Tin mới

Phố "đồng phục xanh đỏ" ở HN: Hộ kinh doanh kêu khó làm ăn, chuyên gia chê đơn điệu

Thứ sáu, 13/05/2016, 08:58 (GMT+7)

Theo kiến trúc sư, việc đồng bộ biển hiệu tại phố Lê Trọng Tấn với hai màu xanh đỏ là đơn điệu, chủ quan và chưa chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị.

Theo kiến trúc sư, việc đồng bộ biển hiệu tại phố Lê Trọng Tấn với hai màu xanh đỏ là đơn điệu, chủ quan và chưa chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị. 

Phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa khánh thành được coi là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở thủ đô. Theo các tiêu chí thống nhất giữa chính quyền và người dân, phố có vỉa hè rộng 7,5 m làm bằng đá xanh tự nhiên phục vụ người đi bộ, người khuyết tật, hệ thống chiếu sáng lần đầu tiên sử dụng đèn led, cây xanh lấy bóng mát trồng xen kẽ với hoa cảnh...

Chính quyền cũng vận động các nhà mặt tiền chỉnh trang đồng bộ màu sơn, tháo dỡ mái che, mái vẩy, thống nhất mẫu biển hiệu kinh doanh, quảng cáo.

Những tấm biển quảng cáo này được thành phố hỗ trợ kinh phí lắp dặt và thay thế, những mẫu biển quảng cáo hay màu sơn, phường gửi đến từng hộ để họ tham khảo và quyết định cho ngôi nhà của mình.

Phố
Phố Lê Trọng Tấn sau khi quy hoạch. Ảnh: VietnamPlus

Sau khi hoàn thiện khu phố này đã được phần lớn người dân hài lòng với tuyến đường khang trang, sạch đẹp, phù hợp mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, theo một số hộ kinh doanh việc quy hoạch biển quảng cáo có cùng một kích thước, màu sắc, kích thước biển nhỏ, địa chỉ nhỏ, màu sắc giống nhau khiến khách hàng không thể nhận biết được cửa hàng của họ.

Trao đổi với báo giới, chính quyền địa phương đã lên tiếng về những điều dư luận tranh cãi về con đường kiểu mẫu này. Bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, màu sắc cũng như kích cỡ của biển quảng cáo đưa ra đều có sự lấy ý kiến, đồng thuận từ phía người dân.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trí Phúc - đại diện phụ trách hình ảnh của hệ thống Công ty May Nhà Bè khu vực phía Bắc nói: "Quy hoạch cho đồng đều là hợp lý nhưng việc quy định cứng 2 màu sắc xanh và đỏ thế làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì không sao chứ chúng tôi là thương hiệu nhận diện quốc tế, cần phải giữ nguyên logo, màu sắc, kiểu chữ...".

Cùng quan điểm, chủ một quán cà phê trên phố này cũng cho biết, anh đã mất khá nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư trang trí cho quán nhằm tạo nên sự khác biệt. Nhưng đến nay, biển hiệu quán cũng như mọi cửa hàng quần áo, bán nước mía hay bún đậu mắm tôm.

Trên Vietnamplus ghi nhận ý kiến kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiến trúc xây dựng Hà Nội cho rằng: quan hệ đô thị rất phức tạp, nó phải thỏa mãn nhiều vấn đề về tâm lý, thị giác nhưng việc đồng bộ biển hiệu tại phố Lê Trọng Tấn với màu sắc như vậy là đơn điệu, chủ quan và chưa chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị. 

Nhiều ý kiến khác cũng ủng hộ chủ trương quy hoạch lại bảng biển kinh doanh trên các tuyến phố nhưng chỉ nên quy định về kích thước, không nên quy định về màu sắc vì nó liên quan đến nhận diện "thương hiệu". 

Trước đó, Hà Nội từng thí điểm tuyến đường kiểu mẫu ở phố Chùa Bộc (Đống Đa), nhưng không thành công do không được sự đồng thuận của người dân. Sau khi khánh thành phố Lê Trọng Tấn, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ họp rút kinh nghiệm, lấy ý kiến để nhân rộng mô hình, đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị.

Toàn cảnh khu phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) được xem là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: VOV

Toàn bộ các bảng, biển quảng cáo của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp dọc tuyến phố này đều được lắp đặt theo đúng quy chuẩn do chính quyền quy định. Ảnh: Zing.vn

"Nhàm chán, khó nhận biết, không có bản sắc" khiến việc buôn bán chậm lại là phản ánh của một số hộ kinh doanh trên tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội. Ảnh: Infonet

"Đơn điệu và khó nhận diện thương hiệu" là ý kiến chung của các hộ kinh doanh. Ảnh: VOV

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news