Tin mới

Khám phá sức mạnh những tên lửa đạn đạo khủng khiếp nhất thế giới

Thứ ba, 16/06/2015, 15:12 (GMT+7)

Điểm qua sức mạnh của các loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân.

Điểm qua sức mạnh của các loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo là loại tên lửa có phần lớn quỹ đạo sau khi phóng tuân theo các nguyên tắc của đường đạn học, phần quỹ đạo của tên lửa trong giai đoạn này thực chất là theo chế độ bay không điều khiển theo phương trình vật chuyển động tự do trong trường trọng lực. Để đi được xa thường tên lửa được phóng lên rất cao, quỹ đạo vượt ra khỏi tầng khí quyển đậm đặc của Trái Đất và thâm nhập khoảng không vũ trụ. Điểm đặc trưng của tên lửa đạn đạo là được phóng theo phương thẳng đứng.

20.500 đơn vị vũ khí hạt nhân là con số được nêu ra trong báo cáo của các chuyên gia Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI. Đó chính là số lượng đầu đạn hạt nhân mà 8 cường quốc Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel sở hữu. Trong đó có 5.000 đầu đạn hạt nhân ở trạng thái sẵn sàng cho sử dụng, 2.000 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Dưới đây là các loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân.

RT-2UTTKh Topol-M (tên mã NATO là SS-27 Sickle B)

Là sản phẩm của Viện Nhiệt học Moscow phát triển từ đầu những năm 1990 và do xưởng chế tạo máy Votkinsk lắp ráp. Ngay từ khi ra mắt, Topol-M được coi là hướng phát triển ICBM mới của Nga với việc áp dụng công nghệ động cơ đẩy tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn và được kế thừa nhiều công nghệ đặc thù của ICBM Nga.

 

Trong thực tế, ICBM Topol-M có kết cấu 3 tầng phóng với phiên bản giếng phóng cố định và trang bị trên xe phóng dã chiến đặc chủng. Tên lửa dài 22,7m, đường kính thân đạt 1,9m và tổng trọng lượng đạt 47,2 tấn (trong đó khối lượng đầu đạn mang theo đạt 1,2 tấn).

Tầm bắn tối đa của Topol-M đạt 10.500km và sai số vòng tròn đồng tâm tới mục tiêu (CEP) khoảng 200m (tầm bắn của ICBM thực tế không cần quá 12.000km vì đây cũng là độ dài của đường kính trái đất, 12.742km).

 

Topol-M sử dụng hệ thống dẫn đường hỗn hợp vệ tinh, quán tính và đạo hàng hình sao (với tầm bắn lớn, dẫn đường quán tính thường không chính xác do sự bất ổn của từ trường trái đất. Để khắc phục, ICBM sử dụng bản đồ vị trí các ngôi sao để tham chiếu với các hệ dẫn đường khác đưa đầu đạn tới đích với sai số ít nhất).

Ngoài ra, hệ thống vỏ bọc của đầu đạn trang bị trên ICBM Topol-M được thiết kế cực kỳ chắc chắn mà chỉ có vụ nổ hạt nhân mới có thể phá hủy được nó, nên các phương thức gây nhiễu bằng công nghệ EMP hay quang điện đều vô hiệu. Khi tới điểm đã định, đầu đạn sẽ tự kích nổ ở độ cao 500m để phát huy tối đa khả năng hủy diệt.

RS-24 Yars (tên mã NATO là SS-29)

RS-24 Yars được phát triển bởi Viện thiết kế công nghệ nhiệt Moscow, cũng chính là nơi thiết kế tên lửa Topol-M. Tên lửa RS-24 "Yars" được đánh giá có khả năng "chọc thủng mọi lá chắn tên lửa" trong vòng 15-20 năm tới nhờ tốc độ bay nhanh hơn tất cả các loại tên lửa hiện hành, khả năng thay đổi linh hoạt độ cao và hướng bay khiến cho tên lửa đánh chặn của đối phương không thể tiếp cận.

