Tiếp tục diễn biến xung quanh vụ triệt phá đường dây người mẫu, diễn viên bán dâm ngàn “đô”, theo thông tin mới nhất mà PV cập nhật được, Công an TP. HCM đã hé lộ “danh sách đen” các đại gia nói trên.
Thêm một lần nữa, việc đại gia “bóc bánh trả tiền” bị phanh phui, nhưng trong khi dung nhan các chân dài bán dâm được tỏ tường thì chân dung các quý ông mua dâm lại có phần được “ưu ái” giữ trong vòng nửa kín, nửa hở?! Câu hỏi là tại sao ngay khi sự việc xảy ra, không công khai luôn danh tính người mua dâm như bao vụ bắt quả tang mua bán dâm khác?
Bao nhiêu đại gia được “ưu ái” sau những bê bối tình dục?
Theo thông tin từ lực lượng chức năng, đến nay đã dần hé lộ danh sách về 6 vị đại gia chịu chi ngàn “đô” để mua dâm người mẫu, diễn viên. Các vị này đều là doanh nhân thành đạt, trong đó có 2 người ở TP.HCM, 1 ở Đà Nẵng, 1 ở Long An, 1 ở Đồng Tháp và 1 người ở Đồng Nai. Được biết, trước khi đến TP.HCM công tác, các quý ông này liên hệ với các chân dài trước vài ngày để sắp xếp cho cuộc vui thân xác.
Lực lượng chức năng cho biết, trong khi 6 chân dài và 6 đại gia trong bản “danh sách đen” nêu trên đang mây mưa ở 3 khách sạn tại huyện Bình Chánh và quận 1 vào chiều 7/4, thì bị các trinh sát công an ập vào bắt giữ. Nguồn tin cũng cho hay, bước đầu khi bị tạm giữ để làm việc, những người này đều khai báo thành khẩn, thừa nhận toàn bộ hành vi. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Các chân dài trong đường dây mại dâm vừa bị triệt phá. |
Mới đây nhất, ngày 2/11/2014, tại Hải Phòng, lực lượng công an đã bắt quả tang vụ mua bán dâm giữa 2 người mẫu và 2 doanh nhân do
Nguyễn Văn Hoàng, tức Hoàng “mẫu” (33 tuổi, trú phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) làm “trùm”. Giá cho mỗi lần giao dịch lên tới hàng ngàn USD/người. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong 2 cô gái bị bắt quả tang đang bán dâm tại Hải Phòng, có một thí sinh từng đoạt giải thưởng phụ của cuộc thi “Người đẹp tỏa sáng 2013”. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm nhất là danh tính các đại gia mua dâm đã không được tiết lộ.
Trước đó, hồi năm 2012, hoa hậu M.X. (sinh năm 1985, quê Hậu Giang) bị bắt vì cầm đầu đường dây bán dâm đã thu hút sự quan tâm của dư luận. M.X. được nhiều người biết đến sau khi đăng quang ở cuộc thi “Người đẹp Sóc Trăng năm 2009”. Theo điều tra của cơ quan công an, mỗi lần “quan hệ” ngắn hoặc đi kiểu sex tour, các chân dài sẽ được nhận hàng ngàn USD.
Ẩn số nguyên nhân mập mờ danh tính
Số lượng những vụ đại gia mua dâm người mẫu, diễn viên giá ngàn “đô” đang có xu hướng gia tăng, thế nhưng, trong khi tên tuổi, quê quán và cả hình ảnh của các chân dài bán dâm bị công khai trước bàn dân thiên hạ thì các quý ông lại gần như nằm trong... vòng bí mật. Nhiều lý lẽ được đưa ra, từ quan điểm cho rằng, họ không phải tội phạm, đến việc sợ ảnh hưởng đến gia đình, tiền tài, rồi “áp lực xã hội”...?! Thế nhưng, theo lẽ thông thường, có cầu mới có cung, không có người mua thì sao có kẻ bán. Phải chăng, việc mập mờ danh tính đang vô hình trung “bảo vệ” kẻ mua dâm?
Trên thực tế, không ít ĐBQH, các chuyên gia pháp lý, xã hội học từng đề xuất công khai danh tính người mua dâm nhưng hiện tại câu chuyện trên vẫn đang dùng dằng “nửa ở, nửa không”. Nhiều ý kiến cho rằng, tệ nạn mại dâm ngày càng phổ biến và công khai với nhiều hình thức khác nhau rất tinh vi, dưới các hình thức kinh doanh có điều kiện. Việc công khai danh tính người mua dâm và bán dâm có tác dụng ngăn chặn tệ nạn xã hội này. Từ thực tế, đây là hoạt động “có cầu có cung”, nên theo các chuyên gia pháp lý, phải xử lý từ cả 2 phía.
