Đỉnh núi Ngọc Linh được xem là "thánh địa" của sâm quý, cũng vì thế rất nhiều người trở nên giàu có. Theo “Vua sâm” Hồ Văn Du , ở độ tuổi từ 12 đến 15, cứ 20 gốc sâm cho 1 kg thì cả vườn sâm của ông cho khoảng 6,5 tấn. Với mỗi kg sâm giá từ 40 đến 50 triệu đồng ông đã có trong tay 250 tỷ đồng.
Đến Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) hỏi về sâm Ngọc Linh, ai cũng bảo lên nóc Măng Lùng, thôn 2, gặp ông Du sẽ rõ. Ông Hồ Văn Du (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nguyên là Trại phó Trại dược liệu sâm Trà Linh. Hiện ông trồng nhiều sâm, và được cho là giàu có nhất xã.
Ở xã Trà Linh (Nam Trà My), ông Hồ Văn Du (sinh năm 1962) được xem như linh hồn của cây sâm trúc (sâm Ngọc Linh, sâm K5). Bởi lẽ trong 35 năm qua, con người này đã cùng ăn, cùng ở với cây sâm và hơn hết là đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt để giữ được nguồn giống loại dược liệu thuộc hàng quý hiếm trên thế giới đang sinh trưởng và phát triển tốt ở đỉnh Ngọc Linh, thông tin đăng tải trên báo Quảng Nam.
Trao đổi với PV Vietnamnet, ông Du cho biết, ““Cách đây hơn 30 năm, cả vùng núi Ngọc Linh sâm mọc ken dày dưới tán rừng. Mỗi khi cần, chỉ ra sau vườn nhà là tìm được cây thuốc dấu. Còn bây giờ, đi xuyên rừng hàng tháng trời, tìm đỏ con mắt cũng không thấy. Mấy chục năm nay, Cây thuốc bị săn lùng nên tuyệt diệt” - già làng Hồ Văn Reo, nóc Măng Lùng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, kể.
Khi cây sâm tự nhiên bị săn lùng ráo riết và gần như biến mất, chính quyền địa phương mới vào cuộc. Từ năm 1997, trại dược liệu sâm Ngọc Linh ra đời để ươm trồng, nhân giống bảo tồn loài sâm quý hiếm này.
Hôm lên đỉnh trời Trà Linh nằm lưng chừng đỉnh núi để tận mắt nhìn cây thuốc dấu của đồng bào Xê Đăng, tôi may mắn gặp ông Hồ Văn Du, nguyên là Trại phó Trại dược liệu sâm Trà Linh - người được mệnh danh là “vua sâm” nơi đỉnh trời này từ những năm 90 của thế kỷ trước.
“Vua sâm” Hồ Văn Du bên gốc sâm 10 năm tuổi trong khu vườn sâm giữa đại ngàn Ngọc Linh. Ảnh: Vietnamnet
Ông Du kể: “Hơn 35 năm ăn ngủ, với cây sâm, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi vì bệnh tật, sốt rét rừng tôi mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay... ”. Cơ ngơi như lời ông kể là vườn sâm Ngọc Linh bạt ngàn giữa rừng thẳm, với 126.000 gốc, trong đó có trên 10.000 cây hơn 10 năm tuổi.
“Cây sâm càng nhiều tuổi càng có giá trị. Nếu sâm 7 tuổi có giá khoảng 30 triệu đồng/kg thì sâm già giá có thể tăng gấp 2 đến 5 lần tùy theo năm tuổi”, ông bảo.
Giờ nơi đây là “vương quốc” của cây sâm Ngọc Linh. Dưới tán rừng nguyên sinh ẩm ướt, cơ man nào là sâm mọc ken dày. Ngoài vườn sâm 10 năm tuổi của “vua sâm” Hồ Văn Du có giá trị nhất là những vườn sâm từ 1 đến 7 tuổi bắt đầu được người dân ươm trồng dưới tán rừng nguyên sinh. Khoảng 5 năm, khi sâm đủ tuổi thì bà con ở Ngọc Linh thu tiền tỷ là điều bình thường.
Ông Du ước tính, lúc đó sâm ở độ tuổi từ 12 đến 15. Bình quân 20 gốc sâm cho 1 kg thì cả vườn sâm của ông cho khoảng 6,5 tấn sâm củ. Với mỗi kg sâm giá từ 40 đến 50 triệu đồng, ông Du sẽ cầm chắc trong tay 250 tỷ đồng.
“Như vậy, hơn 30 năm sống chết với sâm Ngọc Linh, tính bình quân mỗi năm cây sâm cho tui 8 tỷ đồng, một số tiền quá lớn giữa miền rừng này”, ông Du khẳng định.
Còn bây giờ, nơi thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh, ông Hồ Văn Du vẫn chân đất, ở nhà sàn gỗ, không phương tiện đắt tiền, ngày đêm ăn ngủ nơi rừng sâm - vốn là tâm huyết của cả đời vị “vua sâm” không ngai này.
Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là: Panax vietnamensis, còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), người Xê Đăng gọi thuốc giấu, là loại sâm quý được tìm thấy tại Kon Tum năm 1973, mọc tập trung quanh đỉnh Ngọc Linh (cao 2.598 m) thuộc 9 xã của 3 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum và huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Trên độ cao 1.500 đến 2.100m, Sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến Sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá ngày càng cao, thậm chí cao hơn sâm Triều Tiên. |
Bảo An (tổng hợp)