Trong khi người cha hiệu trưởng bị tố nhận hàng trăm triệu đồng chạy việc, bớt xén lương giáo viên, thì con trai không đi dạy nhưng vẫn có trong danh sách nhận lương đầy đủ.
Liên quan đến vụ hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) bị tố nhận hàng trăm triệu đồng chạy việc, bớt xén lương, theo nguồn tin từ Vietnamnet, sau khi bị người dân, giáo viên tố cáo, ông Huỳnh Bê (hiệu trưởng) đã cáo ốm, gần cả tháng nay không lên trường làm việc.
Một lãnh đạo Trường THCS Ngô Mây xác nhận, ông Huỳnh Bê nghỉ phép và đã hết hạn vào ngày 8/3. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Bê không lên trường làm việc.
Còn theo phản ánh của giáo viên, dù không lên trường nhưng trong các văn bản, bảng kê lương ông Huỳnh Bê vẫn ký duyệt.
Trường THCS Ngô Mây xảy ra nhiều sai phạm. Ảnh Vietnamnet |
Mới đây các giáo viên hợp đồng còn phản ánh ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn) còn trả lương cho con trai là ông Huỳnh Trọng Quý, khi ông này đã nghỉ dạy.
Theo đó, ông Quý đã có đơn xin nghỉ dạy tạm thời từ tháng 11/2017. Thế nhưng, từ tháng 11/2017 đến tháng 2/2018, ông Quý vẫn có tên trong danh sách nhận lương của trường.
Cụ thể, theo bảng lương tháng 11 và tháng 12/2017, ông Quý vẫn được kho bạc và nhà trường chi trả hơn 3,6 triệu đồng/tháng. Còn từ tháng 1 đến tháng 2/2018, mỗi tháng ông Quý được nhận mức lương hơn 2,4 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản bảo hiểm theo quy định.
Ngoài ra, tại danh sách biên chế, quỹ tiền lương năm 2018 của Trường THCS Ngô Mây do Phòng Nội vụ Krông Pắk ký duyệt, tổng số tiền lương trong năm 2018 của ông Quý là 32,67 triệu đồng.
Dù đã xin nghỉ dạy nhưng tháng 1/2018, ông Quý vẫn có trong danh sách nhận lương. Ảnh NLĐ |
Trong khi đó, số tiền lương được tờ kê khai lương từ phía kho bạc và lương thực của một số giáo viên lại có sự chênh lệch rõ ràng.
Theo thông tin từ Infonet, trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Diệu (giáo viên môn Địa lý), theo như phía kho bạc chi trả cho cô năm 2017 tổng số lương sau khi trừ (Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp), cô còn được nhận gần 47 triệu đồng.
Thế nhưng cô Diệu cho biết, cô chỉ nhận được 30 triệu đồng khi nhà trường chi trả. “Em lên kho bạc thì người ta cho biết lương phải chuyển qua thẻ nhưng thực tế, trong một thời gian dài chúng em chỉ nhận qua tay”, cô Diệu cho hay.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Người lao động, ông Dương Đăng Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xác nhận vào tháng 11/2017, ông Quý đã có đơn xin nghỉ tạm thời và đến nay vẫn chưa đi dạy lại. Tuy nhiên, việc lương thưởng là thẩm quyền, trách nhiệm của hiệu trưởng Huỳnh Bê và kế toán trường, ông không nắm rõ.
Còn ông Nguyễn Viết Bình, kế toán của trường nói với PV Infonet: “Anh là kế toán cũng là lính của ông Bê thôi. Những người hợp đồng không có quyết định của huyện thì không thể nhận lương qua kho bạc. Do đó, ông Bê lấy nguồn chênh lệnh của những giáo viên có quyết định để chia ra. Không lấy ra chia thì không có lương phát cho những người kia… ông Bê quyết định hết”.
Liên quan đến vụ việc, ông Cao Văn Tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pắk, cho biết sau khi các đơn vị gửi danh sách chi trả lương của nhân viên lên, phía kho bạc sẽ lập danh sách và gửi qua Phòng Nội vụ huyện thẩm định, phê duyệt. Sau khi được duyệt, kho bạc sẽ chuyển tiền lương qua ngân hàng và ngân hàng sẽ thanh toán cho các đơn vị. Như vậy, việc giáo viên nghỉ dạy hay bị chấm dứt hợp đồng thì nhà trường phải báo cáo, gạch tên khỏi danh sách.
Ông Tư thông tin thêm: “Nếu các đơn vị không gạch tên, không thông báo thì chúng tôi cũng không biết và vẫn chi trả lương theo danh sách”.
Theo lãnh đạo Kho bạc huyện, việc Trường THCS Ngô Mây nhận “một cục” lương của giáo viên tại ngân hàng, lập 2 bảng lương là sai nguyên tắc tài chính.
“Công an huyện đã làm việc với kho bạc huyện để lấy số liệu, phục vụ công tác điều tra và chúng tôi đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ” – lãnh đạo Kho bạc huyện cho hay.
Hà Trang (tổng hợp)