Sau 5 năm chờ đợi, 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức tuyên bố kết thúc thắng lợi vòng đàm phán và đạt được thoả thuận mang tính lịch sử.
Vào buổi tối ngày hôm qua (5/10), Bộ trưởng 12 nước thành viên của Hiệp đinh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được thoả thuận lịch sử giữa các quốc gia sau hơn 5 năm dài chờ đợi.
Hiệp định TPP hoàn tất quá trình 5 năm đàm phán. Nguồn: Internet |
Ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Mỹ, phát biểu trước báo giới: "Chúng tôi, các bộ trưởng thương mại của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, vui mừng thông báo rằng, chúng ta đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)".
Theo đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nhận định rằng TPP là hiệp định của thế kỷ 21. Với các tiêu chuẩn ở đẳng cấp cao, toàn diện và cân bằng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Đồng thời, TPP cũng được cho là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đói nghèo, tăng cường minh bạch trong chính phủ của các nước thành viên.
Đồng thời, Hiệp định TPP cũng được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Sau khi hoàn tất và được quốc hội các nước chấp nhận và thông qua, TPP sẽ đóng góp 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Trên báo Thanh Niên đăng tải ý kiến của tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp định TPP được ký kết rất có ý nghĩa với Việt Nam. “Việc tham gia TPP, có hai kịch bản: GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỉ USD và 36 tỉ USD hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP”, ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, TPP rất có giá trị với Việt Nam vì tham gia TPP có nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Australia… vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản. “Bên cạnh đó, dòng vốn FDI từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý”, ông Thành nhấn mạnh. Cũng theo ông Võ Trí Thành, việc thực thi cam kết TPP cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn đầu tư, mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay vốn nước ngoài. |
Nhân Văn (tổng hợp)