Sản phụ sau sinh phải thức 3 ngày đêm để uống hết 150 lít nước thuốc, được nấu bằng những Cây thuốc dấu của người dân tộc bản địa.
Qua quá trình thâm nhập vào bản làng có nhiều điều “kỳ dị” này, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi được biết, một trong những cách để cho những người phụ nữ Ma Coong ở bản Đoòng (nằm sâu trong lõi rừng Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau sinh và trèo đèo, lội suối chỉ sau 3 ngày vượt cạn là sản phụ sau đẻ phải thức 3 ngày đêm để uống hết 150 lít nước thuốc, được nấu bằng những cây thuốc dấu của người dân tộc bản địa.
Thang thuốc dùng cho 1 lần nấu 5 lít nước của sản phụ người dân tộc Ma Coong. |
Đẻ xong uống 150 lít nước
Tiếp chúng tôi tại một ngôi nhà nhỏ nằm ở giữa bản, chị Hồ Thị Hoa (SN 1956, là người phụ nữ nhiều tuổi nhất bản Đoòng) cho biết: “Chúng tôi sống giữa đại ngàn Trường Sơn này đã bao năm nay. Đây là chốn rừng thiêng nước độc, cuộc sống của chúng tôi phải dựa cả vào thiên nhiên, nên việc bảo vệ sức khỏe của người trong bản được xem là quan trọng nhất. Ở đây không có trạm y tế, cũng như bệnh viện để chữa trị, nên các bệnh từ nhẹ đến nặng, chúng tôi đều sử dụng lá và vỏ cây rừng làm thuốc để chữa trị cho mình, giữ cho mình được khỏe mạnh…”.
Nói về món thuốc được chế từ rễ cây rừng giúp sản phụ hồi phục sức khỏe sau sinh, chị Hoa cho biết: “Sau khi sinh xong, trong suốt 3 ngày liên tục, sản phụ sẽ phải thức cả ngày lẫn đêm để uống nước. Trung bình mỗi ngày họ phải uống hết 50 lít nước được nấu từ các loại rễ và lá cây rừng. Đây chính là bài thuốc cổ của người dân tộc bản địa, được tổ tiên họ để lại và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, dùng cho tất cả bà con trong bản.
“Bài thuốc là sinh mệnh của cả tộc chúng tôi, nên việc bảo vệ nó được chúng tôi xem như bảo vệ chính tính mạng của mình, một vật linh của người bản Đoòng chúng tôi vậy. Loại nước được chế từ 10 loại rễ cây rừng này, được sử dụng theo đúng cách thức truyền thống, là điều mà bất cứ người sản phụ nào ở đây cũng phải trải qua…”, chị Hoa cho hay.
Theo đó, khi người phụ nữ có thai đến khoảng tháng thứ 6, họ bắt đầu đi vào rừng để tìm kiếm rễ và lá cây về phơi khô, và cất trữ trong nhà đợi đến ngày dùng tới. Lúc Bà bầu bắt đầu “lâm bồn”, thì những người thân trong nhà như chị em ruột, chị em dâu, mẹ chồng, mẹ đẻ sẽ là người giúp sản phụ “vượt cạn”.
Ba ngày đầu sau khi đẻ được xem là 3 ngày quan trọng nhất của sản phụ, nó quyết định sức khỏe về sau của người phụ nữ. Trong 3 ngày này, trung bình mỗi ngày họ phải uống hết khoảng 12 đến 15 nồi nước. Mỗi nồi từ 3 đến 5 lít nước được nấu từ những loại rễ cây đã được họ chuẩn bị từ trước đó. Ngoại trừ khoảng thời gian lúc ăn cơm, còn lại thời gian sản phụ phải múc nước thuốc đang nóng, vừa thổi vừa uống. Nước trong nồi cạn lại đổ nước mới vào nấu tiếp, có khi phải nấu 2 nồi liên tiếp để việc uống của họ không bị gián đoạn.
Chị Hồ Thị Thắm (30 tuổi, là người dân tộc bản địa, đang là bà mẹ của 4 đứa con nhỏ) kể: “Trong suốt 3 ngày sau sinh đó, chúng tôi không được ngủ, phải thức cả đêm lẫn ngày để uống nước. Có khi buổi đêm bị ngủ gật, mẹ chồng hoặc mấy chị em ngồi cạnh liền đánh thức dậy để uống nước tiếp. Người nào mới sinh lần đầu sẽ rất mệt mỏi, khó chịu vì phải thức đêm, và chưa quen uống nước thuốc nhiều.
