Nhiều giáo viên ở Đắk Lắk bỏ ra hàng trăm triệu đồng để chay việc nhưng vẫn phải đối diện với nguy cơ mất việc vì giáo viên dôi dư quá nhiều.
Theo tin tức từ Lao động, ngày 28/3, Cơ quan Điều tra Công an huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tại cơ quan điều tra, ông Huỳnh Bê đã thừa nhận cầm 300 triệu đồng để chạy việc cho một người vào trường cao đẳng tỉnh Đắk Lắk nhưng đã không làm theo cam kết nên bị tố cáo.
Vụ án này dù mới khởi tố, chưa có kết luận cuối cùng bằng một phiên tòa, nhưng đường dây nhận tiền chạy việc cho các giáo viên ở Đắk Lắk bắt đầu hé lộ, không còn là lời đồn đoán.
Cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra việc chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên. Ảnh NLĐ |
Cũng trong ngày 28/3, thêm nhiều giáo viên dạy hợp đồng trong số hơn 500 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk đã phản ánh về việc chạy từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/suất.
Cũng theo tin tức từ Người lao động, anh Nguyễn Huy Tâm, nguyên là giáo viên môn tin học Trường THCS Vụ Bổn, cho biết đầu năm 2010, anh gặp ông Bê (lúc này là Hiệu trưởng Trường THCS Vụ Bổn) để xin vào làm giáo viên biên chế tại trường. Để được nhận vào dạy, anh Tâm phải "đi đêm" 60 triệu đồng nhưng được ông Bê viết "giấy biên nhận vay tiền".
Tháng 10/2010, anh Tâm nhận được hợp đồng lao động ngắn hạn với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng. Đến tháng 6/2012, anh Tâm tiếp tục đưa thêm 10 triệu đồng cho ông Bê và nhận được hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của UBND huyện Krông Pắk, được nhận lương và các khoản phụ cấp như một giáo viên bên chế. Tuy nhiên, từ tháng 1/2016 trở đi, anh Tâm chỉ nhận được mức lương 1,1 triệu đồng/tháng, sau khi trừ bảo hiểm. Vợ anh Tâm cũng phải lo 70 triệu đồng cho một "cửa" khác để được đi dạy.
Còn anh Chu Lý Thuần phản ánh nhiều tháng nay đã cùng mẹ đi đòi lại tiền từ ông Huỳnh Bê nhưng bất thành. Theo anh Thuần, sau khi ra trường, anh được một người quen giới thiệu tới dạy tại Trường THCS Ngô Mây và đưa cho người này 160 triệu đồng để lo vào biên chế. Tuy nhiên, sau đó người này đã trả lại 160 triệu đồng cho anh Thuần vì không thể lo được. Ông Bê đã chủ động gặp gỡ, hứa hẹn nhưng sau khi nhận 130 triệu đồng cũng không lo được cho anh Thuần vào biên chế.
Một trường hợp khác là ông Phạm Văn Chinh (ngụ xã Ea Kly, huyện Krông Pắk) phải vay 160 triệu đồng đưa ông Bê để lo cho con gái làm giáo viên và cũng được ông Bê viết một tờ "giấy mượn tiền". Sau đó, con gái ông Chinh được nhận vào trường giảng dạy nhưng không được ký hợp đồng, mỗi tháng chỉ được nhận từ 1,2 đến 2 triệu đồng nên tới tháng 8/2017 thì xin nghỉ việc.
Cũng trong ngày 28/3, trao đổi với Dân Trí, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, hiện vấn đề đang được cơ quan chức năng làm rõ, khi có kết quả cụ thể các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phát ngôn sẽ thông tin đầy đủ nên Ban Tuyên giáo đề nghị báo chí tạm dừng đưa tin để tránh làm nóng vấn đề, chứ không yêu cầu báo chí không được viết và cùng đồng hành với tỉnh trong giải quyết vụ việc này.
Đồng thời, bà Hòa cũng khẳng định Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẵn sàng phối hợp với báo chí, không hề có việc bưng bít thông tin.
Hà Trang (tổng hợp)