"Hình ảnh người dân đánh đoàn rước kiệu, đoàn bảo vệ kiệu đánh lại là hành động phản cảm. Điều đó cho thấy, một phong tục cũ xa xưa đã bị biến dạng”, là nhận định của GS Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng VNCVHVN xung quanh thông tin “xô xát” tại lễ hội Gióng những năm gần đây.
Vừa qua, dư luận xôn xao trước việc xuất hiện đoạn video clip, hình ảnh ghi lại cảnh xô xát tranh cướp lộc tại Lễ hội Gióng (Sóc Sơn – Hà Nội). Tuy nhiên, theo một thành viên Ban tổ chức lễ hội thì phủ nhận cho rằng không có sự việc trên diễn ra trong ngày khai hội24/2/2015, mà là clip từ các năm trước đó.
Mặc dù vậy, trong mắt nhiều người một lễ hội văn hoá truyền thống lâu đời bỗng chốc biến thành cuộc hỗn chiến kinh hoàng là khó chấp nhận được.
Dưới góc độ văn hóa, Giáo Sư Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đã có những phân tích sâu xa về vụ việc này: "Cướp hoa tre là một phong tục cổ. Theo truyền thuyết, xưa kia Gióng đánh giặc, khi gãy roi sắt, ông đã nhổ gốc tre ngà quất vào quân thù, quất tới mức mà tre tơi tả. Bây giờ người dân tái hiện lại sự kiện đó qua việc cướp hoa tre. Tục cướp hoa tre có 2 lớp ý nghĩa.
Lớp nghĩa thứ nhất, hoa tre biểu tượng cho vũ khí của thánh Gióng. Ai cướp được hoa tre thì năm đó may mắn. Đây là lớp nghĩa hữu thức, ai cũng biết. Lớp nghĩa thứ 2, đối với các cặp vợ chồng trẻ thì họ còn giành hoa tre để có thể đẻ con trai mạnh khỏe, tài giỏi.
Nhưng dù là lớp ý nghĩ gì thì điều đó cũng mang tính phong tục. Sau lễ rước, ban tổ chức sẽ tung hoa tre ra để người dân giành nhau. Hoa tre thì ít, người nào cố gắng cướp được hoa tre là phước của họ trong năm đó. Đó phong tục, là cái vui của lễ hội, là niềm tin của tín ngưỡng. Đây hoàn toàn không phải cuộc đánh nhau, không ác ý.
Cảnh rước tại Lễ hội Gióng ngày 24/2. |
“Đây là một cuộc đánh nhau thực sự chứ không còn là phong tục nữa rồi. Hình ảnh người dân đánh đoàn rước kiệu, đoàn bảo vệ kiệu đánh lại là hành động phản cảm. Điều đó cho thấy, một phong tục cũ xa xưa đã bị biến dạng. Còn chuyện trong lễ hội tranh giành, đè lên nhau… hoàn toàn là phong tục. Nhưng sau đó thì không ai thù ai, trách ai, không có tính ác ý. Thậm chí làng này làng kia tranh giành, đánh nhau nhưng sau đó thì họ sang thăm hỏi nhau, chăm sóc nhau, không ai có thù oán gì cả” GS Thịnh nhận định.
Tại hội đền Gióng, trầu cau là một lễ vật dâng lên thánh và người dân không được cướp. Nếu đúng là có chuyện cướp trầu cau thì đó là người dân tự ý cướp, không phải phong tục. Điều này cũng giống như trước đây ở đền Trần, sau khi làm lễ, có người còn leo lên cả bàn bày các lễ vật dâng thánh để họ cướp. Đó là cái rất tệ, rất xấu của lễ hội.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ban tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm trong tất cả những vấn đề này.
“Theo tôi, để hạn chế xảy ra những sự việc phản cảm, đáng tiếc như vậy, Ban tổ chức cần phải tăng cường công tác an ninh tại lễ hội. Những người tham gia tổ chức lễ hội phải có ý thức bảo vệ lễ hội, bảo vệ phong tục tốt đẹp của địa phương”- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam khẳng định.
Ông cũng đưa ra lời khuyên: Tại lễ rước kiệu hoa tre ở đền Gióng, đoàn rước kiệu không nên có hành động đánh lại những thanh niên quá khích kia mà phải phối hợp với ban tổ chức có giải pháp hợp lý hơn.
Đối với người dân, họ cũng phải tìm hiểu về truyền thống, phong tục tốt đẹp của lễ hội, phải tự nâng cao ý thức của mình, đặc biệt là tại những nơi linh thiêng. Nếu tham gia một lễ hội với truyền thống văn hóa tốt đẹp mà lại có những hành động thiếu văn hóa thì việc tham gia đó còn có ý nghĩa gì nữa!
Theo Lâm Anh/Đời sống & Pháp luật