Tin mới

"Hôn em và con, hẹn ngày thống nhất"

Thứ năm, 30/04/2015, 15:16 (GMT+7)

Cuối mỗi bức thư, người lính ấy đều viết như vậy. Đó là những lá thư chan chứa tình yêu, dạt dào nỗi nhớ, cùng ý chí căm thù giặc, mong ngày thống nhất mà ông viết từ chiến trường gửi về cho vợ, con.

Cuối mỗi bức thư, người lính ấy đều viết như vậy. Đó là những lá thư chan chứa tình yêu, dạt dào nỗi nhớ, cùng ý chí căm thù giặc, mong ngày thống nhất mà ông viết từ chiến trường gửi về cho vợ, con.

Người lính ấy nay đã về già, ông tên Trần Xuân Phong (SN 1930), người gốc làng An Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha của ông chính là "Tướng rơm ớt" Trần Gia Hội, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân nổi tiếng ở chiến trường Bình - Trị - Thiên lúc bấy giờ.

Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông Phong làm giáo viên dạy Bình dân học vụ và thư ký UBND xã của chính quyền địa phương mới thành lập. Năm 1949, vì cha hoạt động cách mạng mà ông bị giặc Pháp bắt. Sau hơn một tháng tra khảo nhưng không khai thác được gì, lính Pháp đành phải thả tự do cho ông. Sau đó, ông tìm cách lên chiến khu Dương Hòa (Thừa Thiên - Huế), nơi cha ông làm chỉ huy và gia nhập lực lượng Vệ quốc đoàn ở đó.

Đến năm 20 tuổi, ông Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và từng hoạt động chiến đấu ở các chiến trường: Tây Nguyên, Bình - Trị - Thiên, Trung Hạ Lào, Đông Bắc Camphuchia. Chính trong khoảng thời gian này, ông đã viết những bức thư, bài thơ và những trang nhật ký gửi về hậu phương, nơi mà vợ và các con ông - những tình yêu lớn nhất - đang mong ngóng từng ngày.

Trong không khí cả nước đang chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của người cựu chiến binh Trần Xuân Phong trên đường Đào Duy Anh, TP Huế. Dù tuổi đã cao nhưng ông trông vẫn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Nâng niu những bức thư kỷ vật thời chiến tranh, ông bắt đầu kể cho tôi nghe về chuyện tình yêu, những lá thư và nhiều kỷ niệm thời lính đầy khó khăn, khốc liệt nhưng cũng không kém phần lãng mạn và hào hùng.

Tháng 10/1954, chàng lính trẻ Trần Xuân Phong tập kết ra Bắc. Trong một lần về thăm cậu em là thiếu sinh quân lấy vợ và sống ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), Phong có quen người nữ dân quân du kích Ngô Thị Bích Thanh kém anh mười tuổi. Cô thôn nữ với vẻ đẹp chân chất của vùng núi Hương Sơn đã cuốn hút anh lính trẻ ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Sau hai năm tìm hiểu, Phong và Thanh quyết định đi đến hôn nhân trong sự vui mừng của đồng đội và bà con vùng xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn.

Vợ chông ông Trần Xuân Phong ngày mới cưới

Cưới nhau được 9 năm, có với nhau hai mặt con, năm 1965, người lính Trần Xuân Phong phải tạm biệt vợ và con để lên đường vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Tiếp đó, từ năm 1969 đến năm 1972, ông được cử đi học tại Trường Đại học Quân y. Tháng 5/1972, ông tiếp tục tham gia chiến đấu và chuyển thương hỏa tuyến ở chiến trường Quảng Trị.

Những lá thư chính là cầu nối duy nhất giữa ông với gia đình lúc bấy giờ. "Từ năm 1965 đến 1972, tôi đã viết hàng trăm bức thư gửi vợ, ba và các em ở hậu phương. Tuy nhiên, do giao liên thời ấy rất vất vả và khó khăn nên số thư đến tay người thân tôi cũng không được nhiều", ông Phong tâm sự.

