Số trẻ bị thiệt mạng do Đuối nước ngày càng gia tăng, vì vậy, ngoài việc cho trẻ học bơi, cha mẹ cũng cần trang bị cho con những kỹ năng bảo vệ tính mạng.
Đuối nước là tai nạn rất dễ xảy với trẻ nhỏ, đặc biệt trong mùa hè, khi trẻ nhỏ có nhiều hoạt động vui chơi giải trí và cách xa tầm mắt người lớn. Thực tế đuối nước thường xảy ra ở ngay gần nơi sinh sống của các em. Để giúp trẻ tránh xa tai nạn này, cha mẹ cần nhắc con không chơi gần sát mặt nước. Khi vui chơi trên bờ, con cần đứng cách mặt nước ít nhất là hai mét.
Khi con bơi, cần có người lớn đi cùng và phải bơi ở những địa điểm quy định như bể bơi, bãi biển (nơi được phép bơi lội). Những bãi tắm có vẻ rất ổn nhưng tiềm ẩn nguy hiểm, đội cứu hộ đã cắm cọc báo nguy hiểm thì tuyệt đối phải tránh xa, không được bơi lội ở đó. Con trẻ cũng như người lớn phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định ở bể bơi hay bãi tắm, tuyệt đối không tự ý làm những việc đã bị cấm tại các khu vực như vậy.
Để hạn chế tối đa tình trạng trẻ bị đuối nước, cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ những kĩ năng cần thiết. Ảnh: Internet |
Để tránh đuối nước, cha mẹ nên cho con đi học bơi từ khi còn nhỏ. Thực tế, ngay từ khi vài tháng tuổi, trẻ đã có thể học bơi và học rất nhanh. Các cha mẹ nên lựa chỗ học phù hợp và thường xuyên tạo điều kiện cho con tập luyện.
Cha mẹ cũng nên trang bị cho con những kĩ năng cần thiết khi bị ngã xuống nước mà không có người trợ giúp.
Khi mới chìm xuống, bạn hãy dặn con ngay lập tức nhắm mắt nín thở, bịt mũi cho người nổi lên để khỏi bị tràn nước vào phổi. Sau đó, dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước để đẩy đầu nhô khỏi mặt nước.
Mỗi khi cảm thấy nguy hiểm ở dưới nước, con có thể tự thả lỏng cơ thể và nín thở. Vì cơ thể người vẫn có không khí nên khi nín thở và thả lỏng người, cơ thể tự động nổi lên trên mặt nước. Lúc đó con chỉ khoát nhẹ tay để người trôi đi. Sau đó, con cố lái người vào bờ hoặc vào gần những vật nổi trên mặt nước như tấm gỗ lớn, phao bơi, hoặc xốp rồi ra tín hiệu bị đuối nước cho những người lớn ở gần đó biết để họ cứu giúp.
Lê Vy (tổng hợp)