Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà họp bàn với lãnh đạo tỉnh Bình Định khẩn trương lên phương án cứu hộ, trục vớt, xử lý môi trường sau vụ 8 tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn trong trận bão số 12.
Thông tin trên báo Giao thông, Dân Trí và Thanh Niên đăng tải, sáng ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp khảo sát hiện trường tàu hàng chìm đắm, hư hại trên biển Quy Nhơn (Bình Định), công tác bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định trao đổi với Thuyền trưởng tàu Cửu Long 09 (Công ty TNHH Vận tải Cửu Long) về công tác ứng cứu thuyền viên tàu hàng trong cơn bão số 12 vừa qua. Ảnh: Báo Giao thông |
Theo báo cáo, có 10 tàu hàng gặp nạn trên biển Quy Nhơn (Bình Định). Trong đó có 9 tàu đắm, 1 tàu bị hư hại. Đến nay vẫn còn 9 thuyền viên trên các tàu hàng gặp nạn chưa có tung tích. Thiệt hại ban đầu ước tính lên đến 400 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cảm thán: “Đây là một thảm họa của ngành hàng hải Việt Nam, là vụ chìm tàu chưa từng có với số lượng kỷ lục tại địa phương”, thông tin trên báo Nông Nghiệp.
Lực lượng chức năng khảo sát, khoanh vùng để xử lý sự cố tàu gặp nạn trên biển Quy Nhơn. Ảnh: Báo Giao thông |
Theo ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, trong các tàu bị nạn tại vịnh Quy Nhơn, tàu FEI YUE 9 (quốc tịch Mông Cổ) đang bị sóng đập vào đá, sắp bị vỡ két chứa dầu, tàu này có 8 tấn dầu SO và 23 tấn DO.
Ngoài ra, các tàu bị chìm khác như tàu Biển Bắc, Nam Khánh 26, Hạ Trung 98, Hà Trung 98, Hoa Mai 68, Song Long 08… có chưa tổng cộng 68.000 tấn dầu DO.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: tỉnh chỉ đạo ngành chức năng ngay trong ngày 7/11, lên phương án cụ thể để phối hợp với các đơn vị Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tổ chức trục vớt, ngăn chặn tình trạng dầu tràn, loang trên biển.
Đến nay, Bình Định chưa ghi nhận hiện tượng dầu loang trên biển Quy Nhơn và khu vực lân cận.
Theo Bộ trưởng Hà, công tác khắc phục sự cố tàu gặp nạn phải khẩn trương, kịp thời nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người và vấn đề môi trường.
Trước mắt, các đơn vị chức năng khảo sát các mức độ hư hại, nguy cơ tràn dầu để ưu tiên xử lý. Kết quả cho thấy phần lớn đây là các tàu máy, không có tàu vận chuyển dầu.
Liên quan đến đến vụ chìm nhiều tàu ở vịnh Quy Nhơn, thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ những mất mát đối với các chủ tàu, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân các thuyền viên mất tích.
Nguy cơ xảy ra tràn dầu khi trục vớt các tàu xảy ra rất cao nên cơ quan chức năng đã lên phương án rất chặt chẽ không để ô nhiễm vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: Dân Trí |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thống nhất với đề xuất của lãnh đạo Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung là phải thực hiện đồng thời 3 biện pháp: hút hết dầu trong các con tàu chìm, dùng phao vây trong quá trình hút và cứu hộ tàu, dùng hóa chất để trung hòa nếu có lượng dầu tràn nhỏ để đảm bảo 100% không xảy ra sự cố môi trường.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá rất cao sự vào cuộc kịp thời và những nỗ lực của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung và tỉnh Bình Định trong việc ứng phó với những hậu quả rất nặng do bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Trang Vũ (Tổng hợp)