Tin mới

Học sinh tự tử vì tình: Lỗi của người lớn

Thứ tư, 12/03/2014, 10:44 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Học sinh cấp 2 yêu nhau không còn là chuyện hiếm nhưng hậu quả của những mối tình mù quáng là điều khiến người lớn phải suy nghĩ và cần xem lại trách nhiệm nuôi dạy con, trò.

(Tinmoi.vn) Học sinh cấp 2 yêu nhau không còn là chuyện hiếm nhưng hậu quả của những mối tình mù quáng là điều khiến người lớn phải suy nghĩ và cần xem lại trách nhiệm nuôi dạy con, trò.

 

 

Câu chuyện nam sinh lớp 8 tên H. treo cổ tự tử vì quá yêu đã gây sốc cho tất cả thầy cô, nhà trường và các bậc phụ huynh ở thành phố TP.Pleiku (Gia Lai) cuối tháng 4/2012. Lý do H. tự tử là vì ghen, cho rằng “vợ” (một nữ sinh học kém 1 lớp – PV) có người yêu mới ở cùng xóm. 

Theo lời kể của gia đình, từ năm học lớp 6, H. (Trường tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Diên Phú, TP.Pleiku) đã biết để ý đến các bạn học sinh nữ dễ thương, xinh xắn. Trong đó, H. đặc biệt để ý đến Trần Mỹ Lan, học dưới H. một lớp.

 Là một học sinh năng động, thích thể hiện bản thân, H. cũng tìm đủ mọi cách để gây sự chú ý cho Lan, nhất là những lúc sinh hoạt tập thể. Sau một thời gian, tình cảm giữa H. và cô bạn gái ngày càng gần gũi và cả hai đều có cảm giác yêu đương.

Suốt 2 năm trời, tình cảm của cặp đôi này lúc nào cũng thắm thiết, lãng mạn. Chỉ đến khi H. qua đời vì treo cổ tự tử, thầy cô và bạn bè mới biết được “bí mật động trời” của cặp đôi này qua 8 lá thư mà Lan đã viết cho H.

Học sinh tự tử vì tình: Lỗi của người lớn

Ảnh minh họa

Đầu tháng 3/2012, buổi sáng trong lúc chờ đón Lan đi học, H. vô tình nghe lời từ một người bạn nói rằng Lan đang quen với một người con trai trong xóm tên Dũng. Thay vì gặp nhau nói chuyện trực tiếp hay gọi điện, nhắn tin hỏi, đôi trẻ này lại chọn cách viết thư tay để trò chuyện.

Trong một lá thư gửi cho Lan, H. viết: “Vợ yêu!.Chồng lúc nào cũng chỉ yêu vợ thôi chứ không yêu ai khác ngoài vợ. Chồng sợ mất vợ lắm, vợ đừng yêu ai khác mà không yêu chồng đó nha. Nếu như vợ mà không yêu chồng là chồng chết đó. Chồng sẽ chết để chứng minh tình yêu chân thành mà chồng đã dành cho vợ suốt hai năm qua.”. Và trong nhiều lá thư khác gửi cho Lan, H. đều đòi tự tử chết nếu như Lan yêu người khác.

Thế rồi, khoảng 15h, ngày 31/3, để chứng minh tình yêu “chân thành” mà mình dành cho người yêu, đợi lúc cả nhà đi vắng, H. đã vào nhà tắm treo cổ tự tử. Khoảng 16 giờ cùng ngày, mẹ và anh trai H. về nhà, gọi cửa mãi mà vẫn không ra mở. Nghi có chuyện chẳng lành, cả hai đã phá cửa hàng rào bên hông nhà để vào thì sững sờ khi phát hiện ra cảnh tượng hãi hùng.

