Thảm thực vật tại Bắc Cực đang phát triển với xu hướng ngày càng rộng mở. Nhưng đó không phải là một tin tốt đối với hệ sinh thái nơi đây.
Thực vật ở Bắc Cực vốn là các loài cây bụi thấp và nhỏ. Nhưng đó là câu chuyện trước đây thôi. Còn bây giờ, bạn có thể chứng kiến cảnh này ở cái nơi tưởng như lạnh giá bậc nhất hành tinh của chúng ta.
Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đức, thực vật tại Bắc Cực đang ngày càng cao lớn hơn và phát triển rộng ra các khu vực lân cận. Và nguyên nhân thì chắc ai cũng đoán ra: chính là biến đổi khí hậu.
Hệ luỵ của quá trình này đối hệ sinh thái và hệ tuần hoàn carbon trong khu vực hiện chưa được xác nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện tượng này cần được theo dõi một cách thật cẩn thận, bởi lẽ sự thay đổi này đang xảy ra với tốc độ tăng dần trong vòng 30 năm trở lại đây.
"Chúng tôi nhận ra rằng việc cây cối tăng chiều cao không chỉ xuất hiện ở một số khu vực nhỏ lẻ, mà gần như ở khắp mọi nơi," - Anne Bjorkman từ Trung tâm đa dạng sinh học và nghiên cứu khí hậu Senckenberg (BiK-F) cho biết.
"Với đà tăng trưởng này, thảm thực vật tại Bắc Cực sẽ cao thêm khoảng 20% - 60% vào cuối thế kỷ 21."
Ở thời điểm hiện tại, mức độ tăng trưởng của thực vật tại Bắc Cực chưa gây ra nhiều lo ngại. Nhưng các nghiên cứu trước kia đã chỉ ra rằng 30% - 50% lượng carbon trong đất đang được lưu trữ trong các lớp băng vĩnh cửu của bán cầu Bắc. Nếu như việc thực vật cao lên khiến cho hệ sinh thái bị mất cân bằng, sẽ có một lượng CO2 và CH4 khổng lồ giải phóng vào khí quyển.
Đo đạc thực vật tại Bắc Cực
Để đưa ra kết quả hiện tại, nhóm đã nghiên cứu 117 khu vực khác nhau tại các vùng lãnh nguyên của Bắc Cực, với tổng cộng 60.000 khối dữ liệu từ các nghiên cứu khác. Dữ liệu từ dãy Alps tại châu Âu và dãy Colorado Rockies (Canada) cũng được đưa vào nghiên cứu.
Rất nhiều đặc điểm của cây đã được tính đến: chiều cao, độ phủ, tán lá, hàm lượng nitrogen, là cây gỗ hay bụi thường xanh... Kết quả, chỉ có chiều cao là thay đổi trong suốt 3 thập kỷ vừa qua, do ảnh hưởng từ độ ẩm và nhiệt độ của môi trường.
Các cây bụi dường như đang gặp điều kiện thuận lợi, do mùa sinh trưởng của chúng giờ đây đã không còn quá lạnh nữa.
Bên cạnh đó, việc cây cối bao phủ còn khiến màu sắc tổng thể của Bắc Cực tối đi, và vì vậy mà giữ lại nhiều nhiệt lượng từ Mặt trời.
"Chưa phải kết luận chính thức, nhưng việc đài nguyên tại Bắc Cực cao lên có nguy cơ khiến biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn, không chỉ tại Bắc Cực mà cho cả hành tinh này," - Bjorkman nhận xét.
Sẽ cần đến nhiều nghiên cứu hơn để xác định chính xác ảnh hưởng của hiện tượng này. Nhưng rõ ràng, yếu cây cối cao lên cần sớm được đưa vào mô hình dự đoán thay đổi khí hậu trong tương lai.
"Xác định mối liên hệ giữa môi trường và đặc tính của thực vật là cực kỳ quan trọng để hiểu được hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng các nghiên cứu như vậy rất hiếm khi được thực hiện phía Cực Bắc xa xôi," - trích lời Isla Myers-Smith từ ĐH Edinburgh (Anh Quốc).
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.