Tin mới

"Quan" ẩu, dân chịu hệ quả khó lường

Thứ hai, 20/10/2014, 15:58 (GMT+7)

Việc một số quan chức có những phát ngôn thiếu cẩn trọng, đôi khi còn  mặc nhiên phán “bừa” đã thể hiện thái độ và cung cách làm việc không nghiêm túc của những người gánh trách nhiệm làm công bộc của dân.

 

 

Việc một số quan chức có những phát ngôn thiếu cẩn trọng, đôi khi còn  mặc nhiên phán “bừa” đã thể hiện thái độ và cung cách làm việc không nghiêm túc của những người gánh trách nhiệm làm công bộc của dân.

Vừa thông tin Nhật sẽ tài trợ 2 tỷ đô vốn ODA để xây dựng Cảng Hàng không Long Thành (gọi tắt là sân bay Long Thành) thì ngay trong chiều cùng ngày (17/10), lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải – Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đã lên tiếng đính chính thông tin, đồng thời lời xin lỗi tới Chính phủ Nhật và các cơ quan hữu quan về vụ việc. Tuy nhiên, lời giải thích cho sự nhầm lẫn “do mới điều trị bệnh và đi làm lại nên nắm thông tin không chính xác” dường như chưa thỏa đáng.

Khi Dự án sân bay Long Thành, với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đôla, đang gây nhiều tranh cãi trong nước trong bối cảnh tình hình nợ công và bội chi ngân sách nhà nước, nợ xấu tăng cao như hiện nay  thì phát ngôn của Thứ trưởng Tiêu về việc Nhật sẽ tài trợ 2 tỷ đô được đánh giá là đã mở được nút thắt đầu tiên của Dự án.

Phát ngôn nhầm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã gửi công văn xin lỗi đến ngài Fukada Hiroshi -

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và đính chính thông tin

Trước đó, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Sân bay Long Thành là một “siêu dự án” vì nó có giá trị lên tới 18 tỷ đô la (dù bây giờ đã rút xuống còn 8 tỷ); ảnh hưởng đặc biệt lớn tới ngân sách và tương lai của nền kinh tế nước nhà. Rất nhiều vấn đề về tính khả thi của dự án được đưa ra xoay quanh những bất cập về tài chính. Và với thông tin đã có “mạnh thường quân” là Chính phủ Nhật hỗ trợ nguồn vốn lên tới 2 tỷ đô, các bên liên quan có thể thở phào vì bài toán “tiền ở đâu” đã có lời giải.

 

Thật may thông tin được một tờ báo kịp thời “check” lại từ phía Nhật Bản. Nếu không, không thể hình dung ra sự “náo loạn”  trên thị trường đất đai ở Long Thành và Tân Sơn Nhất như thế nào. Ngoài ra, thị trường vốn chắc chắn cũng sẽ biến động không nhỏ.

 

Không đến mức nhầm lẫn do “mới điều trị bệnh” song phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội  Phan Trung Lý vừa qua cũng gây xôn xao dư luận bởi tính xác thực của nó. Ngày 1.10 vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nói về phương hướng giải quyết nợ xấu, ông Lý nói: “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?”.

Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra, thực chất  người dân Hàn Quốc quyên góp tiền là để giúp Chính phủ trả món nợ đã vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 chứ không phải nhằm mục đích giải quyết nợ xấu. Hơn nữa, giải quyết nợ xấu ở Việt Nam cũng  không thể áp dụng như Hàn Quốc, vì hai quốc gia có hai thể chế khác nhau. Nếu thực hiện điều như ông Lý nói, không biết điều gì sẽ xảy ra khi mà toàn xã hội phải lo khắc phục hậu quả cho những kẻ “vay ẩu”?

Người xưa bảo “thận tư thiện hành” (suy nghĩ chín chắn thì làm việc suôn sẻ), nay đến phát ngôn còn chưa “chín” thì khi làm kết quả sẽ ra sao?

Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news