Liên quan đến vụ việc Hiệu trưởng Tiểu học ở Hải Phòng muốn ra khỏi ngành giáo dục vì không chịu nổi áp lực sau khi bị tố lạm thu, trù dập giáo viên, theo lãnh đạo huyện An Dương, huyện đã yêu cầu phòng Nội vụ và đoàn kiểm tra làm rõ nội dung lá đơn.
Phụ huynh biểu tình đòi Hiệu trưởng trường tiểu học Đặng Cương từ chức. Ảnh: FB |
Theo thông tin trên Lao động, ngày 25/9, ông Lê Anh Quân – Chủ tịch UBND huyện An Dương (Hải Phòng) xác nhận, UBND huyện đã nhận được đơn xin ra khỏi ngành của bà Lê Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng trường tiểu học Đặng Cương.
"Nội dung đơn bà Thủy nêu lý do muốn ra khỏi ngành giáo dục là vì bà đã quá mệt mỏi, muốn trả lại sự bình yên cho nhà trường. Bên cạnh đó, bà Thủy cũng cho biết, do sức khỏe không tốt, muốn nghỉ để đi trị bệnh.
Về việc giải quyết đơn xin ra khỏi ngành của bà Thủy, ông Quân cho biết: Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ thông tin lạm thu tại trường Tiểu học Đặng Cương, do vậy việc bà Thủy đi chữa bệnh phải có giấy xác nhận của bệnh viện", Chủ tịch UBND huyện An Dương thông tin.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện An Dương, huyện đã yêu cầu phòng Nội vụ và đoàn kiểm tra làm rõ nội dung đơn xin nghỉ của bà Thủy.
Nếu đúng bà Thủy xin nghỉ đi chữa bệnh thì sẽ xem xét, còn lại thì không giải quyết bởi bà Thủy đang trong thời gian bị đình chỉ để thanh kiểm tra.
Trước đó, ngày 22/9, thông tin với PV VTC News, bà Lê Thị Thu Thủy – Hiệu trường trường Tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) cho biết, chiều cùng ngày, bà Thủy vừa làm đơn gửi UBND huyện An Dương xin ra khỏi ngành giáo dục huyện An Dương.
Theo đơn xin nghỉ việc của bà Thủy: "Gần 15 năm, đứng trong ngành giáo dục, bản thân tôi đã không ngừng nỗ lực cố gắng, nhất là trong thời gian công tác trên cương vị hiệu trưởng nhà trường, bản thân đã cống hiến tất cả sức lực và tâm huyết để xây dựng và phát triển nhà trường theo hướng hiện đại hóa.
Trước cơ chế Chính sách còn chưa thực sự rõ ràng, khó khăn về cơ sở vật chất, con người, nhất là tài chính, nhà trường phải vận động cha mẹ học sinh xã hội hóa hỗ trợ các hoạt động trong nhà trường, từ những hoạt động thường xuyên đến tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… được phụ huynh hết sức ủng hộ.
Là trường thứ hai trong khối Tiểu học của Huyện được Sở GD&ĐT công nhận Kiểm định chất lượng cấp độ 3 vào tháng 8/2014; Duy trì các tiêu chí trường chuẩn quốc gia giai đoạn I và từng bước phấn đấu đạt các tiêu chí Trường chuẩn Quốc gia giai đoạn II như có sân tập, bể bơi, thư viện mở…
Dù gặp rất nhiều khó khăn và sự o ép, song tôi đã lãnh đạo tập thể sư phạm nhà trường thực hiện thành công việc đổi mới các hoạt động dạy học và giáo dục theo hướng hiện đại, phù hợp với công cuộc đổi mới như đưa Kỹ năng sống vào chương trình dạy học; Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Các hoạt động ấy đã thực sự kết tinh bằng sản phẩm là những “lứa” học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có kỹ năng, các em không chỉ vững vàng khi bước tiếp vào bậc học THCS mà còn có những kỹ năng để sinh tồn."
Bà Thủy cũng trần tình rằng: "Trước cơ chế chính sách hiện nay, nếu làm nhiều thì sẽ sai nhiều, làm đúng theo các văn bản chỉ đạo ắt là chuyện “trên trời”. Tuy nhiên, về bản chất vấn đề cá nhân tôi có vi phạm pháp luật không đã có kết quả xác minh trong Báo cáo số 200 của Công an huyện An Dương và PA 83 Công an Thành phố năm 2016.
Một năm học 9,5 tháng thì 9 tháng (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ) chúng tôi tiếp đoàn kiểm tra, cơ quan báo chí, mọi sự đã khiến bản thân tôi thấy vô cùng mệt mỏi và không còn đủ sức lực và tâm huyết để có thể làm nghề dạy học – nghề tưởng cao quý nhưng lại là nghề nguy hiểm bậc nhất trong xã hội.
Người làm, người cống hiến đương nhiên là người có tội, kẻ phá hoại thì là người có công, dẫn đến nhờn luật pháp, cứ to mồm, làm sai, không chấp hành kỷ luật, chửi bới - đi kiện thì có công; người làm thật, vất vả đủ đường gánh vác, chịu thiệt thòi, hy sinh tuổi thanh xuân, mồ hôi, xương máu - bị kiện là người có tội.
Trước một loạt các khó khăn hiện nay, cần phải có sự động viên chia sẻ của cấp trên, sự đồng thuận của cấp dưới và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh thì cá nhân tôi đã bị dư luận xã hội vùi dập, học sinh nhà trường chính là nạn nhân trong tất cả mưu đồ của người lớn.
Tôi đau lòng khi nhìn đoàn biểu tình với băng rôn mang yếu tố chính trị, cũng đau lòng khi thấy nhà trường thành cái chợ, cô giáo thành “con”, thành “con chó”, và nhiều loại con khác... Nội quy, quy chế, kỷ luật đơn vị lộn nhào.” - Đơn xin nghỉ việc của bà Thủy viết.
Như tin đã đưa, sáng 18/9, nhiều phụ huynh có con em đang theo học tại trường tiểu học Đặng Cương đã tập trung trước cổng trường, mang theo băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường dừng công tác trong quá trình UBND huyện tiến hành điều tra vấn đề lạm thu đầu năm học.
Hàng chục phụ huynh học sinh cho biết, trường tiểu học Đặng Cương (xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) đã gửi tin nhắn điện tử cho họ thông báo: Không dạy buổi 2 cho các em học sinh; không học các nội dung xã hội hóa như kỹ năng sống, tiếng Anh; không ăn bán trú.
“Chưa hết, nhà trường còn không đưa ra thời khóa biểu cụ thể. Ngày nào con tôi đi học cũng phải mang sách vở của tất cả các môn vì không biết hôm nay sẽ học môn nào. Điều này là không thể chấp nhận được. Yêu cầu đình chỉ công tác bà Thủy ngay”, một phụ huynh bức xúc lên tiếng.
Bà Thuỷ hiện đã bị UBND huyện An Dương tạm đình chỉ công tác kể từ ngày 20/9 (thời hạn đình chỉ là 15 ngày) để làm rõ các sai phạm liên quan.
Đức Hòa (tổng hợp)