Với nhiều phụ nữ đi xuất khẩu lao động ở Arập Xê út chuyện bị vắt kiệt sức lao động, đánh đập, bỏ đói đến suy nhược, tệ hơn là bị nhiều người đàn ông trong cùng một gia đình làm nhục… không còn là chuyện hiếm.
Bị vắt kiệt sức lao động, nhiều thế hệ trong gia đình thay nhau làm nhục
Tình trạng không ít người lao động Việt Nam được giới thiệu và xuất khẩu lao động sang Vương quốc Arập Xê út làm công việc giúp việc nhà hiện vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn, bị bóc lột sức lao động cùng cực, bị đánh đập và thậm chí bị cưỡng hiếp.
Trường hợp của chị N.T.V ở quận 7, TP.HCM là điển hình cùng một số người lao động Việt Nam sang đất nước này cũng đã phải chịu bao đắng cay một thời gian dài và phải tìm mọi cách mới trở về được đất nước.
Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn sau khi ly hôn (chị lấy chồng từ năm 18 tuổi), chị V. đã đồng ý khi được một người tên Mari (SN 1978, chuyên viên tư vấn và tiếp nhận hồ sơ của Công ty Cổ phần Quốc tế N.M, có trụ sở ở Hải Phòng) thường trú ở Tây Ninh giới thiệu đi xuất khẩu lao động sang Úc để giúp việc nhà với mức lương 400-500 USD, mà không phải mất bất kỳ chi phí nào.
Điều bất ngờ là lúc đầu chị V. được giới thiệu sẽ đi Úc làm việc nhưng đến khi đi khám sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ đi nước ngoài tại một bệnh viện ở TP.HCM, thì chị V. mới phát hiện trong hồ sơ ghi là chị sẽ đi Arập Xê út.
Thấy lạ, chị V hỏi người môi giới thì người này đảm bảo đi Arập Xê út rất tốt, lương cao, vì thế chị V chấp nhận thay đổi ý định của mình.
Ngày 10/4 chị V. đến Arập Xê út. Căn nhà nơi chị V. làm việc tọa lạc ở Al Nazeem, TP Riyadh, trong nhà lúc đầu chỉ có bố mẹ già (người chồng 70 tuổi, người vợ cũng xấp xỉ 70 tuổi bị bệnh tiểu đường) và một người con gái (ngoài những người này chủ nhà còn có hai người con khác nhưng do đi học nên thỉnh thoảng mới về).
Do gia đình này không rành rẽ tiếng Anh nên những ngày đầu, chị V. gặp khá nhiều khó khăn trong giao tiếp, “nghe” chủ nhà giao việc bằng cách ra hiệu.
Chị V kể lại ký ức kinh hoàng khi đi xuất khẩu lao động sang Arập Xê út.
Cuộc sống nơi địa ngục của chị bắt đầu chỉ sau 2 tuần chị tới căn nhà này làm việc…
Đầu tiên, dù đã 70 tuổi, nhưng người bố luôn tìm mọi cách để sàm sỡ, sờ mó những chỗ nhạy cảm trên người chị V. và còn yêu cầu chị V. phải giúp cho ông ta thỏa mãn những việc ông ta muốn… Dĩ nhiên chị V. không đồng ý và ra sức chống đối, sau đó dù người con gái biết chuyện khuyên nhủ nhưng ông này vẫn tiếp diễn hành động quá đáng của mình.
Có lần chị đã phải cầm dao dọa sẽ tự sát khi bị ông này buộc phải đáp ứng yêu cầu quái gở của mình. Và chỉ khi người vợ biết được sự việc thì ông này mới gần như dừng lại. Tuy nhiên, cũng từ đây, ông lão bắt đầu hằn học, quát nạt, chửi bới mỗi khi không vừa ý chuyện gì đó…
Bất cứ thành viên nào trong gia đình ở nơi khác đến nhà, tôi cũng đều phải phục vụ chu tất. Chỉ cần có bất cứ thiếu sót gì là tôi sẽ bị chửi rủa, đánh đập. Nhiều lần mấy chị em gái - con của vợ chồng chủ nhà đã cố ý kiếm chuyện rồi đánh đập, hành hạ tôi rất tàn nhẫn… Lời tôi kể ở đây cũng không thể lột tả hết được nỗi đau mà tôi phải chịu nơi xứ người", chị V. nghẹn ngào kể lại.
Tuy nhiên, "nạn khổ" vẫn chưa dừng lại khi chị V. bị hai người cháu trai chỉ mới 14-17 tuổi của chủ nhà rắp tâm hãm hiếp nhiều lần.
