Chỉ trong vòng 1 tuần, các hố sụt lún liên tiếp xuất hiện tại thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), có cái sâu hàng chục mét, hút trôi đất đá, tài sản, đe dọa cuộc sống của người dân.
TTXVN đưa tin, sáng 2/12, một hố sụt lún lại xuất hiện ở thôn Bản Tàn (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), cách các điểm xảy ra sụt lún trước đó khoảng 25 m.
Hố sụt lún mới có đường kính khoảng 6 m, chiều sâu ước chừng 30 m. Bên cạnh hố mới xuất hiện, các hố sụt lún cũ có hiện tượng tiếp tục sụt lún, xuất hiện các vết nứt nhỏ.
Hố sụt lún xuất hiện ở ruộng lúa. (Ảnh: TTXVN) |
Ông Hà Sỹ Huân – Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, địa điểm sụt lún mới nằm xa khu dân cư nên may mắn không xảy ra thiệt hại về người và tài sản, ruộng lúc có hố sụt lún cũng đã thu hoạch xong.
Hiện tượng sụt lún gần đây cũng xảy ra ở khu vực thị trấn và một số xã lân cận và thường xuất hiện vào mùa khô với đường kính lớn nhỏ khác nhau.
Người dân thôn Bản Tàn (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) cho biết, trước đây không hay xảy ra sụt lún, chỉ có 2 năm trở lại đây mới sụt lún. Vào năm 2016 đã xuất hiện các hố sụt lún nhỏ và năm 2017 thì xuất hiện thêm các hố sụt lún ở thửa ruộng và ao của các gia đình.
Theo VOV, vị trí sụt lún cách không xa một mỏ khai thác khoáng sản mới hoạt động trở lại sau một thời gian tạm dừng.
Người dân bên miệng “hố tử thần” rộng gần 3.300 m2 không xác định được độ sâu xuất hiện trong ngày 26/11 gần ao cá của gia đình. (Ảnh: Thanh Niên) |
Gần đây, trong hai ngày ngày 26, 27/11/2018, tại thôn Bản Tàn tiếp tục đã xảy ra hiện tượng sụt lún với 4 hố có đường kính lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, một hố đã nuốt trọn cả khóm tre, hố còn lại cũng khiến toàn bộ ao cá rộng 3000m2 của một hộ dân trong thôn biến mất.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Viện Khoa học Địa chất và Khoáng Sản Việt Nam cho biết, hiện mực nước ngầm đang bị thay đổi lớn, nếu trong vài ngày tới không được cải thiện sẽ xuất hiện một số hố sụt xung quanh.
Trước mắt cần hạn chế nước chảy vào các hồ, tránh việc dao động mức nước có thể cuốn các vật liệu đất đá xuống bên dưới các khe hở, sau đó lan rộng gây sụt mặt đất ở trên.
Theo lý giải của ông Khánh, hiện tượng sụt lún xảy ra chủ yếu ở các thửa ruộng và ao cá là nơi có tầng đất phủ dễ ngấm nước nhưng lại dễ rửa trôi do có thành phần đất cát lẫn cuội sỏi. Phía trên là một lớp đất sét có chiều dày từ 0,8 đến 1,2 m. Bên dưới có các hang, khe hở, khi có sự tác động của các yếu tố như mạch nước ngầm cạn, hiện tượng bơm hút nước ngầm sẽ dễ xảy ra hiện tượng sụt lún.
Hiện nay, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng Sản Việt Nam đang đo đạc, tìm hiểu nguyên nhân và phương hướng khắc phục.
Trang Vũ (tổng hợp)