Trong quá trình tìm kiếm nguyên nhân cái chết đột ngột của con trai, gia đình H. mới phát hiện trong hộc bàn có 2 lá thư của Lan viết cho H. được kẹp trong một cuốn vở. Trong thư Lan xưng mình là “vợ yêu”, gọi H. là “chồng yêu”. Một lá thư Lan có viết:

“Chồng yêu, đây là bức thư thứ 8 mà vợ yêu viết cho chồng. Vợ khuyên chồng đừng có suy nghĩ lung tung nữa. Vợ không có yêu ai khác ngoài chồng đâu, chồng đừng có nghe bạn bè nói bậy mà không yêu vợ và làm bậy nha!...”

Cũng liên quan đến chuyện yêu của học sinh tuổi ô mai, một “cặp tình nhân” đều là học sinh cấp 2 đã bị gia đình ngăn cản vì yêu đương quá sớm, chểnh mảng việc học hành. Phản đối thái độ của bố mẹ, cặp đôi này đã rủ nhau uống thuốc ngủ tự tử ngay tại nhà cô bé. Chuyện đau lòng này xảy ra vào cuối tháng 5/2006, tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên - Hà Nội.

Theo các chuyên gia tâm lý, phần đa các vụ học sinh tự tử xuất phát từ suy nghĩ bồng bột, nông nổi của teen. Bên cạnh đó, có nguyên nhân xuất phát từ sự thờ ơ của người lớn, đặc biệt là trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Một lý do khác bắt nguồn từ những kênh thông tin không được chọn lọc. Chính sự phổ biến của hiện tượng này dẫn đến việc teen bị cuốn vào vòng xoáy của nó. Từ đó, giới trẻ phát sinh lối sống tiêu cực, bi lụy, tự kỷ.

"3 môi trường giáo dục trẻ vị thành niên của chúng ta cũng có vấn đề. Gia đình thì bố mẹ ít tâm sự, ít hiểu con cái. Môi trường xã hội còn quá xa vời trong giáo dục trẻ. Trong nhà trường chưa có mô hình Giáo dục giới tính nào chuẩn, nội dung còn lúng túng, cách truyền đạt mông lung. Cả 3 môi trường giáo dục chưa làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong khi các phương tiện truyền thông, sách truyện, phim ảnh… có thể dạy cho trẻ cách giải quyết sự việc bằng tự sát một cách dễ dàng", chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất phân tích. 

Cũng theo ông Chất, để phòng tránh, kiểm soát hiện tượng này, cần nhìn thẳng và thừa nhận việc con cái tự tử là do lỗi của bố mẹ, do trách nhiệm của 3 môi trường giáo dục, của những người quản lý môi trường đó. Việc trẻ yêu không có gì là sai, tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng, do tạo hóa ban cho, cha mẹ cần hiểu điều đó.

Cha mẹ cần trau dồi cho mình kỹ năng làm cha mẹ, luôn đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của con để xem xét sự việc. Lúc nào người làm cha làm mẹ cũng phải tâm niệm “trẻ con luôn đúng, trẻ con không bao giờ sai, trẻ con sai là tại người lớn”.

Người lớn nói chung và cha mẹ nói riêng cần làm gương cho con trẻ, cần tạo ra môi trường giáo dục cảm thông thì trẻ mới có thể mạnh dạn chia sẻ những tâm tư, tình cảm và dễ dàng tiếp thu ý kiến của cha mẹ. Cha mẹ thường xuyên tâm sự, gần gũi như những người bạn để con hiểu được việc bố mẹ ngăn cản, khuyên răn đều muốn tốt cho con, tuyệt đối tránh những hành động cấm đoán quyết liệt bằng bạo lực để xảy ra những sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua.

Đặc biệt, với những trẻ đã tự tử nhưng may mắn được cứu sống, cha mẹ càng cần giúp con lấy lại cân bằng trong tâm lý. Thay vì đay nghiến, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của các em, cha mẹ hãy dành thời gian chia sẻ, giúp con nhận thức được mạng sống là thứ quý giá nhất trên đời, cần trân trọng, cũng như thường xuyên quan tâm, gần gũi để cùng con vượt qua khó khăn.

H.M (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news