Tin mới

Hơn 80 người chết và mất tích trong mưa lũ: Dự báo, cảnh báo thiên tai chưa sát?

Thứ sáu, 13/10/2017, 16:46 (GMT+7)

Dự báo nắng nhưng trời lại mưa, cảnh báo lũ giảm lại lên rất nhanh. Việc dự báo, cảnh báo mưa lũ chưa sát đã gây ra thiệt hại rất lớn.

Dự báo nắng nhưng trời lại mưa, cảnh báo lũ giảm lại lên rất nhanh. Việc dự báo, cảnh báo mưa lũ chưa sát đã gây ra thiệt hại rất lớn.

Theo tin từ báo Lao Động đưa, trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và hội nghị “Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ NTPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện các đợt thiên tai cực đoan như bão mạnh, siêu bão, mưa lớn đột biến tác động mạnh, sâu rộng đến việc sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Những ngày qua, đồng bào nhân dân các tỉnh Bắc miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắ đang phải gồng mình để khắc phục những hậu quả của đợt mưa lũ ngày 9-10.10 vừa qua. Đồng thời, một cơn bão đang hình thành ở biển Đông, dần từng bước tiến vào nước ta, sẽ gây mưa trên diện rộng ở chính những vùng đang chịu thiệt hại của đợt mưa lũ trước.

Điều này đặt ra việc chúng ta phải làm tốt công tác ứng phó. Không chỉ làm trong một tháng, một quý, mà với Việt Nam phải làm liên tục, quanh năm, không trừ một vùng nào, địa phương nào”, báo Lao động trích lời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Vậy vì đâu nước ta liên tục hứng chịu những cơn bão, mưa lũ xảy ra liên miên, gây thiệt hại rất lớn về người và của? Về điều này, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NNPTNT) thẳng thắn: Do biến đổi khí hậu, tác động của quá trình phát triển kinh tế xã hội, làm xuất hiện những loại hình thiên tai mới. Ngoài ra, nước ta còn có khoảng trống rất lớn trong công tác cảnh báo, phòng chống thiên tai.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề. Ảnh VOV

Bên cạnh đó ông Hoài nhấn mạnh: "1h chiều 11.10, chúng tôi nhận được một bản tin dự báo là lũ về hồ Hòa Bình với lưu lượng đang giảm dần, 12 tiếng sau chỉ còn 3.800m3, 24 tiếng sau còn 2.400m3/s. Nhưng thực tế là 24 tiếng sau lên đến 17.000m3/s. Lũ sầm sập đổ về, nếu chỉ chậm trễ trong việc xử lý thì một tiếng sau có thể xảy ra hậu quả khôn lường, có thể hủy hoại ngay hệ thống điều hành toàn bộ các cửa van của hồ Hòa Bình. Rõ ràng công tác dự báo thiên tai của chúng ta đang còn một khoảng trống, có khoảng cách rất lớn giữa yêu cầu và thực tiễn, cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới".

Theo tin từ Tiền Phong đưa, ngay sau khi có mưa lớn, lưu lượng nước về hồ nhanh, khiến hồ thuỷ điện Hoà Bình phải mở tới 8 cửa đáy xả lũ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có văn bản “phàn nàn” về chất lượng bản tin dự báo.

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cho rằng: "Công tác dự báo khí tượng thuỷ văn chưa kịp thời và sát với diễn biến nhanh, bất thường của lưu lượng đến các hồ, dẫn đến việc vận hành hồ xả lũ còn bị động".

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, muốn có dự báo tin cậy, phải hệ thống quan trắc phải chính xác. Hệ thống quan trắc phải nhiều mới đưa ra được các con số định lượng cụ thể…Tuy nhiên, hiện hệ thống quan trắc của Việt Nam còn mỏng. Hiện cơ quan dự báo chỉ có hơn 300 trạm đo mưa tự động, 200 trạm khí tượng, 300 trạm thuỷ văn để quan trắc, xác định lượng mưa.

"Vì thế các nhận xét là dự báo chưa sát cũng không phải là không có lý. Các dự báo, cảnh báo phải mưa phải điều chỉnh sát với thực tế, cập nhật thường xuyên hơn", báo Tiền Phong dẫn lời ông Hải nói.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho rằng, hiện các trạm quan trắc chỉ trông vào hệ thống quan trắc quốc gia và muốn làm phải có quy hoạch, lộ trình, kinh phí. Còn nếu một số bộ ngành, địa phương, chủ hồ lắp được các trạm lắp đặt thêm, giúp tốt hơn trong công tác dự báo. Tuy vậy, việc dự báo mưa cũng chỉ trong thời gian ngắn khoảng vài ba tiếng tới, chứ vài tuần, tháng tới thì rất khó.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news