Mỗi bức thư ông viết là nỗi nhớ thương vợ con ở quê nhà, trong một bức có đoạn: "Thanh yêu quý!... Ôi! mỗi bước anh đi là một bước nhớ thương, mỗi bước anh đi là một bước ôn lại những tháng ngày anh đã sống. Đã hơn 9 năm rồi từ khi anh bắt đầu biết em, yêu em, chung sống với em cho đến bây giờ anh phải tạm xa em, biết bao là hình ảnh êm đềm, thắm thiết đã gởi lại trong anh qua từng bước anh đi. Em ơi! Nếu không có chiến tranh không vì giặc Mỹ cướp nước thì cuộc sống của chúng ta còn kéo dài êm ấm chứ đâu phải chịu cảnh phân li đau đớn này...".

Những lá thư được đóng thành quyển và được ông Phong lưu giữ cẩn thận

Và những lời động viên vợ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, tin tưởng vào chiến thắng của quân và dân ta: "Em yêu quý của anh ơi! Em hãy nén lại trong lòng em tất cả những đau thương, buồn tủi mà tập trung căm hờn vào bọn giặc Mỹ cướp nước đang ngăn trở hạnh phúc ta và hạnh phúc chung của cả dân tộc. Em hãy biến nó thành hành động thực tế trong công tác xã hội và gia đình, khắc phục mọi khó khăn, giữ vững lòng tin và làm tốt hết thảy những điều anh đã dặn”. Và cuối mỗi bức thư, ông luôn viết: "Hôn em và con, hẹn ngày thống nhất!".

Cuối mỗi bức thư ông Phong luôn viết: "Hôn em và con, hẹn ngày thống nhất"

Ngoài những là thư chan chứa tình cảm yêu thương, nỗi nhớ dạt dào, ông còn làm thơ tặng vợ. Những bài thơ giàu niềm thương yêu và tình cảm như:

"Em yêu quý!

Anh còn nhớ mãi buổi năm xưa.

Lưu luyến vô cùng cảnh tiễn đưa

Hai ta lệ ứa tràn đôi mắt

Từ sáng mờ sương đến xế trưa

...

Biết bao hình ảnh mến yêu xưa

Đã từng gắn bó tháng năm qua

Cho dù sông núi đường ngăn cách

Xa mặt nhưng lòng chẳng cách xa."

Hay cũng không kém phần lãng mạn:

"Bom nổ ban ngày bom nổ đêm

Giặc Mỹ quấy rầy ngủ không yên

Thao thức trào lên niềm thương nhớ

Anh dậy làm thơ để tặng em

...

Anh hiểu lòng em lắm Thanh ơi,

Yêu anh, em đã quý nhất đời

Nên em chẳng thiết chi tiền của

Mà chỉ cần độc có anh thôi"

Những lá thư, bài thơ ấy được vợ ông gìn giữ cho đến tận bây giờ. Chúng được viết trên khổ giấy Pelure (một loại giấy để viết thư thời đó - PV) và bằng mực Water-man nên dù đã trải qua thời gian hàng chục năm nhưng đến bây giờ vẫn còn khá rõ và nguyên màu mực. Với số lượng gần trăm bức, chúng đã được bà Ngô Thị Bích Thanh đóng thành quyển và lưu giữ cẩn thận. Những bức thư đó là kỷ vật vô giá của vợ chồng ông mà mỗi khi nhớ về ngày xưa, họ lại lật giở đọc từng trang thư và cùng ôn lại những tháng ngày xa cách đầy yêu thương.

Những bức thư còn nguyên màu mực và dấu quân bưu

Nhớ lại ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, Nam - Bắc sum họp một nhà, ông Trần Xuân Phong xúc động: "Khi ấy, nghe tin thắng trận tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Nghĩ đến hai miền thống nhất, những người lính được đoàn tụ với gia đình mà tôi vui không tả xiết. Một niềm vui không có gì có thể sánh bằng".

Lê Kông

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news