Tin mới

Hiện tượng Lên facebook nói xấu thầy cô: Xử lý hay quản lý?

Thứ bảy, 12/04/2014, 15:54 (GMT+7)

Học trò ngày xưa khác học trò ngày nay, học trò ở những thành phố lớn lại càng khác với học trò ở vùng quê. Càng ngày các em càng có nhiều kiến thức về kỹ thuật, công nghệ, tính độc lập và phản biện của các em cũng càng phát triển.

Học trò ngày xưa khác học trò ngày nay, học trò ở những thành phố lớn lại càng khác với học trò ở vùng quê. Càng ngày các em càng có nhiều kiến thức về kỹ thuật, công nghệ, tính độc lập và phản biện của các em cũng càng phát triển.

Do đó, việc định hướng cho các em từ sớm trong việc sử dụng công nghệ tin học, internet hay mạng xã hội là điều hết sức cần thiết vì nếu không hậu quả của nó sẽ rất khó lường.

Nơi để “xả”...

Có rất nhiều các hội, nhóm trên mạng xã hội được lập ra và hoạt động sôi nổi với những ý nghĩa xã hội cao, các tầng lớp sử dụng mạng xã hội rất phong phú, chiếm đông đảo số lượng trong đó là tầng lớp trẻ, sinh viên, học sinh…

Những thông tin, cảm xúc chia sẻ trao đổi không phải lúc nào cũng mang đến những ý nghĩa tích cực. Sự thoải mái bộc lộ đôi khi lại mang tới những hệ lụy ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ, lối sống và cả đời sống của những người không may bị liên lụy. Sự thái quá của học trò ngày nay cùng với sự “tiếp tay” của công nghệ đã biến mạng xã hội bỗng dưng trở thành nơi để “xả” những bức xúc, khó chịu của mình về thầy cô, trường lớp và bạn bè.

“Dạo” qua một vòng Facebook và chỉ cần đơn giản gõ lên thanh công cụ tìm kiếm , sẽ thấy hàng chục hội, nhóm với cái tên rất phản cảm như: “ Hội những người ghét cay ghét đắng giáo viên chủ nhiệm”, “Hội những người căm thù giáo viên”… Điều đáng nói ở đây là những hội, nhóm này có sự tham gia của rất đông người, có nhóm lên tới vài trăm người theo dõi thông tin được cập nhật hàng ngày, hàng giờ.

Từ cách dạy học của giáo viên, những câu nói nặng lời, cách cư xử, cách cho bài tập, cho điểm …đều có thể làm chủ đề được hàng trăm thành viên tham gia bình luận kiểu “a dua”. Tất cả những bức xúc, những ngôn ngữ, lời lẽ khó nghe của học trò về thầy cô đều được “thoải mái” tung ra, thậm chí có học sinh còn chế ảnh, ghép ảnh thầy cô giáo với những hình ảnh, phản cảm.

Đưa vấn đề này ra nói chuyện với một số học sinh của trường THPT Trương Định, Hà Nội, các học sinh đều nói rằng, những việc làm này xuất phát từ việc “thiếu công bằng” trong cách cho điểm, cách đối xử với học sinh hay “thầy cô bây giờ hay mắng mỏ, xúc phạm học sinh” ? Do vậy, việc có một nơi để bày tỏ những cảm xúc và thái độ là “có thể hiểu được”(?).

Tất cả những gì có thể phê phán đều được học trò đưa lên mạng xã hội nhằm thu hút ý kiến cộng đồng. Với công nghệ hiện đại, thậm chí những hình ảnh dạy học, những đoạn video clip hay cả đời sống riêng tư của thầy cô giáo đều được các em “khai thác” một cách triệt để và biến nó trở thành những chủ đề để công kích, chế giễu. Những hình ảnh, thông tin chưa đẹp này khi đã được đưa lên có sức “lan tỏa” khá mạnh mẽ. Vô hình trung, ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự thầy cô giáo trong trường, tạo ra những bức xúc của thầy cô giáo. Vì thế, tình cảm thầy trò lại càng xuất hiện thêm những “vết rạn” khó phai mờ. Chắc chắn, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giảng dạy giữa thầy cô và học sinh.

