Tin mới

Hy hữu hai nữ đồng tính kiện nhau ra tòa giành quyền nuôi con

Thứ ba, 18/08/2015, 08:26 (GMT+7)

Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ mỉm cười khi đôi “vợ chồng” đồng tính nữ xin được một bé gái về làm con nuôi. Ngờ đâu niềm vui ấy nhanh chóng bị dập tắt khi một người bỏ đi lấy chồng và “ôm” luôn đứa nhỏ.

Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ mỉm cười khi đôi “vợ chồng” đồng tính nữ xin được một bé gái về làm con nuôi. Ngờ đâu niềm vui ấy nhanh chóng bị dập tắt khi một người bỏ đi lấy chồng và “ôm” luôn đứa nhỏ.

Một người phải đi lấy chống, cuộc tình chìm trong nước mắt

PV báo Người Đưa Tin gặp chị Nguyễn Thị Vân (SN 1973, trú tại quận Tân Bình, TP HCM), là nguyên đơn kiện “người tình” đồng tính Nguyễn Thị Dung (SN 1977, trú tại thị trấn Cái Nhum, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long) để đòi con.

Đưa ánh mắt về nơi xa xăm, chị Vân kể: “Nhiều năm trước đây, tôi và Dung vô tình quen nhau. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ biết nhau rồi sau đó mất liên lạc. Mãi đến năm 2008, tình cờ chúng tôi gặp lại khi cùng làm ở một công ty. Do Dung là nhân viên mới nên tôi thường tận tình giúp đỡ. Để rồi hai chúng tôi nảy sinh tình cảm lúc nào không hay”.

Chị Vân đang trao đổi với luật sự Dũng

Sau thời gian “tìm hiểu” hai người quyết định thuê chung một nhà trọ và dọn về ở cùng nhau như “vợ chồng”. Cuộc sống của họ còn nhiều vất cả nhưng cả hai đều cảm thấy hạnh phúc vì được sống thật với con người mình. Sau 4 năm chung sống Vân và Dung đều khao khát có một đứa con như bao cặp vợ chồng bình thường khác. Tuy nhiên họ không thể có con nên đã bàn nhau đi xin một đứa bé về làm con nuôi để có người bầu bạn lúc tuổi già. Đúng thời điểm đó, tình cờ Vân quen với dì Mai là người có đứa cháu gái lỡ có bầu sắp sửa sinh con mà không có khả năng nuôi dưỡng.

Bằng giọng bùi ngùi Vân kể : “Khoảng tháng 5/2013, biết dì Mai có người cháu mới có 16 tuổi, đang phụ bán quán cafe ở gần đây. Bé đó đã yêu một cậu làm cùng quán và trót dính bầu được hơn 6 tháng. Tuy nhiên, cả 2 đứa cùng nhỏ tuổi nên không thể tự nuôi con được. Bố mẹ bé đó nhờ dì, nếu có ai tốt mà xin nhận làm con nuôi thì cho họ để lo được cho đứa nhỏ. Vì vậy, tôi đã gặp và năm nỉ dì Mai khi nào cháu dì sinh đứa nhỏ ra thì cho tôi đứa bé. Tôi hứa sẽ thương yêu và chăm sóc nó như con ruột của mình”.

Biết chị Vân là người tốt, và đang thực sự khao khát có một đứa con nên dì Mai đồng ý. Đến tháng 8/2013 cháu của dì Mai sinh ra một bé gái bụ bẫm. Giữ đúng lời hứa dì Mai đã đưa đứa nhỏ để chị Vân nuôi dưỡng. Đồng thời, mẹ ruột đứa nhỏ viết một tờ giấy với nội dung cho chị Vân đứa nhỏ để chị Vân chăm sóc mà không đòi bất cứ một điều kiện nào. Hứa sau này sẽ không kiện cáo hay tranh giành con với chị Vân.

Sau khi nhận đứa bé về nuôi, Vân đã làm thủ tục nhận con nuôi và làm giấy khai sinh cho đứa nhỏ. Tuy nhiên, hộ khẩu của Vân vẫn còn ở Hưng Yên đi lại khó khăn nên Vân bàn với Dung lấy hộ khẩu của Dung ở huyện Măng Thít tỉnh Vĩnh Long để làm giấy tờ nhận con nuôi và khai sinh cho đứa nhỏ.

Trò chuyện với chúng tôi Vân nói : “Lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản tôi và Dung sống cùng nhau, ai đứng tên là mẹ của bé trên giấy khai sinh đều được. Vì vậy, chúng tôi đưa đứa nhỏ về Vĩnh Long báo cáo với chính quyền địa phương là mẹ của Dung nhận được đứa nhỏ ở chợ. Đồng thời làm thủ tục để Dung nhận bé gái làm con nuôi và đặt tên là Như Ý”.

“Sau khi làm xong giấy khai sinh cho Như Ý, chúng tôi đưa bé về nuôi trong niềm vui sướng. Từ ngày có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ cuộc sống của 2 chúng tôi không còn tẻ nhạt mà. Hai chúng tôi thay nhau chăm sóc Như Ý và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn” chị Vân nói.

