Từ thời La Mã cho tới hết thế kỷ 16, con người đã ăn rất ít đường.
Người La Mã cổ đại có lẽ đã không cần đến nha sĩ, bởi tất cả đều sở hữu một bộ răng cực kỳ khỏe mạnh. Gần 2.000 năm trước, kem đánh răng và bàn chải không tồn tại, nhưng bí quyết của họ nằm ở chế độ ăn giàu chất xơ và ít đường.
Phát hiện này đã được Giovanni Babino, một nhà X quang học, khẳng định sau khi ông quét thi thể của 30 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị chôn vùi dưới thành bang Bompeii có niên đại từ năm 79 sau Công Nguyên.
“Người dân ở Pompeii đã ăn nhiều trái cây và rau quả nhưng rất ít đường. Họ ăn uống lành mạnh hơn so với chúng ta ngày nay và có sức khỏe răng miệng thực sự tốt”, Elisa Vanacore, một chuyên gia nha khoa cho biết. “Nghiên cứu hàm răng có thể tiết lộ nhiều hơn về cuộc sống của họ”.
Vào năm 79 sau Công Nguyên, một đợt phun trào núi lửa ở La Mã đã nhấn chìm một phần Pompeii cùng hơn 2.000 cư dân của thành phố cổ đại này. Động đất đã khiến cho một phần thành phố đổ nát, gây ra cái chết của hơn 2.000 người.
Tro bụi từ núi lửa chôn vùi các xác chết, sau đó cứng dần lại thành một lớp đá bọt. Theo thời gian, cơ quan nội tạng của những nạn nhân bị mục ruỗng, để lại những lỗ hổng cùng với bộ xương của họ.
Các nhà khảo cổ đã phải bơm thạch cao vào bên trong lớp đá bọt để tạo hình phôi khuôn còn sót lại của thi thể nạn nhân.
Gần 2.000 năm, 30 phôi thi thể được bảo quản trong đống đổ nát và tro bụi dày đặc đã tiết lộ những chi tiết sống động về vụ phun trào núi lửa.
Theo đó, nhiều nạn nhân đã bị chấn thương sọ não khi thành phố sụp đổ vì động đất. Họ bị chôn vùi dưới những đống đổ nát của nhà cửa, quán rượu, nhà tắm công cộng…
Một thi thể cậu bé khoảng 4 tuổi được tìm thấy trong một ngôi nhà lớn như biệt thự, cùng với thi thể của bố mẹ cậu. Một người phụ nữ đang ôm một đứa bé trên đùi và chết ở tư thế ngồi. Đa số các nạn nhân đều bị biến dạng trước khi chết.
Đưa các thi thể này qua máy chụp cắt lớp toàn thân CAT, các nhà khoa học còn phát hiện ra một chi tiết hết sức kinh ngạc. Răng của những người La Mã này cực kì khỏe mạnh. Có những bộ xương tồn tại cùng hàm răng theo thời gian hiển thị lên máy quét một cách vô cùng tuyệt đẹp.
Một hình ảnh quét CAT cho thấy hàm răng của người La Mã cổ đại cực kỳ khỏe mạnh.
Các chuyên gia cho rằng đó là kết quả của một chế độ ăn lành mạnh thời La Mã, trong đó người dân đã ăn nhiều rau quả và hạn chế đường.
“Nghiên cứu này là một bước tiến lớn cho sự hiểu biết của chúng ta về thế giới của người La Mã”, Massimo Osanna, giám đốc khu vực khảo cổ Napoli cho biết. “Chế độ ăn uống của họ cân bằng và lành mạnh, tương tự như chế độ ăn Địa Trung Hải của chúng ta ngày nay”.
Một phát hiện đáng ngạc nhiên nữa, đó là nguồn nước cung cấp cho Pompeii có thể rất giàu florua. Nó cũng là một nguyên nhân giải thích cho hàm răng chắc khỏe của cư dân thành phố này.
Dự án nghiên cứu này tập hợp một đội ngũ chuyên gia đông đảo tại Italia, bao gồm các bác sĩ X quang học, nhà khảo cổ, nhân chủng học và nha sĩ.
Một khuôn phôi thi thể nạn nhân vụ phun trào núi lửa ở Pompeii được đưa vào máy quét.
Trên thực tế, người La Mã không phải là cộng đồng duy nhất trong quá khứ có hàm răng khỏe mạnh hơn chúng ta hiện tại. Những bằng chứng cũng cho thấy người Anh trước thế kỷ 17 cũng có hàm răng chắc khỏe. Một lần nữa, nguyên nhân vì chế độ ăn của họ có ít đường.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau triều đại Nữ hoàng Elizabeth I, người có hàm răng sâu được ghi nhận trong lịch sử. Điều này trùng hợp với thời kỳ những năm 1600, khi sản lượng đường tăng vọt ở Châu Âu và giá đường sụt giảm mạnh.
Đường có cơ hội len lỏi vào chế độ ăn của người Châu Âu và phá hủy răng của họ. Điều này phổ biến đến nỗi, những bộ phim lấy bối cảnh thế kỷ 17 ở Anh sau này còn bị phê bình là không chân thực, nếu diễn viên trong đó được tạo hình với hàm răng quá trắng đẹp.
Tham khảo Businessinsider, Telegraph, Qz