Tin mới

KSV chạy án được tha vì thành thật: VKS Tối cao yêu cầu báo cáo

Thứ bảy, 23/05/2015, 08:01 (GMT+7)

"Số tiền ông Q. nhận cũng không lớn, việc “chạy án” cũng chưa thực hiện được và ông Q. đã có thái độ thành thật, ăn năn hối cải. Do vậy, ông Q. chỉ dừng lại ở mức độ kỷ luật"

"Số tiền ông Q. nhận cũng không lớn, việc “chạy án” cũng chưa thực hiện được và ông Q. đã có thái độ thành thật, ăn năn hối cải. Do vậy, ông Q. chỉ dừng lại ở mức độ kỷ luật" - Viện trưởng VKS Cà Mau cho biết.

Theo tin tức trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22-5, một lãnh đạo VKS Tối cao cho biết đã yêu cầu viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau kiểm tra lại vụ việc liên quan đến bài báo “Kiểm sát viên chạy án được tha vì thành thật”(Pháp Luật TP.HCM phản ánh ngày 12-5).

Kết quả cụ thể phải được báo về lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, Vụ Tổ chức cán bộ và gửi báo cáo về văn phòng VKSND Tối cao để theo dõi. “Quan điểm của lãnh đạo VKS Tối cao là cần kiểm tra, làm rõ để xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, nếu vi phạm đã rõ thì cần xử lý theo quy định” - vị lãnh đạo này nói.

Trước đó, như đã phản ánh, ông Q. (là kiểm sát viên của VKSND tỉnh Cà Mau) biết được việc ký quyết định bắt một bị can trong vụ án lừa đảo tiền qua mạng Colony Invest tại BV Đa khoa khu vực huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Lúc này ông Q. đang học một lớp cao cấp chính trị thì được một người học cùng lớp là ông C. (là phó chủ tịch UBND một huyện của Cà Mau) dò hỏi rồi nhờ giúp vì trước đây ông C. được bị can trên cho 500 điểm để tham gia vào mạng (sau này bị kết luận là mạng lừa đảo - NV). Vì vậy, nếu lỡ công an điều tra thì rất kẹt. Nghe vậy, ông Q. nhận lời và giới thiệu ông C. với một KSV khác để tiếp tục làm việc với một số cảnh sát điều tra vụ án. Tới đó, ông Q. cho rằng đã hết trách nhiệm và sau đó được ông C. thông báo “chuyện đã được giải quyết xong”.

Khoảng hai tháng sau, ông C. lại chủ động nhờ ông Q. tìm cách giúp bị can trên được nhẹ tội. Ông Q. nói bản thân không giúp được gì nhưng có quen Thẩm phán M. và sẽ nhờ xem sao. Nói là làm, ông Q. gặp Thẩm phán M. thì được đáp rằng “giúp được nhưng phải đưa trước một số tiền làm tin”. Bởi nhiều vụ ông M. đã giúp xong người ta không đưa tiền làm mất uy tín. Thông tin được tải đến ông C. và sau đó ông C. “nối” ông Q. với vợ bị can (là bà Th.). Từ đó, ông Q. và bà Th. bắt đầu giao dịch tiền bạc.

Cụ thể, bà Th. đưa cho ông Q. 5 triệu đồng nhưng Thẩm phán M. chê ít không nhận. Sau đó bà Th. đưa tiếp 6 triệu đồng (trong đó có 1 triệu đồng để ông Q. làm chi phí “giao dịch”). Nhận 10 triệu đồng, Thẩm phán M. hứa sẽ giúp xử nhẹ tội. Sau đó ông Q. nói được nhận thêm khoảng 6 triệu đồng nữa, gồm 3 triệu đồng là tiền chi phí giao dịch lo “chạy án” và 3 triệu đồng “làm quà” để xin lãnh đạo VKS tỉnh cho bị can tại ngoại. Tuy nhiên, khi thấy thái độ của lãnh đạo VKS tỉnh cứng rắn, ông Q. không dám đưa và mang “quà” trả lại cho bà Th.

Sau nhiều lần hối thúc việc xin cho chồng được tại ngoại không thành, bà Th. đổi ý, kiếm ông Q. đòi lại tiền. Tuy nhiên, ông Q. không “níu” được thẩm phán nên đã dùng tiền túi trả lại. Lúc này, tổ công tác của VKS tỉnh phát hiện, làm việc về dấu hiệu “chạy án”.

Qua xác minh, VKSND tỉnh Cà Mau nhận thấy số tiền ông Q. nhận cũng không lớn, việc “chạy án” cũng chưa thực hiện được và ông Q. đã có thái độ thành thật, ăn năn hối cải. Do vậy, ông Q. chỉ dừng lại ở mức độ kỷ luật như vậy và xét thấy như thế là... vừa.

Phong Vân (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news