Trong những ngày đón chào xuân mới, người cựu binh nhớ về những tấm gương anh dũng nằm lại chiến trường xưa và tự hào kể lại những khoảnh khắc ông cùng đồng đội làm nên lịch sử.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, trở về với cuộc sống đời thường, ký ức về một thời Điện Biên năm xưa như vẫn còn khắc sâu trong tâm thức người cựu chiến binh Ngô Gia Thành (82 tuổi, ở thôn Nà Chuông 1, xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Ông là một trong 40 chiến sỹ trẻ năm nào của TP.Lạng Sơn trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Những trang sử bất diệt
Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng tại TP. Lạng Sơn, người cựu chiến binh Ngô Gia Thành dù ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng khi trò chuyện về những ký ức hào hùng năm xưa, ông không giấu được niềm tự hào, xúc động. Câu chuyện như một cuốn hồi ký sinh động, ghi lại những năm tháng ông cùng đồng đội ngày đêm hành quân, vận chuyển pháo lên trận địa Điện Biên Phủ năm nào.
"Nhân chứng lịch sử" của chiến thắng Điện Biên. |
Sinh ra trong một gia đình nghèo, dân tộc Tày. Năm 17 tuổi, ông vào quân ngũ ở Đại đội C812, Tiểu đoàn 888, Sư đoàn 316, Trung đoàn Cao Bắc Lạng. Chàng trai người Tày không biết tiếng Kinh nên khi đó, ông không chỉ cùng đồng đội đánh giặc mà còn phải học thêm tiếng phổ thông.
Năm 1953, ông cùng đồng đội tham gia đánh trận mở màn vào khu vực đồi Him Lam. Ông vẫn còn nhớ như in những khó khăn, vất vả của bộ đội ta những ngày khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, nhưng ý chí đánh giặc không hề suy chuyển.
Ông nhớ lại những năm tháng gian khổ, hào hùng: “Rừng núi Tây Bắc vào mùa đông, trời rét căm căm nhưng khi cùng đồng đội tham gia kéo pháo, quần áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Mặc kệ gian khổ, không quản hy sinh, anh em luôn đoàn kết, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi thường nói với nhau rằng, mình được nhân dân nuôi dưỡng, nên dù có vất vả, gian khổ, có phải hy sinh cả bản thân mình cũng phải bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc mình”.
Khi ấy, nhiệm vụ của đơn vị ông là bắn phá hàng rào dây thép gai và bãi mìn, hầm ngầm lô cốt, mở đường cho bộ binh tiến quân. Tiếp đến là đánh đồi Độc lập và tiến vào Mường Thanh. Ông lật từng trang nhật ký "sống" về những đồng đội cùng một thời kề vai sát cánh bên nhau, những đồng đội cùng ra đi từ mảnh đất xứ Lạng với ông như anh hùng Chu Văn Pù- người trực tiếp bắn trên "giá súng sống Bế Văn Đàn"; anh hùng Bế Chu Lang...
Ông Thành nhớ lại: "Khi quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội của ông bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người. Khi đó, khẩu trung liên của đồng chí Chu Văn Pù cũng không bắn được vì không có chỗ đặt giá súng. Đồng chí Pù loay hoay tìm chỗ đặt khẩu trung liên vì giặc Pháp ở trên cao, bắt buộc mình phải kê súng lên mới bắn được.
Trong tình thế hết sức khẩn cấp, Bế Văn Đàn bảo: "Đồng chí đặt lên lưng tôi mà bắn". Đồng chí Pù không nỡ đặt lên. Ngay lập tức, Bế Văn Đàn chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Đồng chí Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn hét lớn: "Đồng chí phải bắn, không bắn là có tội với nhân dân, có tội với Tổ quốc, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi". Hình ảnh đồng chí Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, bị hai vết thương và anh dũng hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt khẩu trung liên trên vai, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí tôi".
Nụ cười chiến thắng
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cựu chiến binh Ngô Gia Thành vẫn luôn tự hào về cuộc đời binh lửa của mình và đồng đội. Những giọt nước mắt khóc đồng đội năm nào giữa đạn lửa khốc liệt nay đã biến thành nụ cười, nụ cười chiến thắng vẫn vẹn nguyên sau những tháng năm binh nghiệp.
Ông Thành xúc động khi được tham quan triển lãm. |
Nhắc lại những ngày tháng chiến đấu tại Điện Biên Phủ, ông cho biết: "Trong chiến dịch lịch sử này, bộ đội ta phải đảm nhiệm nhiều công việc, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, vừa phải đào hầm, hào, vận chuyển vũ khí đạn dược, kéo pháo. Những ngày tháng ngủ rừng, cơn mưa rừng thấm buốt vào da thịt. Chúng tôi còn không biết đến việc tắm và cắt tóc nên thường trêu nhau chỉ sợ ngày về gia đình sẽ không nhận ra mình.
Nhiều lúc tôi và đồng đội phải nhịn đói vì tiếp viện chuyển lên không kịp. Rau xanh từ Phú Thọ chuyển lên, do đường sá đi lại khó khăn nên lên đến nơi thì lá rau đã nát hết. Nhưng cũng chính từ trong gian khổ đã tôi luyện cho chiến sỹ lĩnh kiên cường không khuất phục trước kẻ thù".
Những trang “nhật ký” sống động về chiến dịch lịch sử cứ ùa về trong câu chuyện của người cựu binh già: "32 ngày đêm chúng tôi chiến đấu trên đồi E, bắn vào khu Mường Thanh và A1. Giành nhau với thực dân pháp từng tấc đất, cánh rừng. Cứ quân mình xông lên là bọn Pháp lại rút xuống để củng cố lực lượng. Sau đó bọn chúng lại xông lên, quân ta lại lui về để phòng ngự. Hai bên giằng co nhau không ngừng.
Chính trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", chúng tôi đã nghĩ ra được một cách để chống đạn hiệu quả. Bộ đội đi tìm rơm khô, cây rừng khô về cuốn, kết thành bù nhìn. Khi tấn công quân địch thì đẩy bù nhìn rơm đi trước, bộ đội đi sau. Khi đó, đạn quân địch bắn vào bù nhìn rơm nhưng không thể xuyên qua được vì rơm kết rất chặt. Sáng tạo này đã giúp bộ đội tránh được những cơn mưa đạn của kẻ thù, hạn chế thương vong".
Tấm bằng khen - niềm tự hào của người cựu chiến binh |
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được học lái xe và tham gia Đoàn vận tải của Tổng cục Chính trị, rồi chuyển sang lái xe cho nhiều ngành, đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường, ông Thành tiếp tục tham gia công tác ở cơ sở - với cương vị là Chi hội trưởng Hội CCB thôn Nà Chuông 1, xã Mai Pha. Trong nhiệm vụ mới ông luôn cùng với các hội viên chăm lo xây dựng tập thể chi hội đoàn kết; tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm đưa tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả.
Hiện tại, mặc dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông còn sức khỏe và khá nhanh nhẹn, ông vẫn ra ruộng, vườn cấy lúa, trồng rau. Ở vị trí nào ông cũng luôn phát huy tinh thần anh bộ đội cụ Hồ.
Là tấm gương cho lớp trẻ noi theo |
Mai Hằng