 

Về cơ bản RS-24 là phiên bản khác của Topol-M đã được tăng trọng lượng, kích thước với tầm bắn xa hơn, khoảng  11.000km. Nó được thiết kế để mang tối đa 6 đầu đạn, các đầu đạn trang bị công nghệ tự dẫn MIRV có thể bắn xuống các mục tiêu khác nhau.

Khác với Topol-M, RS-24 mang phần chiến đấu với nhiều đầu đạn tự tách (MIRV). Ngoài các đầu đạn, Yars còn có thể mang tổ hợp các phương tiện đột phá phòng thủ tên lửa nên gây khó khăn lớn cho đối phương trong việc phát hiện và chặn đánh tên lửa. Cải tiến mới này làm cho RS-24 trở thành tên lửa chiến đấu hiệu lực nhất trong bối cảnh Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu. RS-24 thậm chí có thể lắp đặt trên đường sắt.

 

ICBM này được phóng thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2007 nhằm thay thế R-36M và Topol-M đang được trang bị trong quân đội Nga. RS-24 có hai phiên bản cố định và di động. Trong cuộc bắn thử nghiệm ngày 29/5/2007, RS-24 đã rời khỏi bệ phóng di động ở Sân bay vũ trụ Plesetsk, Tây Bắc nước Nga vào lúc 14h.

Đầu đạn thử nghiệm đã bắn trúng mục tiêu nằm cách đó 5.750km ở bãi thử Kura thuộc bán đảo Kamchatka. Ở một trong những cuộc thử nghiệm cuối cùng của RS-24 được tiến hành cuối năm 2008, tên lửa rời bệ phóng lúc 4h chiều và đã bay xuyên nước Nga trên một quãng đường dài 9.700km trước khi trúng đích.

R-36M2 Voevoda (tên mã NATO là SS-18 Satan)

R-36M2 do Viện thiết kế Yuzhnoie (Dnepropetrovsk) phát triển dựa trên hệ thống R-36 trong thập kỷ 1970, là một trong những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất thế giới. Đây là dòng ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng vô địch thế giới về trọng lượng tên lửa khi phóng (nặng tới 211 tấn), khối lượng đầu đạn có thể mang theo (gần 9 tấn) và tầm bắn cực xa (16.000km). Với thông số trên, R-36M2 thực sự là quỷ Sa-tăng với sức huỷ diệt mà nó gây ra.

 

Về cơ bản, R-36M/M2 là ICBM 2 tầng phóng sử dụng nhiên liệu lỏng kết hợp giữa N2O4 và UDMH. Thiết kế động cơ và buồng chứa nhiên liệu mới cho phép ICBM Sa-tăng mang được 188 tấn nhiên liệu và khối lượng đầu đạn tới 8,8 tấn (R-36 chỉ là 5,5 tấn). Thiết kế mới cũng cho phép tên lửa lưu trữ nhiên liệu lâu hơn với việc duy trì trạng thái chiến đấu 10-15 năm trước khi cần kiểm tra và tuổi thọ có thể đạt 25 năm.

Sức mạnh của đầu nổ đơn khối của R-36M2 gấp 500 lần quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Với sức mạnh như vậy, ngoài khả năng tiêu diệt mục tiêu khi cho nổ ở độ cao thấp, R-36M2 còn có thể sử dụng như vũ khí điện từ (EMP) khi cho nổ ở độ cao lớn tạo "sát thương" bằng sóng điện từ và bụi hạt nhân trên lãnh thổ đối phương.

 

ICBM R-36M2 sử dụng phương thức phóng thẳng đứng nguội. Đạn tên lửa được bảo quản trong thùng vận tải – phóng, lắp trong hầm phóng được nạp nhiên liệu ở trạng thái trực chiến thời gian dài. Cơ chế phóng được thực hiện  hoàn toàn tự động. Các tham số quan trọng nhất của tên lửa đều được mã hoá và kiểm soát thường xuyên để tăng cường độ tin cậy khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Cơ cấu khoang bảo quản mới cho phép R-36M2 hoạt động trong bất kỳ điều kiện thời tiết.

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga hiện còn duy trì từ 55 đến 80 bệ phóng R-36M2 và chúng sẽ tiếp tục hoạt động cho tới năm 2026.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news