Nhưng điều may mắn với chị V. là do hiểu biết về công nghệ và chị vẫn tìm mọi cách để giữ lại được chiếc điện thoại di động nên sau rất nhiều lần liên lạc và kêu cứu trên mạng thì chị đã kết nối được với người mẹ nuôi ở Úc. Sau khi tìm hiểu và biết được những gì đang xảy ra với con nuôi của mình, người này đã tìm cách giúp đỡ chị V. thoát khỏi "địa ngục".
Xem thêm: Hậu trường Lệ Rơi diễn xuất trong vườn ổi
Ngay bản thân chị V. cũng liên lạc với mẹ ruột của mình ở Việt Nam để bà viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng trong và ngoài nước khẩn thiết nhờ giải cứu con mình.
Cảnh ngộ tương tự như của chị V là không hiếm xảy ra đối với chị em phụ nữ khi đem mộng đổi đời sang đất nước có câu chuyện cổ tích “nghìn lẻ một đêm”.
Chị Hạnh (p13, Q8, TPHCM) cũng “Tưởng chừng không có ngày về!” vì quyết định đi làm ôsin tại Ả Rập.
Có bốn đứa con hiện đang ăn học, trong khi chồng chạy xe ôm thu nhập bấp bênh nên chị Hạnh có ý định tìm công việc phù hợp là giúp việc nhà, để kiếm thêm tiền trang trải. Đầu tháng 2/2014, chị Hạnh tình cờ đọc mẩu quảng cáo đăng “Tuyển lao động đi giúp việc gia đình tại Ả Rập - Xê Út không tốn phí xuất cảnh”. Thấy điều kiện tuyển chọn không khắt khe, mức thu nhập tương đối (khoảng 7 triệu đồng/tháng), chị tức tốc liên hệ với người một người môi giới cho 2 công ty xuất khẩu lao đông ở ngoài Bắc lẫn trong Nam.
Ngày 24/3/2014, chị Hạnh được công ty đưa lên máy bay sang xứ người.
Kết thúc hành trình bay, chị được dẫn đến một ngôi nhà giống như trai giam, tại đây chị được nghe những lao động nữ khác kể về cuộc sống của họ nơi xứ người: Người thì kể bị chủ hãm hiếp, người lại suốt ngày bị đánh đập, lại có người bị chủ bỏ đói đến suy nhược…
Với chị Hạnh, khoảng thời gian đi xuất khẩu lao động ở Arập Xê út giống như 1 cơn ác mộng.
Sau đó chị Hạnh được một người đàn ông đến đón. Gần nửa giờ ngồi ôtô, người đàn ông này đưa chị đến một trạm xe buýt xung quanh dân cư thưa thớt, để đi tiếp đến nhà chủ. Trong lúc chờ đợi, gã này còn giở trò sàm sỡ.
Vợ chồng gia chủ ở tuổi trung niên, có 5 đứa con và sống xa thành thị. Dù rất mệt nhưng vừa tới nơi chị Hạnh phải xắn tay ngay vào công việc, làm quần quật từ sáng sớm cho đến tận khuya (vì người dân nơi đây thường thức dậy lúc 9 sáng và đi ngủ khoảng 2 - 3 giờ khuya). Sau năm ngày vất vả liên tục, nhà cửa trở nên tươm tất. Đổi lại, chị Hạnh đã kiệt sức (do không ăn được thức ăn lại không có cơm và riêng chị mỗi ngày chỉ được dùng hai bữa sáng - chiều).
Sang ngày thứ sáu, căn bệnh tụt can xi, hen suyễn bắt đầu tái phát. Chị Hạnh ra dấu xin được ăn cơm thì chủ đưa cho ít gạo cùng hai quả trứng. Chị Hạnh nấu cháo ăn cầm chừng và xin đi chữa bệnh, nhưng gia chủ từ chối. Tới khi thấy chị nằm mê man họ mới ra dấu bảo xếp quần áo bỏ vào vali, trả lại điện thoại và cho 200 SAR (1 SAR tương đương 5.600 VNĐ).
