Tin mới

Hỏi khó: Vì sao khủng long nặng hàng tấn vẫn có thể ung dung ngồi ấp mà không sợ làm vỡ trứng phía dưới?

Chủ nhật, 20/05/2018, 16:15 (GMT+7)

Kích thước khổng lồ của khủng long có thể ngay lập tức làm vỡ trứng, vậy làm thế nào chúng có thể ấp được trứng nở ra thành con?

Kích thước khổng lồ của khủng long có thể ngay lập tức làm vỡ trứng, vậy làm thế nào chúng có thể ấp được trứng nở ra thành con?

Cảnh tượng những chú chim ruồi hay gà vịt ấm trứng không còn quá xa lạ với con người chúng ta. Nhưng với một cá thể có kích thước khổng lồ như khủng long thì làm sao chúng có thể dùng thân hình đồ sộ như thế để ngồi ấp trứng mà không đe dọa đến mạng sống của các con?

Để trả lời cho thắc mắc này, mới đây, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên hóa thạch của một con khủng long chết trong lúc ấp trứng và phát hiện rằng loài vật này có thói quen xếp các quả trứng thành vòng tròn xoắn ốc xung quanh cơ thể trong tổ. 

Chính chiến lược thông minh này giúp khủng long vừa có thể ấp trứng, vừa không gây ra nguy hiểm với các con khủng long con sắp chào đời.

Hỏi khó: Vì sao khủng long nặng hàng tấn vẫn có thể ung dung ngồi ấp mà không sợ làm vỡ trứng phía dưới? - Ảnh 1.

Ảnh mô phỏng khủng long oviraptorosaursm, loài khủng long giống chim có lông vũ, và tổ của chúng.

Kết quả này được công bố trên tạp chí Biology Letters. Theo nhà sinh vật học Darla Zelenitsky Đại học Calgary, Canada, đồng tác giả nghiên cứu, điều này cho chúng ta phần nào thấy được rằng hành vi ấp trứng trong tổ của loài chim thời nay có thể bắt nguồn từ tổ tiên khủng long thời xa xưa hàng triệu năm về trước.

Nhóm nghiên cứu của Darla đã tiến hành nghiên cứu 40 chiếc tổ của khủng long oviraptorosaursm, loài khủng long giống chim có lông vũ, sống cách đây 65 triệu năm. Những con vật này có trọng lượng từ vài cân cho đến gần 2 tấn, tương tự một con hà mã hoặc tê giác thời hiện đại, và tổ của chúng có đường kính lớn nhất lên đến 3m.

Trong những chiếc tổ nhỏ, các nhà khoa học nhận thấy trứng được xếp thành từng cụm và lấp đầy không gian ở giữa. Khi khủng long trưởng thành và tổ ngày càng to hơn, con vật sẽ chừa không gian ở giữa để ngồi ấp trứng.

Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân thói quen xây tổ kỳ lạ của loài khủng long này. Nhiều ý kiến cho rằng khủng long không chỉ đơn giản là ấp trứng mà còn bảo vệ các con của chúng một cách an toàn và tuyệt đối với phương thức sắp xếp trứng như vậy.

Hỏi khó: Vì sao khủng long nặng hàng tấn vẫn có thể ung dung ngồi ấp mà không sợ làm vỡ trứng phía dưới? - Ảnh 2.
 

Tháng 4 vừa qua, một nhóm nghiên cứu khác của nhà sinh vật học Greg Erickson thuộc Đại học bang Florida ở Tallahassee, đã dựng lại bản sao tổ khủng long dựa trên hóa thạch được tìm thấy ở sa mạc Gobi của Mông Cổ vào năm 1955, tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ.

Theo nghiên cứu, đây là tổ của loài khủng long Citipati có kích thước xấp xỉ bằng khủng long giống chim Oviraptorosaur. 

Dựa vào những dấu tích tại hiện trường, con vật khổng lồ này có thể bị chôn sống do cồn cát sụp đổ hoặc chết trong trận bão cát dữ dội. Điều này giải thích được vì sao tổ của khủng long bị chôn lấp dưới lớp cát dày nhưng may mắn vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu.

Khớp với kết quả của nhóm nghiên cứu trên, các quả trứng hóa thạch được xếp vòng tròn theo hình xoắn ốc, có khoảng không ở giữa đủ để một con khủng long to lớn ngồi vào ấp trứng.

Các nhà khoa học không xác định được rằng con khủng long xây nên chiếc tổ kia là đực hay cái. Nhưng dựa theo dáng hình hóa thạch với hai chi trước sải rộng bảo vệ 12 quả trứng phía dưới cho thấy chúng là bậc phụ huynh tuyệt vời, che chở con đến phút cuối cùng. Loài chim ngày nay cũng bảo vệ trứng và chim con với cùng tư thế tương tự.

Hỏi khó: Vì sao khủng long nặng hàng tấn vẫn có thể ung dung ngồi ấp mà không sợ làm vỡ trứng phía dưới? - Ảnh 3.
 

Một hóa thạch tổ khủng long được tìm thấy ở Trung Quốc. Nhìn vào đây có thể thấy các quả trứng được xếp cẩn thận vòng ngoài, chừa không gian ở giữa cho khủng long ngồi vào ấp trứng.

Với tất cả kết quả nghiên cứu trên, nhà sinh vật học Stephen Brusatte của Đại học Edinburgh ở Scotland đã đi đến kết luận rằng khủng long có khả năng lớn là tổ tiên xa của loài chim hiện nay. 

“Từ trước đến nay, chúng ta luôn cho rằng khủng long là tổ tiên, phiên bản khổng lồ và chưa tiến hóa của thằn lằn. Nhưng thực tế, nhiều loài khủng long trong quá khứ rất giống với loài chim hiện nay, về cả vẻ ngoài lẫn thói quen ấp trứng” - ông Stephen cho biết.

(Nguồn: National Geographic)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news