Tin mới

HS giỏi QG môn Sử cũng từ chối theo ngành Sử, vì sao?

Chủ nhật, 24/04/2016, 08:39 (GMT+7)

Đó là ý kiến của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội về thực trạng môn sử đang ngày càng bị “thất sủng” ngay tại Lễ tuyên dương và trao thưởng học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử sáng nay 22.4.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội về thực trạng môn sử đang ngày càng bị “thất sủng”.

- Số lượng học sinh chọn môn Sử thi THPT quốc gia ít, nguyên nhân là do đâu thưa ông?

- Học sinh đăng ký thi môn Sử ít tôi cho là điều dễ hiểu, bởi khối ngành khoa học xã hội nói chung, môn Sử nói riêng rất khó xin việc. Không chỉ ở Việt Nam, cả các người khác trên thế giới, các môn khoa học tự nhiên, kinh tế cũng được nhiều lựa chọn hơn khoa học xã hội.

Học sinh không chọn lịch sử để thi vì còn liên quan nghề nghiệp sau này. Các ngành thuộc khoa học xã hội thường bị đánh giá thấp, ít cơ hội việc làm, thậm chí bị “coi thường” nên ảnh hưởng đến đầu ra của người đi học. Do đó, học sinh sẽ lựa chọn những ngành dễ xin việc, dễ “kiếm ăn” nên dại gì chọn lịch sử hay địa lý. Đây mới là nguyên nhân chính. Nếu môn sử được đề cao, lương bổng khá, chắc sẽ có nhiều học sinh lựa chọn. 

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội.Ảnh: Nguyễn Thiêm

- Ngay cả các em được giải quốc gia Sử đều chọn những trường ĐH không có liên quan đến chuyên ngành sử như: ĐH An Ninh, ĐH Cảnh sát, ĐH Luật Ông nhận định thế nào trước thông tin này?

Đây là một sự lãng phí. Như tôi đã nói ở trên học sử ra rất khó xin việc, nếu có việc toàn việc lương thấp. Làm giáo viên nói chung cũng đã lương thấp, giáo viên sử càng thấp hơn. Để không lãng phí tài năng, hãy trọng dụng môn sử coi trọng giáo viên dạy sử hơn nữa. Trong những yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, có đầu vào, sách và chương trình cơ sở vật chất, cơ chế chính sách và giáo viên thì yếu tố giáo viên phải được coi trọng nhất. Người thầy là cốt lõi của giáo dục. Chúng ta cứ kỳ vọng quá vào sách giáo khoa, nhưng sách có thể sai, thầy giỏi có thể biết được cái sai đó trong quá trình dạy. Vai trò của người thầy là gốc trong giáo dục, thế mà Chính sách cho người thầy còn yếu, vậy không ai học sư phạm là đương nhiên, sư phạm sử càng ít.

- Theo ông làm thế nào để việc học môn Sử trong trường phổ thông có sự thay đổi, bớt khô khan?

- Hầu hết ý kiến đổ lỗi cho việc không thích học môn sử của học sinh là do chương trình và sách giáo khoa lịch sử viết cho học sinh nhưng mang nặng tư duy của người lớn. Nhưng nói như thế không có nghĩa học sinh quay lưng với môn sử. Nếu giáo viên dạy hay, học sinh vẫn thích. Bây giờ học sử không phải chỉ kiểu cũ, đọc thuộc ghi nhớ, phải trực quan sinh động: Như giáo viên có thể tổ chức cho các em học tại bảo tàng, các chuyến tham quan, có chương trình hay, có những bộ phim hay về lịch sử. Thầy phải là người đứng vai trò tổ chức cho các em trong các tiết học sử chứ không phải chỉ đọc lại trong sách.

- Ông có lời khuyên gì cho các thí sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia sắp tới với môn Sử?

-Tôi không có lời nào khác là các em hãy năm chắc kiến thức trong chương trình phổ thông, khi đi thi, các kiến thức chỉ nằm trong những gì các em đã học. Nhưng các em chú ý có sự vận dụng với những hoàn cảnh thực tế, chú ý so sánh bối cảnh Việt Nam và Thế giới, quan tâm đến các vẫn đề thời sự, kinh tế xã hội của đất nước, của thế giới. Tôi cho rằng, Bộ GD ĐT nên mời nhiều hơn những người đã qua công tác giảng dạy môn Sử trong hội đồng ra đề thi, như thế, đề thi cũng sát với các em học sinh hơn.

Cảm ơn ông!

Lê Vy

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: THPT quốc gia