Tin mới

Kỳ thi THPT Quốc gia: Tỷ lệ tốt nghiệp sẽ thấp?

Thứ sáu, 12/06/2015, 17:27 (GMT+7)

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đề cập đến kì thi THPT quốc gia, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng của cử tri và học sinh về sự thay đổi trong kì thi năm nay so với năm trước có thể dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp?

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đề cập đến kì thi THPT quốc gia, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng của cử tri và học sinh về sự thay đổi trong kì thi năm nay so với năm trước có thể dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp? 

Chiều nay (12/6), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn nhiều vấn đề "nóng" của ngành giáo dục được dư luận quan tâm như: đổi mới sách giáo khoa, kỳ thi THPT, thông tư 30 và tình trạng bạo lực học đường. 

Quan tâm đến kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 tới, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng của cử tri và học sinh về sự thay đổi trong kì thi năm nay so với năm trước có thể dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp? 

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc chấm và coi thi  đều có quy chế. Các thầy cô giáo ở địa phương hay ở Trung ương đều vì học sinh thân yêu cả. Các cháu tốt nghiệp ở phổ thông nếu có năng lực sẽ tiếp tục gặp thầy cô ở các trường ĐH, CĐ. 

"Chúng tôi đã tính toán đến việc sẽ có barem điểm kỹ càng, làm sao để học sinh thi cử một cách nghiêm túc, chúng tôi quan niệm quá trình thi cử nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, chúng ta không để chỗ cho những sự không trung thực, gian lận trong thi cử. Đã gọi là tốt nghiệp phổ thông thì sẽ hướng đến phần lớn thí sinh chứ không thể có sự thay đổi đột ngột ở đây được. Điều này ngày cũng đã họp bàn với các đồng chí ở các trường ĐH, giám đốc các Sở GD-ĐT", Bộ trưởng Luận nói.  

Kỳ thi THPT Quốc gia: Tỷ lệ tốt nghiệp sẽ thấp?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn chiều nay (12/6)

Cũng theo Bộ trưởng Luận, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ không có cú sốc đối với xã hội trong quá trình triển khai. Mục tiêu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo không phải là tạo ra những cú sốc mà tạo ra sự thay đổi từ sự chuyển biến từ chất lượng, ngày càng tốt lên. Do đó, học sinh nên yên tâm ôn tập, làm bài một cách cố gắng nhất. Các thầy cô luôn trân trọng ghi nhận kết quả học tập của các cháu. 

Chung mối quan tâm về kỳ thi THPT Quốc gia, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi: "Cách tổ chức thi theo cụm chưa nhận được đồng thuận cao của xã hội, ở miền núi, tỷ lệ thí sinh dự thi ĐH còn thấp. Bộ trưởng nói rõ về thực trạng học tập của học sinh miền núi và vì sao học sinh miền núi lại đăng ký thấp? Liệu như vậy có phải là lấy cơ hội vào ĐH của các cháu miền núi hay không?" 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải, kỳ thi THPT quốc gia 2015, các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại địa phương - cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Theo báo cáo của các tỉnh, đều thi tại huyện. Do đó, về cơ bản, thí sinh không có gì khó khăn hơn so với các kỳ thi trước đây. 

Với các thí sinh dự thi THPT quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. 

"Trước đây, khi đi thi ĐH, các cháu phải về Hà Nội, thành phố HCM, các thành phố lớn hoặc đến dự thi tại 4 cụm: Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ, Hải Phòng, như vậy, phải đi quãng đường rất xa. Với cách đổi mới kỳ thi như năm nay, các cháu sẽ đi thi gần hơn vì chúng tôi bố trì thành 38 cụm thi trên cả nước. Thí sinh không chỉ giảm quãng đường mà giảm cả số lần đi thi, vì năm nay các cháu chỉ phải thi một lần để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ", Bộ trưởng Luận phân tích những lợi thế của kỳ thi THPT Quốc gia. 

Bộ trưởng Luận còn cho rằng, với học sinh miền núi, vùng khó, Chính phủ đã có quy định về chế độ ưu tiên, ưu tiên khu vực, ưu tiên theo đối tượng... 

"Các phương tiện truyền thông cũng có nói đến việc nhiều ưu tiên như vậy, có cháu 3 -4 điểm cũng có thể đỗ vào ĐH. Nhưng chúng tôi thấy rằng, việc đào tạo cán bộ cho vùng khó là nhiệm vụ chính trị nên phải tuyển các cháu; sau đó, có chương trình dự bị, bổ túc để giúp các cháu nắm chắc kiến thức để học ở bậc học cao hơn", Bộ trưởng Luận "trần tình".

H.Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news