Tin mới

Hành trình ra Bắc của cây "khủng" như quái thú

Thứ tư, 04/04/2018, 10:20 (GMT+7)

Liên quan đến việc 4 cây cổ thụ có hình dáng “quái thú” được vận chuyển trên QL 1A, bước đầu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk thừa nhận 1 trong 3 cây siêu “khủng” này có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Lắk.

Liên quan đến việc 4 cây cổ thụ có hình dáng “quái thú” được vận chuyển trên QL 1A, bước đầu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk thừa nhận 1 trong 3 cây siêu “khủng” này có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Lắk.

Theo tin tức từ Infonet, chủ nhân của một trong số những cây khủng bị lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tạm giữ vì vượt quá chiều dài, chiều cao cho phép, quá tải cầu đường và bị cơ quan chức năng xử phạt trên 81 triệu đồng, là ông Nguyễn Ngọc Chung ở xã Tam Giang (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).

Ngay sau khi xác nhận được thông tin, trao đổi với PV Dân Trí, ông Chung xác nhận, gia đình ông chính là chủ nhân của gốc cây đa sộp có chiều dài 14m, đường kính 1,3m và đã được ông bán vào đầu tháng 3/2018.

Theo ông Chung, cây đa này khoảng trên 40 năm tuổi nằm tại rẫy cà phê của gia đình vốn được chính bố mẹ ông nhượng lại.

“Vào đầu tháng 3, có một người đàn ông tên Chung (ngụ TP. Buôn Ma Thuột) đã tới hỏi mua cây đa sộp này để đem biếu cho một nhà chùa ở Hà Nội với giá 10 triệu đồng. Do cây đa này chiếm một diện tích rất lớn trong rẫy, cũng không phải cây gỗ quý hiếm gì nên khi họ hỏi mua ban đầu dù tôi e ngại vì kiêng nhưng nghe họ bảo để tặng nhà chùa tôi đã đồng ý” - ông Chung cho biết.

Sau khi ngã giá, theo ông Chung, người mua cùng ông lên xã làm các thủ tục xin phép để khai thác gốc cây này.

Hố sâu nơi khai thác cây "quái thú" đã được chủ vườn lấp đất, san bằng lại. Ảnh Dân Trí

Chủ nhân cây đa sộp “khủng” cũng tiết lộ, người mua đã phải thuê 4 người đem các máy móc, dụng cụ tiến hành đào xới suốt 4 ngày mới di chuyển được gốc cây.

Cũng theo ông Chung, vừa qua ông nhận được điện thoại báo rằng vào ngày 26/3 cây đa sộp của ông được vận chuyển đến tỉnh Hà Tĩnh thì bị báo chí phát hiện. Ông cũng khẳng định mọi giấy tờ, việc đi đường là do bên mua làm hết ông hoàn toàn không biết đến.

Tại hiện trường nơi cây “quái thú” đã được khai thác còn sót lại rất nhiều phần rễ, ngọn, các cành nhỏ của gốc cây nằm rải rác khắp rẫy. Phần hố sâu do khai thác cây đa sộp cũng đã được chủ vườn cho đổ đất, san phẳng lại mặt bằng.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Vietnamnet, ông Ngô Hữu Quý, Phó chủ tịch UBND xã xác nhận, có trường hợp ông Nguyễn Ngọc Chung ở thôn Giang Hòa xin khai thác cây đa sộp và ông Chung cũng xin giấy xác nhận khai thác cây đa vào ngày 5/3 vừa qua và đến ngày 21/3 gốc cây này đã được vận chuyển, khai thác ra khỏi rẫy.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sau khi khai thác, cây đa này được vận chuyển theo quốc lộ 29 qua huyện này, sau đó đổ ra quốc lộ 26 chạy qua các huyện Ea Kar và M’Đrắk (Đắk Lắk), trước khi xuôi về Khánh Hòa theo quốc lộ 1A để ra Bắc.

Ngày 22/3, khi xe rơ-móc chở cây đa kể trên đến địa bàn huyện Ea Kar đã bị Đội CSGT - Công an huyện Ea Kar và hạt kiểm lâm huyện phát hiện, kiểm tra. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar xác nhận có vụ kiểm tra trên, nhưng lái xe cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cây nên đơn vị không lập biên bản xử phạt và cho đi.

Đến chiều 3/4, chủ nhân của 3 cây cổ thụ vẫn chưa được xác định, cơ quan kiểm lâm TT-Huế đã lập biên bản tạm giữ số cây khủng này. Ảnh Trí thức trẻ

Một lãnh đạo Đội CSGT - Công an huyện Ea Kar cũng xác nhận, ngày 22/3 có tiến hành kiểm tra một xe rơ-móc chở cây cổ thụ lưu thông qua địa bàn. Tuy nhiên, xe này xuất trình đủ giấy tờ nguồn gốc cây, không vi phạm về chở quá khổ, quá tải nên CSGT không lập biên bản xử lý. Vị này cũng cung cấp hình ảnh chụp lại rơ-móc mang BKS 73R-00.291 chở cây đa sộp và khẳng định không quá khổ quá tải.

Tuy nhiên, khi PV Tiền Phong cung cấp hình ảnh một xe đầu kéo chở theo cây cảnh “siêu khủng” vượt đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 26 về Khánh Hòa do độc giả chụp, cho lãnh đạo Đội CSGT huyện để đối chiếu. Vị này khẳng định, đối chiếu hình ảnh thì đây không phải là rơ-móc chở cây mà đội kiểm tra.

Ngoài ra vị này cũng cho biết thêm, theo phân cấp, quốc lộ 26 do lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk quản lý nên cấp huyện không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. 

Trao đổi qua điện thoại, ông Đỗ Quang Tùng- quyền Cục trưởng Cục kiểm lâm, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk báo cáo mới chỉ phát hiện một cây cổ thụ được khai thác có nguồn gốc ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, và đó là một trong số 3 cây đa đang bị lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên Huế tạm giữ.

Trước đó, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Y Sy K’đớk - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk - cho biết cây đa sộp bị tạm giữ tại Huế có phải ở Đắk Lắk hay không thì phải kiểm tra, đối chiếu thêm mới khẳng định được. Tuy nhiên đến nay không có thông tin nào cho thấy các cây gỗ khủng này được khai thác, vận chuyển từ Đắk Lắk. 

Hiện Cục Kiểm lâm Việt Nam đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác minh, báo cáo về nguồn gốc ba cổ thụ "siêu khủng" nói trên.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news