Tính tổng cộng số nước mà sản phụ phải uống trong ba ngày hết 150 lít, để mong bệnh tật sẽ được đẩy lùi, cơ thể được thanh lọc và tái sinh… Trước đây, theo phong tục cứ phải sinh nhiều con, nhiều cháu mới được gọi là sung túc và có phúc để hưởng về già. Không phải kiêng kỵ hay sinh đẻ ở các Trung tâm y tế có bác sĩ, nhưng các cháu vẫn cứ khỏe mạnh, lớn lên lấy vợ, lấy chồng và lại tiếp tục vòng đời mà trước đó bố mẹ chúng đã trải qua…”.
Gặp chúng tôi, chị Hồ Thị Thư (22 tuổi) đang bế đứa con nhỏ liền khoe: “Đấy các chú thấy đấy, con tôi không có thuốc men, trạm xá hay bác sĩ như các chú đâu, chỉ nhờ vào phương thuốc bí truyền mà sức khỏe nó không kém người xuôi các chú. Chỉ đợi chúng lớn lên chút nữa, là tôi lại có cháu rồi! Nhanh thôi mà…!”.
Chị Hồ Thị Thư nói về loại “biệt dược” giúp sản phụ phục hồi sức khỏe sau sinh. |
Bí ẩn bài thuốc kỳ lạ
Theo những người dân ở đây cho biết bài thuốc được chế ra từ 10 loại rễ cây gồm: rễ cây ren ráo, cây dứa gai, củ éo, bồ câu, hạ thủ ô, sâm rừng, và một số loại cây khác nữa mà chính họ cũng không biết tên nhưng quen mặt lá và thân cây. Những loài này mọc rải rác ven bìa rừng và dọc các con suối nên cũng rất dễ kiếm.
Các loại rễ cây này, sau khi tìm về được thái nhỏ thành từng miếng bằng đốt ngón tay cả, rồi đem trộn lẫn vào nhau, phơi khô và cất lên gác bếp. Khi bà bầu gần đến ngày chuyển dạ thì bắt đầu đưa ra phơi lại một lần, rửa sạch nấu lên và uống.
Mặc dù sau khi sinh, những người phụ nữ người dân tộc Vân Kiều ở đây không bao giờ biết đến bệnh viện, nhưng những đứa trẻ được sinh ra luôn khỏe mạnh, chống chọi lại với sự hà khắc của thiên nhiên, sự khắc nghiệt của thời tiết mà lớn lên.
Ông Hồ Sỹ Trắc trao đổi với PV. |
Ông Hồ Sỹ Trắc (Trưởng bản Đoòng) cho biết: “Trong mỗi thang thuốc gồm 10 loại cây khác nhau và Công dụng cũng không cây nào giống cây nào. Ví dụ: cây sâm rừng thì giúp sản phụ bổ máu, bồi bổ sức khỏe; cây hạ thổ ô thì thì giúp đen tóc, đẹp da. Cây dứa gai, rễ cây ren ráo thì giúp bài tiết chất độc qua tuyến mồ hôi và nước tiểu.
Những loại cây thuốc này có đặc tính bổ trợ cho nhau và phải uống nóng khi đang sôi trên bếp mới phát huy hết tác dụng, chứ nếu như một khi đã đặt xuống đất và nước thuốc nguội dần thì sẽ không còn tác dụng nữa, thậm chí còn phản tác dụng. Vì sự kỳ diệu của bài thuốc bản địa này, mà người dân chúng tôi ở đây quanh năm suốt tháng, dù không biết đến bác sĩ vẫn khỏe mạnh và lội rừng lên rẫy cứ gọi là băng băng…!
Những đứa trẻ khỏe mạnh, không bệnh tật Chị Hồ Thị Cúc (công tác tại Trạm y tế xã Tân Trạch) cho biết: “Tôi công tác ở đây cả chục năm, hộ sinh cho hàng nghìn sản phụ, nhưng chưa có sản phụ nào thuộc bản Đoòng cả. Lúc họ mang thai, chúng tôi cũng vào tuyên truyền cấp thuốc. Nhưng họ bảo không cần vì đã có bài thuốc dân tộc dành riêng cho thai phụ. Tôi hộ sinh cho rất nhiều người, nên biết bình thường sản phụ sinh đẻ, thậm chí có những ca rất khó “vượt cạn” phải chuyển lên tuyến trên để mổ. Nhưng người dân thuộc bản Đoòng lúc sinh nở đều mẹ tròn con vuông, điều đặc biệt hơn nữa là sau khi sinh chưa đến một tuần thì bà mẹ đã có thể lên rừng làm nương rẫy như một người bình thường mà không ảnh hưởng đến sức khỏe… Chưa bao giờ những đứa trẻ ở bản Đoòng được đưa đến trạm xá hay bệnh viện, chúng rất ít bệnh tật. Không biết có phải vì chúng chưa bao giờ bước chân đến Trạm y tế xã để khám và lấy thuốc nên tôi không được chứng kiến việc chúng ốm đau hay không? Nhưng chưa thấy chúng đến đây vì ốm đau bao giờ…”. |
Hoàng Giang