Tin mới

Kỳ bí gia tộc ba đời có con gái mang bàn chân 7 ngón

Thứ năm, 26/06/2014, 09:15 (GMT+7)

Một gia đình suốt ba đời nay các thế hệ khi sinh ra đều có cả hai bàn chân mang bảy ngón. Điều kỳ lạ những người mang dị tật này đều là phụ nữ. Và đằng sau những câu chuyện kỳ lạ ấy là nỗi gian truân, vất vả của những số phận kém may mắn nơi đại ngàn Trường Sơn.

Một gia đình suốt ba đời nay các thế hệ khi sinh ra đều có cả hai bàn chân mang bảy ngón. Điều kỳ lạ những người mang dị tật này đều là phụ nữ. Và đằng sau những câu chuyện kỳ lạ ấy là nỗi gian truân, vất vả của những số phận kém may mắn nơi đại ngàn Trường Sơn.

Những người sáu ngón tay, bảy ngón chân

Trong chuyến công tác ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được nghe nhiều người kể về câu chuyện kỳ lạ của một gia đình mà suốt ba đời nay nhiều thế hệ đều có cả hai bàn chân mang bảy ngón “khủng”. Theo chỉ dẫn của người dân nơi đây, chúng tôi tìm đến gia đình cụ bà Hồ Kên, trú ở bản Cha Lo, xã Sơn Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình.

Vượt qua đoạn đường dốc gồ ghề, chúng tôi tìm đến ngôi nhà lá đơn sơ nơi cụ Kên đang sinh sống cùng với gia đình anh Hồ Ka, con trai đầu của cụ. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà nhỏ nằm ven đường Quốc lộ 12, nơi cụ Kên đã gắn bó hơn 2/3 cuộc đời của mình cùng với những người con thân yêu.

Khi chúng tôi tới, cụ Kên đang ngồi vấn điếu cày giữa hiên nhà. Cụ bà có thân hình gầy gò tỏ ra rất ngỡ ngàng khi thấy người lạ xuất hiện trước ngôi nhà. Và chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi trò chuyện với cụ và các con trong gia đình bởi sự bất đồng ngôn ngữ. Phần lớn người dân ở đây không hiểu được tiếng Kinh, chỉ vài người là bập bẹ được đôi ba câu. Bởi vậy nên khi chúng tôi hỏi, mọi người trong gia đình cụ chỉ đáp lại bằng những tiếng cười khà khà rồi mọi người quay lại nói tiếng bản địa với nhau. May thay lúc đó có một em bé học sinh trường làng đến chơi và làm thông dịch viên bấc đắt dĩ cho chúng tôi. Câu chuyện được bắt đầu thông qua người thông dịch viên nhí này. Khi chúng tôi hỏi về tên tuổi cụ Kên, người đàn bà gắn hơn nửa cuộc đời với cái nương, cái rẫy của bản làng xa xôi heo hút giáp với biên giới Việt -  Lào này chỉ biết ú ớ. Cụ không nhớ được cả tên lẫn tuổi của mình.

Cụ Kên trò chuyện với PV.

Trò chuyện với PV về bàn chân dư ngón của cụ Kên, anh Hồ Xăng (44 tuổi), em trai út của cụ Kên tâm sự: “Lúc nhỏ chị tôi sinh ra đã bị như vậy rồi, lúc lớn lên tuy ngón chân thừa không gây đau nhưng khiến chị tôi không thể mang được giày, dép và phải đi chân trần suốt đời. Gia đình tôi có rất đông anh chị em, nhưng không ai bị thế cả mà chỉ có chị Kên là bị tật nguyền với bàn chân mang bảy ngón như bàn “chân vịt”. Không những chỉ có hai bàn chân bảy ngón mà hai bàn tay của chị cũng phải đeo thêm “hai vị khách” thòng lòng (tức là bàn tay sáu ngón – PV)”.

Cũng theo anh Hồ Xăng, gia đình cụ Kên có bốn người con, hai trai, hai gái, nhưng chỉ có người con gái út của cụ là chị Hồ Keo bị tật nguyền giống mẹ. Nhưng bi kịch đã ập xuống gia đình cụ khi Hồ Keo lấy chồng và sinh ra ba người con là Hồ Cao, Hồ Ku và Hồ Kẹt thì hai người con sau của chị cũng chịu cảnh tật nguyền như bà và mẹ chúng. Số phận hẩm hiu của chị Keo không chỉ dừng lại ở đây, sau một thời gian sinh sống đầm ấm hạnh phúc với chồng con, bi kịch lại ập xuống khi chồng chị bất ngờ treo cổ tự tử trong phòng ngủ của hai vợ chồng trong đêm tối. Kể từ đó, chị Keo lại lâm vào cảnh mẹ tật nguyền gồng gánh nuôi con thơ khi trụ cột gia đình không còn nữa.

Hai mái chèo “chân vịt” của cụ Hồ Kên.