Nhưng niềm vui có trẻ nhỏ trong nhà chưa được bao lâu thì chính quyền huyện Mang Thít yêu cầu hàng tháng phải đưa Như Ý về trình diện. Bàn đi tính lại, do Như Ý con quá nhỏ đi lại đường xa vất vả. Nên Dung và Vân quyết định đưa Như Ý cho mẹ của Dung ở Vĩnh Long chăm sóc, đồng thời hàng tháng Vân gửi 3 triệu đồng để mẹ Dung trang trải chi phí sinh hoạt cho con.
Cũng trong thời gian này, chị Vân có gửi thêm 70 triệu đồng cho mẹ của chị Dung nhờ mua giúp mảnh đất để dành cho đứa con. Cũng vì không có hộ khẩu nên Vân nhờ mẹ Dung đứng tên dùm trên lô đất đó . Những tưởng dự tính cho tương lai của mình sẽ thuận buồm xuôi gió. Ai ngờ tám tháng sau, mẹ chị Dung gọi lên bắt chị về quê lấy chồng. Qúa bất ngờ trước thông tin đó nhưng Vân cũng ngậm ngùi chấp nhận vì nghĩ bấy nhiêu hạnh phúc đó cũng đủ với một người đồng tính như chị.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Vân nói: “Ngày Dung theo chồng bỏ lại tôi một mình tôi đau lòng lắm. Nhiều đêm nghẹn ngào trong nước mắt cho kết cục một cuộc tình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nếu Dung cứ sống với tôi như vậy thì cũng chẳng có tương lai gì, nên tôi đã động viên và vui vẻ chúc phúc cho cô ấy . Ngày Dung tổ chức hôn lễ tôi cũng về quê may áo cưới và phụ gia đình Dung tổ chức”.

Kiện nhau ra tòa để giành quyền nuôi con

Sau khi “người tình” đi lấy chồng, chị Vân chỉ còn một mình, đi làm về tự nhốt mình trong phòng, không giao lưu với ai. Biết Dung có bầu và sắp sinh con, nên chị Vân đã về nhà Dung xin mẹ chị Dung giao lại Như Ý để chị chăm sóc và cũng có người bầu bạn mỗi khi cô quạnh.

Mắt ngấn lệ chị Vân nói : “Khi tôi vừa đưa Như ý về Sài Gòn thì gia đình Dung báo công an và dẫn người lên ép tôi phải trao trả lại bé Như ý cho Dung. Vì quá thương con tôi chạy theo không may bị xe tông gãy cả chân. Nằm trong bệnh viện, đau do vết thương thì ít mà thương nhớ con thì nhiều. Sau 7 ngày tôi vừa ra viện, không còn tâm trí nào mà làm ăn, tôi tiếp tục chống nạng bắt xe đò về Vĩnh Long để nói chuyện với gia đình Dung”.

Chị Trần Hồng Anh, chị của chị Vân kể : “Vân vừa xuất viện, nằng nằng đòi tôi đi cùng về Vĩnh Long để thăm Như Ý. Về đến nơi, Vân khóc rất nhiều xin gia đình Dung vì tình nghĩa mà giao lại con cho Vân chăm sóc. Vân cũng giải thích, bây giờ Dung cũng đã có chồng, và có con. Còn Vân thì thui thủi một mình, chỉ còn Như Ý là niềm vui duy nhất. Nhưng gia đình Dung nhất quyết không nghe, đem giấu Như ý đi nơi khác nhất quyết không cho Vân gặp mặt”.
Không thể nói chuyện được bằng tình nghĩa, chị Vân quyết định nộp đơn lên Tòa án nhân dân huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long với mong muốn lấy lại quyền nuôi con. Theo như chị Vân trước khi làm giấy khai sinh cho Như Ý, chị Dung có làm giấy cam kết trong đó có viết : “Vì cá nhân (tức chị Vân) không có hộ khẩu nên không làm giấy khai sinh cho bé nhưng vẫn cấp dưỡng cho bé. Nếu quá 6 tháng không sang tên lại cho chị Vân thì chị Dung hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Sau khi thu lý vụ kiện, xem xét điều kiện nuôi con của phía bị đơn là chị Dung đã có con gần một tuổi với người chồng mới, đồng thời phải nuôi thêm con riêng của chồng, nên tòa án đã cố gắng hòa giải đến tổng cộng 7 lần để cháu Như Ý có cuộc sống tốt nhất có thể, nhưng không có kết quả gì. Đến bây giờ chị Vân vẫn chưa nhận được con. Chị Vân tha thiết mong cơ quan chức năng huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long nhanh chóng vào cuộc lần nữa để giải quyết rõ ràng, giúp chị giành lại quyền nuôi con.

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm TVPL TP Hồ Chí Minh – TW Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: “Để xem xét ai có quyền nuôi dưỡng cháu bé trong trường hợp này, tòa án cần xem xét dưới gốc độ Quyền trẻ em được đề cập tại Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Trong trường hợp chị Vân là người được mẹ ruột cháu bé lập giấy tờ thể hiện ý chí ủy thác việc nuôi dưỡng con mình thì nên xem xét bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng để giao quyền nuôi cháu bé cho chị Vân. Cháu bé không phải là tài sản nên việc đứng tên hợp pháp trên giấy tờ khai sinh không phải là căn cứ để được quyền nuôi cháu bé” .

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

Việt Thu - Lưu Huệ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news