Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối qua 18/5, UBND tỉnh Bình Định long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại Quảng trường Quy Nhơn.
Lễ khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành được tỉnh Bình Định tổ chức tối 18/5 tại Quy Nhơn. Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, VOV, tối qua 18/5, UBND tỉnh Bình Định long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại trung tâm TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Buổi lễ khánh thành đã thu hút hàng nghìn người dân tham dự.
Đây là bức tượng duy nhất khắc họa hình ảnh Bác đứng cùng cha, tượng đài thể hiện cuộc chia tay lịch sử của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành và cha - cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Đó là cuộc chia tay được cho là cuối cùng của Bác Hồ với người cha thân yêu trên Tổ quốc Việt Nam, vì khi Bác trở về nước năm 1941 sau 30 năm bôn ba, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã qua đời.
Công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành là một công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn đặc biệt, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ sau với sự hy sinh quên mình của lớp người đi trước.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành được phác thảo bởi nhóm tác giả Tạ Quang Bạo và Công ty TNHH MTV Bảo tồn Di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam). Tượng đài cao 10,8m bằng chất liệu đồng, bệ tượng cao 4,2m được đặt trong không gian sân tượng đài. Về bố cục, cụ Nguyễn Sinh Sắc đứng về phía Bắc, Nguyễn Tất Thành đứng về phía Nam, nhưng cùng nhìn ra hướng Biển Đông.
Tay trái cụ Sắc đưa ra phía trước, tay còn lại đặt nhẹ sau lưng con trai như ân cần, dặn dò. Cụ Sắc đội khăn xếp, mặc áo dài, chân đi guốc, khuôn mặt thể hiện sự từng trải với vầng trán cao.
Nguyễn Tất Thành mặc sơmi dài tay, áo bỏ trong quần âu, chân đi giày, dáng vẻ tự tin, kiên định, khuôn mặt thể hiện sự thông minh, rắn rỏi, cương nghị.
Sau lưng tượng là bức phù điêu bằng đá có hình cánh cung dài 76m, cao 14,5m với chủ đề về những địa danh gắn bó với thời thơ ấu của Bác Hồ như quê hương Nam Đàn, Huế, về nơi mà Người và thân phụ đã ở khi đến Bình Định, những hình tượng văn hóa di tích lịch sử, trường học của vùng Nam Trung Bộ, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi qua.
Trong đó, mảng phù điêu trung tâm được dành để khắc họa sự kiện 2 cha con Nguyễn Tất Thành gặp nhau tại Huyện đường Bình Khê, sự kiện Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ… đồng thời thể hiện những nét đặc trưng quê hương Bình Định về phong cảnh, con người, văn hóa lịch sử đã góp phần vun đúc ý chí cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành thực hiện hoài bão lớn trong sự nghiệp tìm đường cứu nước.
Phát biểu cảm nghĩ về tượng đài này, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá: “Bình Định tự hào là một trong những địa phương đã nuôi nấng, hun đúc tư tưởng, tinh thần yêu nước, thương dân của Bác Hồ trên chặng đường Người đi tìm hình của nước.
Tượng đài có ý nghĩa rất lớn, không chỉ nhắc về sự kiện lịch sử Bác Hồ với Bình Định, mà còn mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, giúp thế hệ con cháu hôm nay và mai sau tiếp nối ý chí, nghị lực của Bác, sống mãi lý tưởng trọn đời vì nước, vì dân”.
Đức Hòa (tổng hợp)