Tin mới

"Kẻ giấu mặt" và nghi án thị trường ngầm làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá

Chủ nhật, 27/03/2016, 20:26 (GMT+7)

Hiện nay, đang có nhiều đối tượng nhận làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – “chìa khóa” quan trọng trong xuất nhập khẩu. Các cơ quan chức năng cũng bắt giữ không ít cơ sở giả mạo giấy tờ này...

Hiện nay, đang có nhiều đối tượng nhận làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – “chìa khóa” quan trọng trong xuất nhập khẩu. Các cơ quan chức năng cũng bắt giữ không ít cơ sở giả mạo giấy tờ này...

Thủ đoạn “lột xác”

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (viết tắt: C/O) là chứng từ quan trọng trong xuất nhập khẩu, cho biết nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa được sản xuất tại vùng lãnh thổ, hay quốc gia. Lâu nay, một số đối tượng làm ăn có hành vi gian lận vẫn kháo nhau về việc làm giả giấy chứng nhận C/O, kiêm luôn các thủ tục như: mua hóa đơn từ nhà máy, hóa đơn, chứng từ đầu vào…

Trong vai giám đốc một doanh nghiệp đang cần giấy chứng nhận C/O để xuất ngoại 20 tấn cà phê thành phẩm, nhưng do hàng Trung Quốc nên cần “thay tên đổi họ” thành hàng Việt Nam, PV đã liên hệ với một số đầu mối nhận thực hiện dịch vụ này.

Liên hệ với công ty T.T. (trụ sở ở Hà Nội và có chi nhánh tại TP.HCM, nằm trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình), PV được một người tên Tuấn, giới thiệu là đại diện chi nhánh này cho biết: “Nếu làm Giấy chứng nhận C/O cho hàng Việt Nam thì bình thường. Còn nếu anh nói là hàng Trung Quốc tháo nhãn mác và gắn nhãn mác Việt rồi đi làm giấy chứng nhận C/O, thì không thể được”.

Sau hồi năn nỉ, Tuấn bèn cho chúng tôi số điện thoại của một người tên Việt và dặn liên hệ với người này để được giúp đỡ. Lấy kịch bản cần xuất 3 tấn cà phê chưa rang xay, PV liên hệ với Việt qua số điện thoại 0919931xxx. Đầu dây bên kia, Việt cho biết: “Nếu xuất cà phê đi Pháp thì thủ tục hơi rườm rà và mất nhiều chi phí”.

Sau khi biết được nguồn gốc của lô hàng là 3 tấn cà phê nhân chưa qua rang xay của Trung Quốc muốn mang xuất xứ từ Việt Nam để xuất đi Pháp, Việt nói: “Mình chỉ cần thay đổi xuất xứ hàng hóa, “lách” được không có vấn đề gì đâu. Chi phí hết khoảng 1,6 triệu đồng cho giấy chứng nhận C/O. Em cứ lo hết các giấy tờ về đầu vào nguyên liệu (bảng kê của người nông dân bán lại cho nhà máy), còn lại để anh lo cho (ý nói làm giả)”.

Hẹn sẽ tham khảo, chúng tôi khất lần Việt và tiếp tục liên lạc với một người tên Phước có số điện thoại 0989328xxx. Sau khi biết được ý đồ của PV về 20 tấn cà phê nói trên, người này ra vẻ đạo đức giả nói: “Ôi giời sao lại làm thế. Làm như vậy là phá hoại ngành cà phê Việt Nam đấy ông có biết không?"

Nhưng ngay sau đó, Phước nói: “Làm thế để được giảm thuế ấy mà và để xuất được giá cao hơn”. Sau khi “vờn” PV một lúc, Phước hỏi ngay: “Cà phê như thế nào, thành phẩm hay cà phê hạt? Đây là cà phê mua ở Trung Quốc về rồi xay, đóng gói thành của mình chứ gì?”.

Phước nói tiếp: “Nếu em muốn làm thì cũng được thôi nhưng chi phí hơi cao”. Tỏ ra khá sành sỏi, Phước hướng dẫn tỉ mỉ cho PV thực hiện các bước phải làm.

