Tin mới

Huyền tích ngôi miếu thiêng có người, ngựa chết tư thế "lạ"

Chủ nhật, 12/01/2014, 08:42 (GMT+7)

Cạnh ngôi miếu Bà ở Mẫu Sơn chôn Tây cung hoàng hậu thời nhà Mạc có cây rùa và cây đa quấn chặt vào nhau tạo thành một.

Cạnh ngôi miếu Bà ở Mẫu Sơn chôn Tây cung hoàng hậu thời nhà Mạc có cây rùa và cây đa quấn chặt vào nhau tạo thành một.

 

Người làng bảo, hai cây quấn chặt vào nhau giống như tình yêu giữa nhà vua và Tây cung hoàng hậu dành cho nhau. Thời Nhật chiếm đóng, tên lính buộc ngựa của viên quan Nhật vào thân cây rùa, ngựa cọ vào thành miếu, sau khi cởi dây, ngựa lăn đùng ra chết. Người buộc ngựa về nhà ốm đau liên miên, một hôm đang đứng, bỗng ngã, đột tử. 

Tài sắc mà bạc mệnh

Ở thôn Mẫu Sơn (xã Chu Điện, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) người dân vẫn truyền tai nhau về ngôi miếu Bà rất linh thiêng, cầu được ước thấy nằm ngay đầu làng, hướng về dãy núi Hang Vạc. Các cụ cao niên trong làng bảo, sở dĩ ngôi miếu thiêng như vậy vì dưới miếu có hài cốt của Tây cung hoàng hậu, một người tài sắc vẹn toàn do đố kỵ mà bị đầu độc chết. 

Huyền tích ngôi miếu thiêng có người, ngựa chết tư thế lạ


Thân cây rùa và cây đa quấn chặt vào nhau làm một với hai loại lá khác nhau.

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện về ngôi miếu Bà linh thiêng đến mức “ngựa chết tươi, người chết đứng”, người làng chỉ tôi đến gặp cụ Nguyễn Văn Phú, cháu đời thứ 8 của Tây cung hoàng hậu.

Cụ Phú (81 tuổi) hàng ngày vẫn trông nom và hương khói ngôi miếu cho biết: “Tôi cũng được nghe các cụ kể lại và trong chùa Đính Long của làng vẫn còn bia đá lớn, ghi tiểu sử của ngôi miếu Bà bằng chữ Hán.

Vào thời nhà Mạc (1527-1592), nhà vua và rất đông quan binh trên đường đi trấn ải dẹp giặc ở vùng Cao-Bắc-Lạng phải đi qua khe núi có tên là Hang Vạc. Khi nhà vua đi đến giữa khe núi, bỗng trời yên gió lặng, cờ hoa chùng xuống không còn tung bay như trước, ngựa và voi không thể bước đi mà khụy xuống.

Nhà vua và các quan quân trong đoàn không biết làm cách nào để tiếp tục lên đường, đành phải xuống ngựa tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại có chuyện lạ như vậy. Vua sai quân lính tìm hiểu trong vùng có gì lạ không? Quân lính tỏa đi các ngả, hỏi người dân trong vùng nhưng không thấy điều khác thường, ma quái, duy chỉ thấy có một cô gái cắt cỏ rất xinh đang ngồi nghỉ ở gốc cây, một viên quan đã tâu với nhà vua như vậy.

Đức vua thấy làm lạ, tò mò bèn cho quân lính mời người con gái đến gặp, nhưng tuyệt đối không được động đến chân lông, kẽ tóc của cô gái. Người con gái đồng ý đến gặp nhà vua, trên tay trái cầm nón, tay phải cầm liềm. Đức vua hỏi, cô có biết điều gì đã khiến cả đoàn quân của ta đang đi bỗng nhiên phải dừng lại không? Có phải cô là người đã khiến voi ngựa của ta không thể bước tiếp? “Thưa đức vua, tôi đi cắt cỏ và trong lúc ngồi nghỉ chân dưới gốc cây, hát rằng “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Một trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta”, cô gái đáp.

Nghe đến đây, nhà vua đã hiểu, vì sao ngựa, voi của mình không thể đi tiếp. Đức vua cảm mến tài sắc và để thử tài người con gái thêm một lần nữa, đã yêu cầu cô gái thắp ba nén nhang khấn thiên địa để voi, ngựa đứng lên để quan quân lên đường đánh giặc cho kịp, tình thế đã rất nguy cấp. Sau khi cô gái khấn xong, voi, ngựa đứng bật dậy, nhà vua cảm phục người con gái và nghĩ tổ tiên đã phù hộ gặp quý nhân, người hiền tài trợ giúp. Nhà vua đã mời cô gái lên ngựa đi đánh giặc”.

Thắng trận trở về, cảm phục trước tài sắc của người con gái, nhà vua đã lấy cô gái đó làm vợ và phong là Tây cung thứ phi. Bà được nhà vua hết mực yêu thương và giúp vua một số việc triều chính. Trước sự sủng ái của nhà vua dành cho bà, có một phi tần, vốn trước đó được nhà vua yêu quí đã đố kị và ghen ghét, nhiều lần hãm hại nhưng bất thành. Song không may, cuối cùng bà vẫn bị đầu độc chết.

Huyền tích ngôi miếu thiêng có người, ngựa chết tư thế lạ


Cụ Nguyễn Văn Phú bảo, miếu mới được tu sửa để người dân đến chiêm bái.

Trước khi nhắm mắt, bà xin nhà vua được yên nghỉ tại quê nhà. Đau đớn, tiếc thương trước sự ra đi của người vợ tài sắc và giỏi giang, nhà vua đã sai quan quân hộ tống đưa thi hài của bà về quê nhà an táng.

