Chen theo dòng người đội lễ đi "vay" tiền Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh) trong ngày khai hội là những người mời chào dịch vụ “khấn thuê, lễ mướn”.
14 tháng Giêng hàng năm là ngày khai hội Đền Bà Chúa Kho ở thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh. Nhiều người còn gọi đây là lễ hội vay tiền đầu năm. Lượng tiền vay Bà Chúa tùy vào mỗi người. Người vay ít thì vài chục triệu, người kinh doanh vay hàng trăm, hàng tỷ đồng.
Từ ngoài cổng tới đền hậu cung thờ Bà Chúa Kho dòng người bưng mâm lễ lên vay tiền đứng ken nhau. Xen lẫn trong đó là những người mời chào dịch vụ “khấn thuê, lễ mướn”. Trong tay họ là cuốn sổ ghi chép sẵn lời khấn, một chiếc đĩa nhỏ và 2 đồng tiền Âm - Dương.
Lượng cò “khấn thuê, lễ mướn” vây kín từ tòa tiền tế, hội đồng các quan tới hậu cung Chúa Bà. Họ đứng chờ khách mua dịch vụ lễ trọn gói rồi được người nhà đưa vào để làm lễ. Đây là những người “xí” chỗ từ sáng sớm trước ban lễ vì thế du khách không thể chen vào, chỉ có thể đứng phía sau, bên lề bái vọng.
Dịch vụ "khấn thuê, lễ mướn nở rộ ngày hội vay tiền ở Đền Bà Chúa Kho. Trong ảnh: Một cò bưng mâm lễ trọn gói về cho khách sau khi khấn xong.
Chị Nguyễn Thị Hằng (30 tuổi, ở làng Phúc Lâm, Việt Yên, Bắc Giang) chia sẻ năm nào cũng lên đền Bà Chúa Kho vay tiền, nhưng chưa năm nào có được vị trí chính giữa để lễ vì người “khấn thuê” đã chiếm hết chỗ và đứng đó cả ngày. Lượng khách quá đông, nếu xếp hàng cũng mất cả buổi mà phải bưng mâm lễ trên tay nên chị đành phải thuê cò.
Trước khi vào làm lễ, chị Hằng cho biết đã mua mâm lễ với dịch vụ trọn gói, gồm mâm cỗ, tới người bưng mâm và khấn lễ. “Tôi chỉ việc đặt tiền và đi cùng họ vào vị trí đẹp để làm lễ và chờ họ mang cành lộc, lễ xuống là xong. Giá mâm lễ trọn gói ít nhất là 500.000 đồng, gồm có xôi, gà ngậm hoa hồng, tiền vàng", chị nói.
Những mâm lễ đắt tiền sẽ có tiền thật, tiền đô, vàng thỏi được cò đặt ở vị trí cao và gần với ban thờ hơn.
Ngoài những mâm lễ đơn giản nhất thì luôn có những mâm lễ tiền triệu, hàng chục triệu. Mâm lễ đắt tiền có cả tiền thật, được khấn lâu và ở vị trí chính giữa tất cả các ban.
Ngoài những người “khấn thuê” chen chân được vào vị trí đẹp thì còn rất nhiều “cò” khác lảng vảng xung quanh nơi làm lễ với chiếc đĩa và hai đồng tiền Âm - Dương trên tay chào mời khách hành hương. Họ vừa đi vừa nói: “Đặt một hai đồng lẻ sẽ khấn xin lộc, vay tiền may cả năm”.
Giá mỗi lần khấn thuê từ 50.000 - 200.000 đồng/lần, tùy vào thời gian và nội dung khấn. Nếu không thỏa thuận trước, cò sẽ tận dụng hét giá vài trăm ngàn đồng chỉ trong 1 - 2 phút.
Biển khuyến cáo du khách không nhờ người "khấn thuê, lễ mướn".
Chị Phương Anh, một người kinh doanh ở Hà Nội, có mặt tại đền Bà Chúa Kho trong sáng nay chia sẻ: “Người khấn thuê tràn lan nên du khách không có chỗ để làm lễ. Còn khi thuê “cò” thì họ khấn với tốc độ chóng mặt, người thuê đứng bên cạnh còn chưa kịp nghe rõ lời khấn như thế nào”.
Theo quan sát của chúng tôi, lực lượng "cò" khấn thuê ở đền Bà Chúa Kho hoạt động gần như không có thời gian nghỉ, bởi luôn có lực lượng thay thế đổi chỗ. Chỉ trong vài giờ, mỗi người cũng chèo kéo được hàng chục khách.
"Cò" cầm sổ miệt mài khấn thuê cho khách.
Ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Bà Chúa Kho, cho biết: “Đó là số ít thành phần tiêu cực diễn ra trong lễ hội. Ban tổ chức đã huy động lực lượng dân phòng tự vệ túc trực thường xuyên để ngăn chặn những kẻ xấu lợi dụng du khách về lễ hội. Ngoài ra, Ban tổ chức còn sử dụng loa phóng thanh, biển hiệu khuyến cáo du khách thập phương không nhờ người khấn thuê, lễ mướn”.
Xem khấn thuê tại đền bà Chúa Kho