽ hết sức dễ dàng. Việc trao kỷ vật chiến tranh về với người thân của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam theo nguyện vọng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đến vào một ngày gần đây.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin của ông Quang, người con gái trong bức ảnh mà chiến sỹ Nguyễn Văn Nam mang theo bên mình không phải là bà Hà Thị Rốt. Do đó, tên tuổi của người con gái trên đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Cũng theo thông tin chúng tôi nhận được, thời còn đi học ở giảng đường, chiến sỹ Nguyễn Văn Nam và bà Hà Thị Rốt có quan hệ thân thiết và rất nhiều kỷ niệm đẹp... Tuy nhiên, bóng hồng mà chiến sỹ Nguyễn Văn Nam nhắc nhiều nhất và được dành nhiều tình cảm nhất trong các dòng nhật ký của anh hiện vẫn chưa thực sự được hé lộ.

Mọi thông tin liên quan đến cuốn nhật ký của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam, sẽ được cung cấp tới bạn đọc vào bài báo sau.

 

Tìm người thân cho các chiến sỹ để trao kỷ vật

Cũng trong buổi làm việc với cán bộ bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chúng tôi được cung cấp thêm về hai kỷ vật được phía Mỹ trao trả cho Việt Nam và mong muốn đưa các kỷ vật này tận tay tới gia đình các liệt sỹ. Đó là một cuốn sổ Đoàn của chiến sỹ có họ tên là Nguyễn Văn Tế, làng Lương Câu, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong sổ Đoàn ghi rõ, kết nạp Đoàn vào ngày 17/4/1966, tại chi đoàn Lương Nghĩa, xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Cùng với một phong bì thư của chiến sỹ Nguyễn Văn Họp. H.T.20.6.47g.B. Người nhận là Nguyễn Văn Tập, xóm Bắc, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc.

   

Trinh Phúc

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news