Tin mới

Khi người đàn ông bị ung thư ruột dịch thành ung thư tử cung!

Chủ nhật, 28/06/2015, 19:46 (GMT+7)

Khi dịch cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, dịch giả đã dịch sai, khiến cho một người đàn ông bị ung thư ruột thành ung thư tử cung...

Khi dịch cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, dịch giả đã dịch sai, khiến cho một người đàn ông bị ung thư ruột thành ung thư tử cung...

10 năm qua có thể được coi như quãng thời gian bùng nổ của các thể loại sách dịch trên thị trường sách Việt Nam, nhất là sách văn học. Đặc biệt là vài năm trở lại đây, các bản dịch văn học ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm không chỉ của những người trong nghề mà còn đón nhận được những phản hồi của người ngoài ngành, đặc biệt là của độc giả. Từ đây, những ý kiến trái chiều về các bản dịch của các tác phẩm văn học được nhắc đến. “Dịch giả số 1 Việt Nam” Dương Tường cũng bị đưa vào vòng xoáy khi cách đây không lâu, bản dịch tác phẩm Lolita của ông được đưa ra mổ xẻ.

Khi người đàn ông bị ung thư ruột dịch thành ung thư tử cung

Chỉ cần nhìn lướt qua các giá sách tại các nhà sách có thể thấy văn học dịch chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa. Từ những kiệt tác kinh điển như “Đồi gió hú”, “Túp lều bác Tom”, “Lolita” hay những tác phẩm đoạt giải Nobel... cho đến những chuyện tình “fast-food” (những quyển truyện đọc trong lúc chờ tàu) đều có một lượng độc giả nhất định.

Được coi là “ô cửa nhỏ mở ra thế giới lớn”, văn học dịch góp phần đáng kể cho sự phát triển của văn học nước nhà. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư chuyên sâu. Sách dịch chiếm tới 70-80% thị trường trong nước nhưng nhiều bản dịch lại quá nhiều lỗi, thậm chí trên các diễn đàn đã xuất hiện cụm từ “thảm họa dịch thuật”, gây ra những vụ tranh cãi nảy lửa thời gian vừa qua.

Tác phẩm Lolita của Nabokov là một ví dụ điển hình. Bản dịch đầu tiên của dịch giả Dương Tường đã gây sóng gió trong dư luận về những lỗi sai của dịch giả cũng như sự minh bạch trong công việc làm chú thích. Đỉnh điểm của sự việc là sự xuất hiện của dịch giả Thiên Lương, người công khai chỉ trích Dương Tường và ra mắt bản dịch Lolita của chính mình. Trên trang blog cá nhân, dịch giả Thiên Lương đã “vạch” từng lỗi sai trong bản dịch của Dương Tường và khẳng định bản dịch này “sai từ dòng đầu tiên sai đi” và “cho đến chữ cuối cùng”.

Những lùm xùm xung quanh bản dịch Lolita đã khiến nhà xuất bản Nhã Nam (nơi giữ bản quyền dịch Lolita) đã phải dành 3 năm để hiệu chỉnh. Quyển sách tái bản mới trở lại vào cuối tháng Tư vừa qua, tuy nhiên, Lolita không còn được đón nhận bởi chính câu chuyện của nó nữa mà thay vào đó lại tiếp tục là những tranh cãi về bản dịch.

Sau Lolita, một loạt các tác phẩm khác cũng được “đặt lên bàn mổ”. Cuốn “Phía bên nhà Swann” (cuốn đầu tiên trong bộ “À la recherche du temps perdu” -một kiệt tác của nhà văn Pháp Marcel Proust), bản dịch tiếng Việt do bốn dịch giả gạo cội của Việt Nam thực hiện bị chê làm mất “chất” văn chương - triết lý của đại văn hào Proust. Hay tác phẩm kinh điển “Iliad và Odyssey” đã bị “Trung Quốc hóa” với những đoạn đối thoại tràn ngập các danh xưng “đại tỉ”, “ngu đệ”, “bỉ nhân”, “ngô bối”, “tiểu điệt”, “hiền huynh”...

Tuy nhiên, những điều này chưa thấm vào đâu so với câu dịch sai “trứ danh” của Cao Việt Dũng khi dịch cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq. Dịch giả này đã dịch sai, khiến cho một người đàn ông bị ung thư ruột thành ung thư tử cung. Dù nhiều tác phẩm dịch của Cao Việt Dũng gây tranh cãi nhưng cái tên dịch giả này vẫn rất sáng giá trong làng dịch thuật Việt Nam. Sau hàng loạt những lỗi của các dịch giả tên tuổi được phát hiện, một chuỗi tranh cãi dường như không có hồi kết nổ ra. Các ý kiến này không chỉ liên quan trực tiếp đến một bản dịch cụ thể, mà còn bắt đầu đề cập nhiều đến khía cạnh lý thuyết, đến nghiên cứu dịch thuật và nguyên nhân của những lỗi dịch ngớ ngẩn.

Những bản dịch gây tranh cãi.

