Tin mới

Nghi phạm gây chết người, phân xác ở Cao Bằng đối diện án phạt nào?

Thứ ba, 27/09/2016, 10:00 (GMT+7)

Theo luật sư, nếu Thi sử dụng điện để đánh bắt cá trên sông mà không có cảnh báo thì sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp.

Theo luật sư, nếu Thi sử dụng điện để đánh bắt cá trên sông mà không có cảnh báo thì sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp.

Vụ án mạng chặt xác, phi tang kinh hoàng xảy ra tại Cao Bằng vừa qua khiến người dân sợ hãi. Theo kết quả điều tra, nghi can vụ án nghiêm trọng này là Bế Ích Thi (23 tuổi), trú tại Bản Co, xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Theo khai nhận ban đầu, sáng 16/9, Thi ra sông đặt bẫy điện để bắt cá, đến trưa cùng ngày ra kiểm tra thì phát hiện thi thể người hàng xóm với mình là anh B.V.H. nằm úp trên sông và đã tử vong do bị điện giật.

Trong lúc hoảng loạn, Thi kéo xác nạn nhân theo dọc sông đến đoạn Vằng Khưa cách cửa suối khoảng 500m thì đưa vào chỗ vũng nước nông tạm giấu xác rồi về nhà ăn cơm trưa.

Ăn cơm xong, Thi mang dao từ nhà ra chặt xác nạn nhân thành nhiều phần giấu vào bao tải với mục đích tiêu hủy chứng cứ và tạo hiện trường giả.

Đặt bẫy điện gây án mạng phạm tội "giết người" hay "vô ý làm chết người"?

Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Cường nhận định: Theo thông tin ban đầu về lời khai của nghi phạm như báo chí đưa thì đối tượng Bế Ích Thi có hai hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm vào hai khách thể được luật hình sự bảo vệ là tính mạng con ngườithi thể con người.

Nghi can Bế Ích Thi tại cơ quan điều tra

Tương ứng với hai hành vi nguy hiểm cho xã hội đó thì đối tượng Bế Ích Thi sẽ bị xử lý về hai tội danh là Tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS hoặc Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự và Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự.

"Pháp luật nước ta ngăn cấm sử dụng điện để đánh bắt cá, bẫy chuột, phòng trộm...Tuy nhiên hành vi này vẫn đang diễn ra và cũng nhiều trường hợp gây chết người. Thực tiễn xét xử ở các địa phương là không giống nhau. Các văn bản pháp luật cũng quy định chồng chéo, thiếu thống nhất. Dưới góc độ lý luận thì nếu xác định người thực hiện hành vi xâm hại tính mạng với lỗi cố ý (biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra) thì sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS.

Nếu người sử dụng điện gây chết người mà phạm lỗi vô ý: Biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng tin rằng sẽ không có hậu quả chết người hoặc không nhận thức được hành vi đó có thể gây hậu quả chết người (không lường trước được hậu quả chết người sẽ xảy ra). Vì vậy, trong những vụ án như thế này thì cần làm rõ hành vi của hung thủ trước khi sử dụng điện và trong quá trình sử dụng điện để xác định lỗi cố ý hay vô ý thì mới có thể xác định chính xác tội danh. Tùy từng trường hợp mà người sử dụng điện có thể bị xử lý về tội giết người hoặc tội vô ý làm chết người", ông Cường phân tích.

Cũng theo luật sư Cường, thực tiễn xét xử cho thấy việc vận dụng hướng dẫn đối với các trường hợp sử dụng điện trái phép làm chết người (Mục 12 Phần I Công văn số 81-2002/TANDTC) là khoa học và phù hợp với thực tiễn, được các cơ quan điều tra, truy tố đồng tình. Vì vậy, trong vụ án này, cần làm rõ các hành vi trong quá trình sử dụng điện đánh cá (có thông báo, cảnh báo hay không....) và nhận thức của Thi trước hành vi sử dụng điện gây chết người để xác định lỗi là cố ý hay vô ý để định tội danh theo hướng dẫn của Công văn số 81-2002/TANDTC nêu trên.

Về các mức phạt cho các tội danh, luật sư Cường cho biết, hình phạt với tội vô ý làm chết người với hậu quả chết một người là phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm (khoản 1, Điều 98 BLHS); Nếu bị xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS thì hình phạt cao nhất mà hung thủ có thể đối mặt là tử hình, thông thường sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 93 BLHS với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.

Vụ án này cần phải xác minh, làm rõ thì mới quyết định về tội danh bị khởi tố với Thi. Nếu Thi sử dụng điện để đánh bắt cá trên sông mà không có cảnh báo về việc sử dụng điện thì đối tượng Thi sẽ phải bị xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp (biết hành vi của mình là nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra” – luật sư Cường nhấn mạnh.

Hành vi xâm phạm thi thể bị xử lý thế nào?

Với Tội xâm phạm thi thể, luật sư Cường cho biết, đối tượng Thi sẽ phải đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm theo quy định tại khoản 1, Điều 246 BLHS, trong trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì hình phạt tù sẽ là từ 1 năm đến 5 năm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể với tội danh này thế nào là "gây hậu quả nghiêm trọng" nên thông thường đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều 246 BLHS.

Luật sư Cường phân tích thêm, với hai hành vi là làm chết người và hành vi chặt xác nạn nhân thì dư luận thường bức xúc về hành vi thứ hai hơn - hành vi xâm phạm thi thể... bởi đó là vấn đề về tâm linh, đạo lý con người nên có thể nhiều người sẽ thắc mắc là tại sao hình phạt của hành vi xâm phạm thi thể lại "nhẹ" như vậy? Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật thì pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người (khi còn sống). Đến khi con người chết đi, pháp luật vẫn bảo vệ "thi thể" để tránh hành vi xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt của người đã chết. Quy định như vậy để đảm bảo văn hóa, thuần phong, mỹ tục, tâm linh với người đang sống.

"Với pháp luật thì bảo vệ tính mạng con người quan trọng hơn là bảo vệ thi thể, đồng thời nếu bảo vệ được tính mạng con người thì sẽ không đặt ra vấn đề bảo vệ thi thể... Có lẽ vì thế mà hình phạt với hành vi xâm phạm tính mạng luôn cao hơn hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Trong BLHS nước ta, Tội vô ý làm chết người thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của con người quy định tại Chương XII BLHS, còn Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì được quy định tại Chương XIX: Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng", luật sư Cường lý giải. 

“Như vậy, với hành vi thứ nhất (sử dụng điện gây chết người) thì cơ quan tiến hành tố tụng cần xác minh, làm rõ các yếu tố của Mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm, chủ yếu làm rõ yếu tố "lỗi" để xác định đúng tội danh, làm căn cứ quyết định hình phạt”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Xem thêm video:

[mecloud]V3Ks84YfNj[/mecloud]

Tiểu Phương (ghi)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: phi tang xác