Khách mua vé giường nằm nhưng lúc lên xe bị xếp 2 người ngồi 1 ghế. Tuy nhiên, cả một chặng đường dài, nhà xe không hề bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.
Nhà xe "nhồi khách như nhồi lợn"
Đó là ý kiến bức xúc của chị Thân (quê Thanh Hóa) sau hành trình ngồi xe khách từ thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) ra bến xe Giáp Bát (Hà Nội).
Hành khách ngồi chen chúc trên xe giường nằm (Ảnh: Vũ Đậu) |
Chị Thân cho biết, rút kinh nghiệm như mọi năm, là toàn đứng ở dọc đường bắt xe ra Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ để rồi ấm ức vì bị chèn ép, năm nay, vợ chồng chị cẩn thận lên tận điểm bến của nhà xe để mua vé với hy vọng có được chỗ ngồi tươm tất.
"Vé mua ghi rõ một người một ghế. Tuy nhiên, lúc lên xe, nhà xe chèn khách gấp đôi. Vợ chồng tôi mua vé giường nằm nhưng lên xe còn ngồi không nổi. Vì phần trần ở phía trên chỗ nằm quá thấp, nếu nằm thì không nói, còn ngồi thì phải chấp nhận khom lưng. Ngồi trong tư thế cúi người như vậy trên cả một chặng đường dài mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi ai cũng kêu ca, yêu cầu nhà xe không bắt thêm khách. Tuy nhiên, cả lái xe và phụ xe đều ngó lơ" - chị Thân bức xúc kể lại.
Theo lời kể của chị Thân, ngày lễ, xe đông đúc thì ai cũng hiểu và có thể thông cảm. Tuy nhiên, kiểu "nhồi khách" gấp đôi như thế, chỗ duỗi chân còn không có, nói gì đến chuyện "giường nằm". Và dưới cái nắng gay gắt 37, 38 độ C, tất cả hành khách trên xe đều như ngộp thở.
Khách mua vé giường nằm nhưng bị xếp 2 người ngồi 1 ghế (Ảnh: Vũ Đậu) |
Chặt chém và có thái độ "đầu gấu" với hành khách
Không những bức xúc vì kiểu nhồi nhét khách chật chội trên xe, các 'thượng đế" còn bị "móc túi" một cách trắng trợn.
Đi cùng chuyến xe với chị Thân, anh Hải (31 tuổi) cho biết, bình thường, giá vé cho chặng đường từ Nông Cống (Thanh Hóa) ra tới bến xe Giáp Bát chỉ có 90 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi lên xe, khách bị "chém đẹp" và phải móc hầu bao giả nhà xe tiền vé là 150 ngàn.
"Chúng tôi ai nấy đều bức xúc vì nhà xe tăng giá vé một cách vô lý. Thế nhưng phụ xe trả lời ráo hoảnh: "Xe ngày lễ, thắc mắc gì!"
Dọc đường, có một số khách đứng ở lề đường bắt xe, khi trông thấy "con mồi", phụ xe nhào xuống đường, hỏi han gấp gáp "Hà Nội hả? (Đi Hà Nội à). Khi khách vừa gật thì cũng nhanh như chớp, phụ xe xách túi đồ của khách và kéo khách lên xe. Sau đó đóng cửa xe.
"Có một chị, tay bế con nhỏ, vai đeo đồ đoàn lỉnh kỉnh, lúc vừa bước lên xe, thấy xe đã chật kín người, vội vàng cáo lỗi nhà xe rồi toan đi xuống. Tuy nhiên, chị này bị phụ xe giữ lại, hỏi giọng hách dịch: "Chị muốn đi đâu, đã lên xe rồi thì khỏi xuống".
Người khách đứng phân bua, do xe đông đúc, chật chội, không còn ghế giường nằm, cũng không có chỗ ngồi. Con chị còn nhỏ, không thể chịu được không khí bị ngộp ở trong xe nên xin nhà xe cho chị xuống, đón xe khác. Lúc đó, lái xe thì không lên tiếng, còn phụ xe thì giở thói "đầu gấu" ra dọa nạt: "Xe cộ ngày lễ phải chấp nhận đông. Người ta ngồi được sao nhà chị lại kêu ca. Bây giờ muốn xuống đi xe khác chứ gì. Được, mời chị xuống nhưng trước khi xuống cho xin 150 nghìn".
Hành khách trên xe bức xúc trước sự việc trên, mọi người có nói "giảng hòa" là thông cảm cho người ta vì con nhỏ nhưng phụ xe vẫn tỉnh bơ. Người này nói, nếu không vì cho chị lên xe thì anh ta đã bắt được một khách khác rồi. Bây giờ chị không đi nữa thì cũng phải mua vé. Còn nhà xe nhất định không mở cửa xe.
Quá ấm ức nhưng vì không còn cách nào khác, nữ hành khách phải chấp nhận tiếp tục ngồi trên chiếc xe chật chội, tay ôm đứa con nhỏ và ấm ức vì bị nhà xe giở thói "côn đồ" dọa nạt.
"Trước kỳ nghỉ lễ, nhà xe nào cũng nói đến việc cam kết không tăng giá vé. Vậy mà xe nhồi nhét, chặt chém, giở trò côn đồ với hành khách nhưng cả một chặng đường dài không bị cơ quan nào kiểm tra, kể cũng lạ" - anh Hải cho hay.
Vũ Đậu