Đọc không thông nhưng dịch... rất thạo

Một trong những nguyên nhân được đưa ra là việc các nhà xuất bản vội vã cho ra đời những cuốn truyện dịch nhằm giành thị phần, nên chất lượng dịch thuật không đảm bảo. Đội ngũ dịch thuật văn học ngày một đông đảo là bởi họ luôn có việc làm, được người thuê trả công dịch gấp từ 3-4 lần so với dịch các tài liệu khác. Từ đó mới có chuyện nhiều tác phẩm dịch được chuyển ngữ bởi những người “đọc không thông nhưng dịch rất thạo”. Cách làm này đã khiến cho chất lượng văn học đích thực của các tác phẩm nhập ngoại bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cũng đem đến sự thiệt thòi cho bạn đọc trong nước.

Dịch giả Nguyễn Duy Bình hiện là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Vinh, người từng dịch nhiều tác phẩm quan trọng trong văn học Pháp sang tiếng Việt như “Lời hứa lúc Bình Minh” của Romain Gary, “La Mã sụp đổ” của Jérôme Ferrari và “Hẹn gặp lại phía trên kia” của Pierre Lemaitre cũng rất quan tâm về vấn đề này. Ông cho rằng rào cản lớn nhất của các dịch giả là trình độ ngôn ngữ của họ. Dịch giả là những người phải giỏi cả 2 ngôn ngữ để có thể truyền tải được thông điệp cũng như văn phong của tác giả. Bên cạnh đó, vốn kiến thức về văn hóa, xã hội, phong tục và thi pháp cũng quyết định yếu tố hay dở của bản dịch. “Dịch văn học là sự giằng co dịu vời”, dịch giả Nguyễn Duy Bình ví von.

Ông chia sẻ, với những bản dịch của mình, ông luôn tìm kiếm một phương án dịch tối ưu. Với những từ bản thân ông không hiểu, ông liên hệ trực tiếp với tác giả để trao đổi. Vì trên thực tế, luôn có một tỉ lệ nào đó thuộc dạng “bất khả dịch”. Bản dịch nào cũng có thể mắc lỗi. Vấn đề là độc giả phải biết cách đọc bản dịch, khi đọc, họ phải xác định rằng đó chỉ là bản dịch và do vậy mức độ trung thành chỉ là tương đối, họ có thể tự mình đánh giá, tự mình thương lượng, tự mình điều chỉnh nội dung và thậm chí hình thức của bản dịch, đó là một cách đọc tích cực, tham gia hồi cố vào quá trình viết của tác giả.

Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng dù có khó khăn thế nào thì việc dịch văn học vẫn rất cần thiết, vì không có lý do gì để tước đi quyền được tiếp cận tác phẩm lớn trên thế giới của độc giả.

Theo ông Bình, mặc dù có một số bản dịch không đạt nhưng tựu trung, văn học dịch đang trên đà phát triển về cả chất lượng, số lượng và đang thực sự thầm lặng góp phần vào việc thay đổi diện mạo văn học dân tộc. Sau này, với độ lùi thời gian cần thiết, thế hệ sau sẽ thấy rõ điều đó.

Dịch giả Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Vinh (ảnh: T.Xuân).

Tranh luận về đề tài văn học dịch, TS văn học Trần Ngọc Hiếu (giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, cần giải phóng “thân phận ngoại vi” của dịch thuật. Ông so sánh “dịch và phụ nữ là những thân phận đồng dạng” (Kinh Thánh nói người phụ nữ là một phiên bản của người nam, được hình thành từ chiếc xương sườn của người nam). Chính vì thế, cần xóa bỏ mặc cảm của dịch thuật vì mỗi bản dịch là một bữa tiệc ngôn ngữ. TS Hiếu mang tham vọng giải phóng dịch thuật khỏi định kiến phục tùng bản gốc, tạo ra “một chuỗi các nguyên tác”, thách thức những khuôn mẫu chính thống về dịch thuật: “Bản dịch không phải là một sự thay thế mà là một sự tương ứng... Mỗi bản dịch vì thế là một cách đọc”.

Dịch giả Đinh Bá Anh, người từng dịch “Thư gửi bố của Kafka” và là một biên tập viên lâu năm cho rằng các lỗi dịch hiện nay phần lớn là lỗi sai cơ học kiểu dịch “bàn” thành “ghế”, đa số không dám dịch sáng tạo như những nhà văn, nhà thơ của thế kỷ trước. Trên thực tế, để có những dịch giả có khả năng diễn dịch như Bùi Giáng vô cùng hiếm, vì thường những người có tầm vóc và tư tưởng lớn mới có khả năng sáng tạo trên văn bản gốc.

Hầu như không thể có một bản dịch hoàn hảo và trung thành

“Văn học dịch là một vấn đề không ngừng gây tranh cãi, tuy nhiên, thời gian gần đây, đề tài này trở nên nổi cộm với tần suất dày đặc trên báo chí và mạng xã hội. Trung tâm văn hóa Pháp đặc biệt quan tâm đề tài này nên đã kết hợp với Trung tâm Sách Quốc gia Pháp mở các khóa đào tạo các dịch giả trẻ. Mỗi tháng 1 lần, 15 dịch giả trẻ sẽ được làm việc với các dịch giả có thâm niên để trao đổi kinh nghiệm. Dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng dịch văn học là một công việc phức tạp vì gần như không thể tái hiện tất cả các yếu tố của văn bản gốc (cấu trúc, hình thức, nội dung) trong văn bản dịch. Như vậy, hầu như không thể có một bản dịch hoàn hảo và trung thành”.

(Giám đốc đặc trách Trung tâm văn hóa Pháp, ông Patrick Girard)

Thanh Xuân

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news