Tưởng được quay về cố hương, chị Hạnh mừng như vừa chết đi sống lại. Chị quỳ xuống tạ ơn nhưng sau đó mới biết ông chủ chỉ đưa đến phòng môi giới (nơi tá túc của những người lao động phổ thông nước ngoài) để nơi đây chữa bệnh. Sau một tuần điều trị, sức khỏe chị Hạnh đỡ hơn nhưng hai căn bệnh vẫn luôn hành hạ vì thiếu dinh dưỡng. Trong túi có 200 SAR, chị nhờ người mua car điện thoại gọi cho người môi giới cầu xin họ lo thủ tục về nước. Hai người này nói muốn vậy phải kêu gia đình đóng khoản phí 2.800USD. Chị Hạnh nài nỉ xin được nộp 2.000USD nhưng họ không đồng ý. Nghe mẹ cầu cứu, con gái lớn của chị là Ái Linh tháo hết nữ trang đem bán nhưng chẳng được bao nhiêu, chạy vạy mượn thêm người thân cũng không đủ. Gần một tháng trời chồng con chị Hạnh như ngồi trên đống lửa. Biết gia đình bất lực, chị tuyệt vọng chờ ngày “nhắm mắt xuôi tay”.
Đầu tháng 5/2014, tình cờ thấy một người đồng hương cùng tá túc ở phòng môi giới đang xách hành lý về nước, chị Hạnh hỏi thăm họ nói chỉ đóng phí cho công ty có 25 triệu đồng. Hy vọng nhen nhóm, chị điện thoại hỏi ông Lợi, bà Hương và dọa sẽ tự vẫn nếu không nhận 25 triệu đồng làm thủ tục. Có lẽ vì sợ tai tiếng hay đã bị lật tẩy, cuối cùng họ cũng đồng ý. Sau khi Ái Linh nộp đủ tiền, tối 11/5 chị Hạnh về đến đất mẹ. Gia đình đoàn tụ trong nước mắt đầm đìa.
Không khuyến khích, vẫn đi!
Theo báo Phụ nữ Online, có một thực tế, trước khi sang Ả rập Xê út, người giúp viêc gia đình thường được cam kết làm việc tám giờ/ngày, đảm bảo quyền nghỉ phép, nghỉ ốm, tăng lương ngoài giờ làm việc… tương tự luật lao động ở Việt Nam, nhưng chính tại quốc gia này, giúp việc gia đình là loại hình vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh. Ngoài ra, lao động nước ngoài sẽ không được phép rời khỏi Ả rập Xê út nếu như không có sự đồng ý của chủ sử dụng lao động.
So với lao động xuất khẩu sang các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc… người giúp việc gia đình tại Ảrập Xê út nhận mức lương không cao, khoảng 1.100 - 1.200 Riyals (SR), tương đương 6 - 7 triệu đồng. Bên cạnh mức lương thấp, ông Đoàn Kiến Trung - Phó phòng Quản lý lao động Cục QLLĐNN thừa nhận, xử sự của người Ảrập Xê út với lao động giúp việc gia đình không được tốt. Nhiều trường hợp, chủ nhà đồng ý trả mức lương 1.200 SR nhưng người lao động (NLĐ) chỉ nhận được khoảng 900 SR. Thậm chí, một số lao động giúp việc tại đây còn bị bạo hành, lạm dụng tình dục…
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cho rằng, giúp việc gia đình trong các gia đình đạo Hồi không đơn giản. Bởi, phong tục tập quán của đạo Hồi không giống với châu Á, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt, khắt khe. “Hầu như giờ giấc làm việc tại đây không có. Ở các gia đình hay tổ chức tiệc tùng và có cháu nhỏ, người giúp việc thường phải thức phục vụ, làm việc rất khuya… Đặc biệt, người giúp việc gia đình Việt Nam không thành thạo ngôn ngữ nên dẫn tới quá trình làm việc gặp nhiều bất cập”, ông Tân phân tích.
Điều đáng nói, khi rủi ro xảy ra đối với người giúp việc gia đình tại Ảrập Xê út thì việc xử lý rất phức tạp. Ông Đoàn Kiến Trung, cho hay, trong trường hợp chủ nhà giấu NLĐ, cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam rất khó để liên lạc. Chủ lao động sẵn sàng đưa lao động sang địa điểm khác ngoài đăng ký. Theo quy định của quốc gia này, một người đàn ông có thể cưới nhiều vợ nên không thể xác định được người giúp việc Việt Nam đang làm việc tại nhà của người vợ nào. Ngoài ra, thủ tục xin visa cho doanh nghiệp khi có sự cố sẽ mất nhiều thời gian nên người lao động có thể bị kẹt lại thời gian dài.
Với một thị trường lao động tiềm ẩn nhiều rủi ro, Cục QLLĐNN cũng như Hiệp hội XKLĐ không hề khuyến khích NLĐ sang làm giúp việc gia đình, nhưng con số này vẫn không thuyên giảm. Ông Đoàn Kiến Trung cho biết thêm, hiện nay Philippines, Sri Lanka, Indonesia… đã ngừng cấp lao động giúp việc cho Ảrập Xê út.
An Nhiên (Tổng hợp)