Hơn nữa, việc công khai danh tính người bán dâm, trong khi danh tính người mua dâm được giấu kín là không công bằng. Thậm chí, người mua dâm còn phạm tội nặng hơn người bán dâm. Bởi, ngoài vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, đa phần người mua dâm đều đã có gia đình, do đó, họ còn vi phạm Luật Hôn nhân & Gia đình. Có ý kiến cho rằng, việc công khai danh tính một bên còn là sự bất bình đẳng giới.
Bà Đỗ Thị Ninh Xuân – nguyên Phó cục trưởng cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (bộ LĐ-TB&XH): “Không thể dùng tiền làm những việc mà xã hội lên án”
Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Ninh Xuân – nguyên Phó Cục trưởng cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Đối với những đại gia, những người có địa vị xã hội họ cần gìn giữ hình ảnh mà họ đã đạt được. Việc họ sử dụng đồng tiền để thực hiện hành vi mà cả xã hội lên án là một điều khó chấp nhận. Vì vậy việc công khai danh tính sẽ là một biện pháp răn đe nhằm hạn chế tệ nạn xã hội. Việc công khai đó có thể làm họ mất đi nhiều thứ, tuy nhiên đó là một biện pháp khiến họ phải lựa chọn giữa những gì họ bỏ công sức đạt được và những gì họ tự tay phá bỏ chỉ vì muốn thể hiện đẳng cấp bằng thứ mà xã hội lên án.
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Cần chế tài đủ mạnh với những người “dùng sex thể hiện đẳng cấp”
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên. |
Vấn đề mua – bán dâm là của toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, điều chúng ta cần bàn đến ở đây là cách giải quyết vấn đề thế nào đối với tệ nạn này. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng những giải pháp phù hợp với điều kiện xã hội của đất nước họ. Chúng ta hiện vẫn đang loay hoay và chưa có một giải pháp hợp lý.
Bàn về vấn đề công khai danh tính của người mua dâm, cá nhân tôi cho rằng, cần hết sức cân nhắc bởi đằng sau mỗi người mua dâm còn có cả một gia đình. Đôi khi, để đánh giá về đạo đức trong trường hợp “bóc bánh trả tiền” rất khó bởi đó cũng là một nhu cầu của con người, việc công khai mua dâm đôi khi có tác động tiêu cực. Quan trọng, chúng ta cần có một giải pháp giải quyết từ gốc để tránh những tiêu cực xã hội do hoạt động mua bán dâm đem lại. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ công khai danh tính người bán dâm, vô hình trung lại tạo ra một sự bất bình đẳng trong xã hội vì những người phụ nữ là những người thiệt thòi hơn cả khi chịu tác động của việc công khai danh tính.
Đối với câu chuyện các đại gia lắm tiền nhiều của, thành đạt trong sự nghiệp chi hàng ngàn “đô” để mua dâm người mẫu, diễn viên… thì không chỉ đơn thuần là việc mua dâm nữa. Trong trường hợp này, họ dùng sex để thể hiện đẳng cấp, dùng sex để tô điểm cho sự thành công của họ. Khi đó họ dùng tiền để làm những việc mà xã hội lên án. Việc công khai danh tính là không cần thiết nhưng cần phải có một chế tài đủ mạnh, thực hiện nghiêm minh đúng theo từng tước vị và sự thành đạt mà họ đạt được. Và hơn hết, những người thành đạt không dùng mua dâm để thỏa mãn nhu cầu sinh lý mà chỉ để thể hiện đẳng cấp thì họ phải đối mặt với chính “tòa án” từ gia đình họ.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu): Giấu danh tính đại gia dễ tạo tâm lý pháp luật “bênh vực” người giàu
LS. Nguyễn Văn Nguyên. |
Pháp lệnh Phòng chống mại dâm quy định, không công bố tên tuổi, hình ảnh người bán dâm, mua dâm. Trong trường hợp, người bán dâm có hành vi môi giới, hoạt động theo tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, pháp lệnh cũng quy định, ngoài việc bị xử phạt hành chính tại chỗ hành vi mại dâm, người mua dâm cũng sẽ bị thông báo về địa phương để chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục.
Quy định là thế nhưng trên thực tế không mấy khi danh tính người mua dâm được công bố về địa phương. Dưới góc nhìn pháp lý, tôi cho rằng, bản thân mại dâm là dịch vụ bất hợp pháp. Đương nhiên, người sử dụng “dịch vụ” này, tức người mua dâm dù là ai đi chăng nữa cũng là bất hợp pháp. Và, nếu là bất hợp pháp thì không có lý gì không công bố danh tính của họ. Các đại gia chi hàng ngàn USD mua dâm người mẫu, diễn viên nhưng lại được “ưu ái” giấu danh tính là sự bất công bằng. Điều này sẽ dễ gây tâm lý pháp luật “bênh vực” người giàu, đại gia lắm tiền nhiều của thì được pháp luật “bảo vệ” hơn người nghèo.
Chỉ xử lý hành chính người mua dâm và bán dâm đều không có tác dụng phòng chống tệ nạn này. Một tệ nạn mà không bị coi là có tội sẽ rất khó xử lý triệt để.
Anh Văn - Lại Cường