Không ít các thầy cô giáo khi vô tình đọc những bình phẩm về mình của các học trò mà mình trực tiếp đứng lớp hàng ngày đã bị sốc và cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Bởi vì những lời lẽ lên án quá gay gắt và bậy bạ, thậm chí những thông tin bị bịa trắng trợn về đời sống riêng tư. Nhiều thông tin còn được suy diễn về các khiếm khuyết cơ thể của thầy cô, nhằm mời gọi những bình luận không mấy thân thiện.


Không thiếu những trường hợp thầy cô giáo đọc được những lời bình phẩm không mấy hay ho về bản thân và vì quá bức xúc đã có những hành động, lời nói quá đà với học sinh sau đó hay “dành riêng một tiết học để mắng học sinh vì những lời nói không hay về mình trên mạng”. Những hành động này thường không tạo được thiện cảm của học sinh. Nhiều khi nó còn khiến phản ứng của học sinh trở nên gay gắt và mạnh mẽ hơn.

Hiện tượng Lên facebook nói xấu thầy cô: Xử lý hay quản lý?

Cần tạo mối quan hệ thân thiết giữa giáo viên và học sinh

“Bình thường thôi, cô cấm thì em lại có cách khác, trên diễn đàn, lập nick ảo tha hồ mà nói, em cũng chẳng sợ bị cô trù dập, càng trù bọn em càng nói”, một học sinh lớp 11, phản ứng sau khi bị thầy cô phát hiện ra và kỷ luật vì những bình luận của mình khi nói về cô giáo.

Kỷ luật, trù dập, mắng nhiếc, mời phụ huynh học sinh hay thậm chí có người thiếu kiểm soát tới mức quá “mạnh tay” đều là những cách xử lý bột phát của một số thầy cô giáo khi đọc được những điều không hay về mình do chính những học sinh của mình “tạo nên”. Đây là tâm lý hoàn toàn dễ hiểu nhưng đôi khi sự bột phát này thường không đem lại kết quả tích cực như thầy cô mong muốn, mà làm là “con dao hai lưỡi” khiến tình hình trở nên xấu đi.

Đứng trước thực trạng này, một số trường đã có những giải pháp có thể coi là tương đối hiệu quả trong việc góp phần hạn chế sự thái quá của học sinh trên mạng xã hội. Đó là tạo ra nhiều hơn các kênh giao lưu, giúp học sinh có thể thoải mái bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, thậm chí phản biện lại những điều các em cho là chưa đúng.

Ví dụ như trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã tổ chức một số tiết sinh hoạt của lớp cho học sinh thảo luận về cách ứng xử của thầy cô và học trò. Qua đó, có cách hướng học sinh vào những suy nghĩ tốt hơn, chín chắn hơn. Hay trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) thực hiện việc “học sinh đánh giá thầy, cô giáo” công khai và minh bạch, học sinh không để lại danh tính , nhưng những đánh giá đa chiều của học sinh trong toàn trường sẽ giúp các giáo viên phải để ý hơn đến lời nói, cách ứng xử và trình độ chuyên môn của bản thân. 

Chính những sự đón nhận góp ý trực tiếp của học sinh này đã góp phần lớn vào mối quan hệ thân thiết giữa thầy cô giáo và học sinh của trường.

Xử lý thế nào và quản lý ra sao? Đây là một câu hỏi lớn mà với nhiều nơi vẫn cần những đáp án thực sự hiệu quả. Trước khi tìm biện pháp xử lý, có lẽ các trường, các thầy cô giáo nên tìm cách “quản lý” một cách hợp lý, nhằm hiểu hơn chính học sinh của mình, rút ngắn khoảng cách thầy trò thông qua việc hiểu tâm tư , suy nghĩ và mong muốn của học trò.Có lẽ, đây có thể là phương pháp “ quản lý” tốt nhất hạn chế việc học sinh nói xấu thầy, cô trên mạng xã hội.

Theo Hà Linh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: nói xấu