Các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, vừa tham gia công tác chống dịch. Ảnh: TTXVN
Thuận lợi, nhiều tiện ích
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 1-4, Tập đoàn BRG (đơn vị vận hành các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart, Hapro Food, Intimex, Seika Mart, Fuji Mart) đã mở thêm 10 cửa hàng tiện ích Hapro Food tại các địa điểm trung tâm để giúp người tiêu dùng Thủ đô thuận tiện trong việc đi lại, rút ngắn khoảng cách đến các điểm mua sắm. Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro - đơn vị thành viên Tập đoàn BRG) chia sẻ, ngoài việc phục vụ khách đến mua sắm trực tiếp tại các điểm bán hàng, Hapro còn phát triển việc bán hàng đa kênh qua thư điện tử, trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook, điện thoại… và giao hàng tại nhà. Trong những ngày qua, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong chuỗi BRG Mart đã giao hàng miễn phí cho hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày.
Đây cũng là phương thức mà nhiều thương hiệu bán lẻ khác triển khai, nhất là từ khi thành phố Hà Nội hạn chế việc đi lại, thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch. Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (quản lý, vận hành hệ thống siêu thị Big C & GO!), lượng khách đặt hàng đang tăng lên nhanh chóng, giá trị đơn hàng bình quân tăng 80-120% so với các tuần trước đó. Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart gửi đến tận nhà phiếu đặt hàng, khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục và liên hệ siêu thị qua tổng đài hoặc mạng xã hội Zalo, Viber... Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, Co.opmart đã tăng nhân sự giao hàng, nhận đơn đặt hàng; công việc vất vả hơn, nhưng nhân viên được tăng thu nhập.
Trong khi đó, ông Đỗ Quang Thuần, đại diện hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện ích Vinmart+ tại Hà Nội thông tin, hệ thống Vinmart và Vinmart+ đã triển khai các kênh mua hàng linh hoạt qua điện thoại, qua app (ứng dụng) VinID cũng như website https://id.vin/mWw. Khách hàng chỉ cần chọn hàng, hình thức thanh toán, sau đó hàng hóa sẽ được chuyển đến tận nhà.
Nắm bắt nhu cầu khách hàng đi một lần mua cho nhiều ngày, các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đẩy mạnh việc đa dạng các mặt hàng thực phẩm từ sơ chế đến nấu chín, đông lạnh. Đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đều khẳng định, thức ăn sẵn đưa vào hệ thống kinh doanh phải đáp ứng nhiều tiêu chí như hương vị truyền thống, không chất bảo quản, không phụ gia thực phẩm...; được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào, khâu chế biến đến thành phẩm.
Chị Phạm Hồng Nhung (chung cư Vinhomes Green Bay Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, từ khi xảy ra dịch Covid-19, chị đã cài đặt ứng dụng mua hàng trực tuyến của các siêu thị. "Đây là giải pháp hữu hiệu vì không phải đi lại nhiều mà vẫn có thể mua đầy đủ hàng hóa", chị Nhung nói. Còn anh Tô Văn Phong (nhân viên văn phòng, trú tại Khu tập thể Viện 108, quận Hai Bà Trưng) nhận xét, thức ăn sẵn trong siêu thị nhiều món, còn rẻ hơn ngoài tiệm, lại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các cửa hàng của Vinmart đều được dán biển thông báo, trang bị nước xịt khuẩn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân đến mua hàng.
Bảo đảm đủ hàng hóa - làm tốt phòng, chống dịch
Nói về công tác chuẩn bị hàng hóa, ông Nguyễn Thái Dũng thông tin, toàn bộ hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích trong hệ thống của BRG đã chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu. Trường hợp cần thiết, hệ thống sẽ mở cửa sớm và đóng muộn hơn. Thực tế, trong những ngày qua, hàng hóa luôn dồi dào, giá cả ổn định.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông, để bảo đảm việc cung ứng hàng liên tục, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để tăng lượng hàng gấp 3 lần. "Hằng ngày, hàng hóa được đưa về các siêu thị hai lần. Trường hợp có đột biến, nhà cung cấp sẽ tăng số chuyến. Chúng tôi cũng chủ động điều xe đến lấy hàng, bảo đảm không để việc đứt hàng xảy ra", bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.
Cùng với việc cung ứng hàng hóa, công tác phòng dịch cũng được các siêu thị đặc biệt quan tâm. Trong những ngày qua, tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích đều triển khai đo thân nhiệt, nhắc khách hàng rửa tay trước khi vào siêu thị. Đối với nhân viên, ngoài khẩu trang còn được trang bị găng tay, mặc áo bảo hộ, đội mũ nhựa, lắp thêm tấm chắn ngăn cách giữa nhân viên với khách hàng khi thanh toán. Ngoài việc phát loa nhắc nhở, siêu thị đã dán ký hiệu để khách nhận biết và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên bảo vệ siêu thị Vinmart Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy) cho biết: "Hiện chúng tôi nhận thêm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho khách hàng, nhắc khách hàng đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn tay, chú ý giữ khoảng cách 2m. Đa số khách hàng vui vẻ hợp tác, song trong quá trình mua sắm, nhiều người còn quên việc giữ khoảng cách, nên chúng tôi phải nhắc".
Còn chị Nguyễn Hà Thu, nhân viên thu ngân tại siêu thị Big C chia sẻ: "Hằng ngày, chúng tôi phải tiếp xúc với rất nhiều người, vì thế không tránh khỏi tâm lý e ngại. Tuy nhiên, được lãnh đạo động viên, hướng dẫn cách phòng tránh, được trang bị phương tiện bảo hộ, nên yên tâm hơn. Chúng tôi ý thức được nhiệm vụ bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân và mong muốn mỗi người chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch để chung tay cùng cả nước chiến thắng dịch Covid-19”.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, từ ngày 1-4 đến nay, cơ bản việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố được bảo đảm. Trong đó có đóng góp không nhỏ của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở theo dõi sát diễn biến thị trường, để có sự điều tiết kịp thời hàng hóa, hỗ trợ hệ thống bán lẻ trong việc tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.