Tin mới

Không nên nhận đơn thư tố cáo với cán bộ đã nghỉ hưu?

Thứ tư, 08/11/2017, 14:43 (GMT+7)

“Chúng ta không nên tiếp nhận đơn tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu, rất là phức tạp”, ĐB Ngô Tuấn Nghĩa, đoàn TP.HCM nêu quan điểm.\n 

“Chúng ta không nên tiếp nhận đơn tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu, rất là phức tạp”, ĐB Ngô Tuấn Nghĩa, đoàn TP.HCM nêu quan điểm.

Sáng 8/11, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án luật Tố cáo (sửa đổi). Dự thảo luật Tố cáo (sửa đổi) điểu chỉnh theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ  của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức).

Báo cáo thẩm tra Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới là xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo). Vì vậy, khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của luật Tố cáo và pháp luật có liên quan. Do đó, tuy không cần ghi ngay tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong Luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức như đã thể hiện tại khoản 4, Điều 12 của dự thảo Luật là phù hợp.

 

ĐB Ngô Tuấn Nghĩa: "Không nên tiếp nhận đơn tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu".

Về nội dung trên, ĐB Ngô Tuấn Nghĩa (ĐBQH đoàn TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi cho rằng không nên đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này. Vấn đề này rất là phức tạp, theo nội dung giải trình của Chính phủ đã có nhiều văn bản điều chỉnh rồi. Chúng ta không nên tiếp nhận đơn tố cáo cán bộ nghỉ hưu, rất là phức tạp. Nhiều cán bộ trải qua nhiều đơn vị, chức vụ, nhiều cơ quan công tác. Có những tố cáo từ trước đó đã qua rất lâu. Việc đó có thể làm ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu. Tôi ví dụ có nhiều cán bộ có năng lực, có nhiều cống hiến, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, có tố cáo làm hạ uy tín cán bộ. Quan điểm của tôi là không nên đưa điểm này vào”.

ĐB Trần Văn Mão (ĐBQH đoàn Nghệ An) phát biểu thảo luận: “Dự thảo đã có tiếp thu, chỉnh sửa rất nhiều. Vấn đề về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ  của người đã nghỉ hưu, đây là vấn đề đặt ra. Hiện tại có 2 quan điểm. Theo tôi, luật này chỉ áp dụng với người đang là cán bộ công chức, viên chức là phù hợp. Hơn nữa theo quy định tại Điều 78, 79 của luật Cán bộ công chức và Điều 52 luật Viên chức thì hình thức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm cả kỷ luật bãi nhiệm, giáng chức, buộc thôi việc. Các hình thức xử lý này sẽ không thể áp dụng được với người nghỉ hưu.

Nếu giải quyết vấn đề tố cáo với người về hưu, đây là vấn đề khó đặt ra. Hệ thống pháp luật không thống nhất, không đảm bảo tính đồng bộ nếu như chấp nhận giải quyết tố cáo với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Nếu giải quyết tố cáo với người về hưu thì các luật khác cũng phải sửa và thống nhất để đảm bảo thi hành. Vì vậy, tôi đồng ý với dự thảo luật là không điều chỉnh hành vi của công chức, viên chức xảy ra trong thời gian trước đây, nay đã nghỉ hưu”.

Đỗ Thơm

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news