Sự trùng hợp kỳ lạ nơi “rừng thiêng nước độc”

Để tìm hiểu thêm về gia đình mang bàn chân “kỳ quái” này, PV đã có dịp trò chuyện với chị Hồ Thị Leng, cán bộ y tế lâu năm ở xã Sơn Hoá và được chị cho biết: “Tôi cũng bị chứng bệnh chân tay sáu ngón từ lúc mới được sinh ra. Khi lớn lên tôi được học về y tế nên cũng biết một ít về nguyên nhân sinh ra hiện tượng lạ này. Căn bệnh này là do người mẹ lúc mang thai bị bệnh đậu mùa, nên nó ảnh hưởng đến bào thai của con và hình dạng người con sau này. Có lẽ lúc mẹ tôi đang mang thai bị mắc bệnh đậu mùa nên tôi mới bị như vậy”.

Nguyên nhân gây nên hiện tượng dư ngón ở gia đình cụ Kên là do căn bệnh đậu mùa như chị Leng giải thích hay là do di truyền hiện vẫn chưa được lý giải rõ ràng. Tuy nhiên, kỳ lạ là dị tật thừa ngón chân trong ba đời gia đình nhà cụ Kên đều chỉ rơi vào những người con gái.

Đằng sau sự kỳ lạ trong câu chuyện của gia đình mang dị tật này, ít ai biết được là nỗi gian truân của những phận đời bất hạnh. Đại gia đình cụ Kên thuộc diện nghèo khó nhất nhì nơi “rừng thiêng nước độc” của đại ngàn Trường Sơn này. Khí hậu khắc nghiệt của dải đất miền Trung khiến cuộc sống vốn đã bấp bênh vì phải trông chờ vào nương rẫy của những người dân nơi đây càng trở nên khó khăn hơn. Sự thiếu ăn đeo bám họ quanh năm suốt tháng. Bữa cơm của mấy mẹ con cụ Kên chỉ có rau rừng và cá bắt từ dưới sông, hầu như không bao giờ có thịt.

Vì cuộc sống khó khăn, để có miếng cơm manh áo, họ đã phải lê đôi chân trần “kỳ dị” ấy băng qua không biết bao ngọn đồi, vượt qua bao nhiêu rẫy... Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những trở ngại trong sinh hoạt, những đôi chân không thể mang giày dép ấy đã cản bước đến trường của những người con chị Hồ Keo. Chúng lại bắt đầu một vòng đời như bà và mẹ, nấp mình trong cái nương rẫy, kiếm sống qua ngày.

Với bàn tay sáu ngón, cụ Kên gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về “căn bệnh kỳ lạ” của đại gia đình cụ Kên, anh Hồ Tuân, Chủ tịch UBND xã Sơn Hoá cho biết: “Trường hợp ba thế hệ gia đình nhà cụ Kên bị “thừa ngón chân, ngón tay” trùng lặp đến kỳ lạ, phía chính quyền địa phương chúng tôi cũng đã biết. Hiện, đây vẫn là đại gia đình thuộc diện nghèo khó nhất nhì của xã. Chúng tôi thường xuyên đến động viên thăm hỏi các thành viên gia đình, đồng thời, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho gia đình cụ Kên được tiếp cận với các nguồn vốn, nhằm giúp đỡ gia đình thoát nghèo”.

Trở về với quá khứ của vùng đất anh hùng đã gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc, trong những năm tháng chiến tranh, người dân Pa Cô - Vân Kiều với đôi chân trần đã vượt qua những làn mưa bom bão đạn của kẻ thù để cùng với bộ đội xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Chiến tranh khốc liệt và gian khổ đến vậy, những đôi chân trần năm xưa đã quyết vượt qua mọi thử thách chông gai băng rừng, vượt suối cùng nhân dân đánh giặc giữ nước.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng truyền thống yêu quê hương, chẳng ngại khó, ngại khổ của bà con Pa Cô – Vân Kiều vẫn còn được truyền từ đời này qua đời khác. Có lẽ vì truyền thống hào hùng đó mà những con người mang đầy nghị lực như cụ Kên, chị Keo và những người con của chị đã biến những thách thức thành “khúc nhạc” riêng cho cuộc đời mình. Đôi chân trần của cụ Kên đã chống lại biết bao nhiêu khó khăn gian khổ vất vả của cuộc sống để tồn tại đến ngày hôm nay, nuôi những người con khôn lớn, trưởng thành. Một người mẹ ở cái tuổi “xế chiều”, mặc dù tuổi cao sức yếu, cộng thêm những bất tiện từ “của trời cho” nhưng cụ vẫn luôn nhắc nhở con cháu phải kiên cường sống, không được buông xuôi.                     

 

Mảnh đời cần chia sẻ

Chia tay bản làng nhỏ khi những nếp nhà sàn đã bắt đầu lên khói, chúng tôi cứ trăn trở mãi câu chuyện của gia đình cụ Kên. Rồi đây, với hai bàn chân lủng lẳng ngón như những mái chèo “chân vịt” kia sẽ “bơi” giữa điều kiện sống khắc nghiệt của núi rừng Quảng Bình ra sao? Những số phận này đang rất cần sự sẻ chia, quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm để “người già sẽ sống trọn, người trẻ sẽ bước qua” cuộc sống gian nan vất vả.

   

Theo Đời Sống & Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news