Tin mới

Học phí tăng :Nỗi lo của sinh viên nghèo

Thứ ba, 20/10/2015, 11:18 (GMT+7)

Học phí tăng trở thành nỗi lo của sinh viên nghèo bên cạnh những lo toan về cuộc sống ở nơi thành thị đắt đỏ. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra nữa là chất lượng giáo dục có tăng theo học phí?\n 

Học phí tăng trở thành nỗi lo của sinh viên nghèo bên cạnh những lo toan về cuộc sống ở nơi thành thị đắt đỏ. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra nữa là chất lượng giáo dục có tăng theo học phí?

Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ từ tháng 12/2015 học phí của các trường đại học công lập sẽ tăng lên 10%  tức là tăng khoảng từ  600.000 đến gần 1 triệu đồng/tháng. Điều này khiến cho không ít sinh viên  đặc biệt những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải chật vật, lo lắng, thậm chí phải bỏ ước mơ ngành học của mình.

Cuộc sống của những sinh viên tỉnh lẻ ở thành phố là bao nỗi lo toan về tiền nhà, tiền sinh hoạt phí, tiền ăn uống, đi lại... mọi thứ đều đắt đỏ, nhưng giờ đây với Chính sách tăng học phí thì nỗi lo đó của sinh viên và gia đình lại thêm một phần gánh nặng.

"Em chỉ ăn bữa cơm trưa với giá 15.000 đồng/suất. Bữa tối em ăn mì tôm còn buổi sáng thì quen nhịn rồi. Cố gắng tiết kiệm nhưng tháng nào cũng phải vay 200.000-300.000 đồng nữa. Học phí tăng 100.000-200.000 đồng/tháng có thể với các bạn ở thành phố sẽ không bị tác động, nhưng với sinh viên tỉnh nghèo như em đó lại là tiền ăn của 1-2 tuần” – bạn Tình, sinh viên năm 2 ĐH Quốc gia Hà Nội nói về nỗi lo của mình trên Vnexpress.

Học phí tăng trở thành nỗi ám ảnh trong sinh viên (Internet)

Còn với bạn Nguyễn Văn Nam cho biết trên An ninh thủ đô, khi được làm sinh viên ĐH Dược Hà Nội là niềm tự hào của gia đình và người thân nhưng kèm theo đó là nỗi lo về gánh nặng học phí vì khối ngành Y dược thường có học phí rất cao. Theo Nam, cũng vì tiền học phí quá cao mà anh trai của cậu đã phải từ bỏ ước mơ trở thành người thầy thuốc.

“Chi phí ăn học ngành dược trội lên mấy lần so với ngành khác. Vay ngân hàng cũng không đủ để chi trả nên anh của tôi đã quyết định không vào học ngành y…” – Nam chia sẻ.

Theo chính sách miễn giảm học phí thì những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt thuộc diện sẽ được ưu tiên. Thế nhưng trên thực tế có nhiều sinh viên gia đình không thuộc diện ưu tiên mà trong nhà có tới 2-3 người đi học, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng thì học phí là một gánh nặng “oằn lưng”.

Biết rằng việc tăng học phí sẽ giúp các trường học tự chủ được nguồn tài chính, song một vấn đề đặt ra là nguồn học phí tăng đó sẽ được trường dùng làm gì và chất lượng giáo dục đại học có được tăng theo mức học phí hay không. Hiện nay, hầu hết các trường ĐH còn đào tạo nặng về lý thuyết, học chưa đi đôi với hành, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Điều này dẫn tới hệ quả là  nhiều sinh viên lầm vào cảnh thất nghiệp sau khi ra trường.

Nói về vấn đề này một chuyên gia giáo dục phân tích trên báo Người Lao Động: “Việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ phải gắn với quyền tự chịu trách nhiệm. Điều này có nghĩa là tự chủ phải dựa trên các tiêu chí về quản lý, năng lực và chất lượng hoạt động thực sự của các trường. Trường nào có chất lượng giáo dục tốt, có khả năng tài chính thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Quyền tự chủ về tài chính gắn với những nhiệm vụ được giao thì sẽ thúc đẩy các trường phải bảo đảm chất lượng đào tạo, tự chịu trách nhiệm trước những hệ quả đào tạo của mình đối với xã hội.

Hạ Vân (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news