Sau đó, Phước chỉ cho PV tìm cách có được bảng mẫu kê bán hàng của nông dân: “Bây giờ em phải đến các làng chuyên trồng cà phê và cho người ta mấy đồng rồi nhờ họ ra xã đóng dấu xác nhận là đã bán cà phê cho em. Khi có tờ giấy xác nhận đã có người bán hàng cho mình thì mới làm được”.

Phước hỏi tiếp: “Khi khai với hải quan trị giá lô hàng trên là bao nhiêu?”. “Chắc khoảng 6 tỉ đồng”, PV nói. Lúc này Phước làm giá: “Vậy chi phí nhiều lắm đó, mà chưa chắc làm được ngay đâu. Nói thì nói thế thôi, nhưng cái này cũng không dễ dàng. Với lại nguồn hàng đó ở Việt Nam có hay không, bao bì ghi thành phần thế nào, nếu không đúng người ta biết ngay”.

Sau khi thống nhất giá cả, Phước đề nghị PV cung cấp toàn bộ hồ sơ qua mail, sau đó sẽ có thông báo chi phí chính thức và ký hợp đồng thực hiện.

Thuốc tân dược cũng là một trong những mặt hàng thường bị làm giả nguồn gốc xuất xứ.

Tác hại khôn lường

Không khó để thấy, đang tồn tại “thị trường ngầm” làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Viết Hòa, Giảng viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM phân tích: “Thủ đoạn thường thấy nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng ở công đoạn chưa đủ để đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ nhưng vẫn khai báo là xuất xứ Việt Nam (ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp C/O).

Điều đáng nói, không ít trường hợp, hàng hoá của các doanh nghiệp này không được cấp giấy chứng nhận xuất xứ và có thể dẫn đến nguy cơ làm giả giấy chứng nhận C/O”.

Thực tế, cách đây chưa lâu, cục Hải quan Đồng Nai đã phát hiện công ty TNHH công nghiệp SPC Tianhua Việt Nam (trụ sở tại KCN Nhơn Trạch 3, 100% vốn FDI) có hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất hàng đi Hoa Kỳ.

Theo kết quả kiểm tra, công ty này không sản xuất tại Việt Nam, mà chỉ nhập khẩu hợp chất xử lý nước từ Trung Quốc về, sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Trung Quốc bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam trên lô hàng để xuất khẩu đi Hoa Kỳ.

Trao đổi với PV về hiện tượng trên, ông Nguyễn Hữu Nghiệp – Phó cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Trong quá trình kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Nổi lên là hiện tượng làm giả xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và chuyển tải trái phép hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam thông qua việc làm giả giấy chứng nhận C/O hoặc làm giả chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa lô hàng có xuất xứ là Việt Nam”.

Theo ông Nghiệp, hiện có tình trạng một số mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Việt Nam được thay bao bì, hoặc bỏ bao bì rồi xuất đi các nước. Do các nước đó áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cao hơn so với hàng nhập khẩu từ các nước khác trong đó có Việt Nam.

Có thể dẫn chứng, tình trạng một số công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam sản xuất mật ong xuất khẩu, nhưng thực chất lại nhập khẩu nguyên liệu pha chế mật ong từ Trung Quốc (nước hoa quả, xi rô, hương liệu, đường,...) rồi xuất sang Mỹ và các nước khác. Họ khai báo là mật ong tự nhiên xuất xứ Việt Nam (được hưởng thuế suất 16-18% của Mỹ), để tránh mức thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với sản phẩm này nếu có xuất xứ Trung Quốc (200%).

Tổn hại lớn nhưng chế tài xử phạt quá nhẹ

Dưới góc độ pháp lý, LS Nguyễn Đăng Liêm (Đoàn LS TP.HCM) chỉ rõ, về mức xử phạt cao nhất, hành vi sử dụng giấy chứng nhận C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận C/O giả sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, buộc cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa đối với hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, theo LS Liêm, mức phạt này còn quá nhẹ vì hành vi trên gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế, cần phải có chế tài nặng hơn.

N.P.V.Đ.T

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news