Cũng theo ông Phú, xác của Tây cung được đặt ngay ở đầu làng để người dân và họ hàng đến hương khói. Bà được dân làng chôn trên mảnh đất khô ráo, sạch sẽ thoáng mát, hướng nhìn vào núi Hang Vạc, nơi bà đã gặp nhà vua và nên nghĩa vợ chồng. Để tỏ lòng tiếc thương và khâm phục trước tài sắc, đức độ của  bà, dân làng đã lập miếu thờ bà ngay trên mộ, và có trồng cây rùa che bóng mát cho bà an nghỉ, loại cây này có gỗ chắc như gỗ lim, người dân vẫn dùng để đẽo cày, bừa.

Sau này họ hàng và dân làng gọi ngôi miếu này là miếu Bà cho gần gũi và thể hiện sự tôn kính. Còn tên thật của bà là Nguyễn Thị Vun, bởi vậy để không động chạm đến tên húy của bà, người dân trong vùng không ai gọi đi vun đỗ, vun hoa màu mà đi khâu luống để bà không trách tội. 

Xin âm - dương làm bệ tuợng đài sen

Cụ Phạm Văn Hồng, người cao tuổi trong thôn (89 tuổi), kể: “Ngày trước dân cư còn thưa thớt, đường vắng người đi lại, nghe các cụ kể nhiều câu chuyện linh thiêng về ngôi miếu Bà có cây đa, cây rùa quấn chặt vào nhau. Dân làng đi làm đồng ngồi nghỉ mát mà để trâu, bò cọ vào thành miếu để gãi ngứa sẽ bị bà trách tội. Nhẹ thì con trâu đó sùi bọt mép chết, nặng thì trâu chết, người ốm, muốn khỏi phải sửa lễ, xin Bà tha cho. Người đi đường qua mà không ngả nón, mũ, cúi gập người xuống làm lễ, về nhà ắt có điều xấu xảy ra”.

Huyền tích ngôi miếu thiêng có người, ngựa chết tư thế lạ


Anh Nguyễn Văn Bình, trưởng thôn Mẫu Sơn

Còn cụ Nguyễn Văn Phú nhớ lại: “Không đâu xa, những ngày tháng 5, tháng 6, trời oi bức, bố tôi thường trải chiếu nằm ngoài sân cho mát. Những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chó sủa ông thường tỉnh giấc có nhìn thấy bóng một người con gái về. Gia đình tưởng bố tôi mê ngủ, nhưng người hàng xóm cũng nhìn thấy. Bác hàng xóm làm nghề thịt lợn, đang đun nước để cạo lông lợn cũng nhìn thấy một người con gái mặc áo trắng qua đi trước mặt, sau một đoàn tùy tùng theo hầu, ông này chắp tay lạy “con thưa Bà”, nhưng bà không nói năng gì mà đi thẳng về phía ngôi miếu rồi biến mất”.

Người lạ có dịp qua thôn Mẫu Sơn thường tìm đến gốc cây rùa và cây đa để một lần “mục sở thị” sự quấn chặt vào nhau tạo thành một thân cây thống nhất, có hai loại lá khác nhau. Các cụ thượng thọ trong làng bảo, cây rùa được trồng trước, sau này nhà vua mất đi đã biến thành cây đa ôm chặt cây rùa như tình yêu giữa nhà vua và Tây cung hoàng hậu.

Bà Nguyễn Thị Mai, người thường xuyên hương khói vào ở miếu Bà ngày rằm, mùng một kể: “Tượng của bà ngồi trên một cái bệ vuông bằng gỗ bị mối xông hỏng, tôi bàn với chồng, làm cái bệ mới. Hai vợ chồng sửa lễ và ra làm lễ “xin” âm dương, để hỏi ý kiến bà có cho phép không? Tôi “xin” cả buổi sáng không được. Chồng tôi  mang lễ ra miếu thắp hương cũng không “xin” được. Hai vợ chồng quay về mà không biết làm thế nào. Chồng tôi đến hỏi một người chuyên làm đồ thờ cúng, sau khi cung cấp thông tin bà ngồi ở tư thế khoanh chân. Thợ làm đồ cúng mới bảo, tượng khoanh chân chỉ có thể làm bệ theo kiểu đài sen. Quả nhiên, sau khi tôi khấn vái và nguyện ý muốn làm một cái đài sen thay cái bệ vuông đã cũ, bà đồng ý ngay. Nhiều gia đình cuộc sống khó khăn, hiếm muộn đến “xin”, vẫn được bà phù hộ độ trì”.

 

Người và trâu chết chỉ là truyền miệng

“Miếu Bà được người dân lập lên và thờ cúng từ mấy trăm năm trước. Vào ngày rằm, mùng một dân làng và người quanh vùng vẫn đến chiêm bái và xin lộc. Cạnh miếu có cây rùa và cây đa cổ thụ quấn chặt vào nhau. Có người đồn thổi nào là cây thần, cây bụt, nhưng thực ra chỉ là hai cây cổ thụ sống kí sinh vào nhau lâu ngày tạo thành một thân cây thống nhất có hai loại lá khác nhau rất lạ. Những câu chuyện linh thiêng về người và trâu chết chỉ là truyền miệng, hiện tại chưa có trường hợp hay hiện tượng lạ nào như đã kể xảy ra ở miếu Bà”, anh Nguyễn Văn Bình, Trưởng thôn Mẫu Sơn nói.     

   

Theo Nguoiduatin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news