Diễn ra chỉ cách giàn khoan TQ hạ đặt trái phép trên biển 150 hải lý, hội thảo về Hoàng Sa - Trường Sa do hai trường đại học lớn ở miền Trung tổ chức kỳ vọng tìm câu trả lời về ý đồ, hành vi của TQ.
Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” khai mạc hôm nay (20/6) tại Đà Nẵng, do ĐH Đà Nẵng và ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) tổ chức, tiếp nối hội thảo “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Các khía cạnh lịch sử và pháp lý” được tổ chức vào tháng 4/2013 tại Quảng Ngãi.
Quang cảnh buổi hội thảo
Với sự tham dự của gần 100 đại biểu gồm các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế từ Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Philippines... và Việt Nam, hội thảo tập trung vào các vấn đề gồm: Giới thiệu về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; thực tế tranh chấp của hai quần đảo, tác động đối với hòa bình và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kết hợp nêu sự kiện 19/1/1974 và 14/3/1988; việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ góc độ luật quốc tế; và triển vọng, giải pháp giải quyết tranh chấp đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phát biểu tại phiên khai mạc, GS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng ĐH Phạm Văn Đồng tóm tắt tình hình TQ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, cùng với một đội ngũ đông đảo các tàu quân sự và dân sự bảo vệ, liên tiếp có những hành động khiêu khích như phun vòi rồng, đâm va... với các tàu thực thi pháp luật của VN.
"Chúng ta đang ngồi đây chỉ cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 150 hải lý, nơi TQ đang tiến hành các hành động phi pháp, đe dọa an ninh, tự do, an toàn hàng hải tại Biển Đông", ông nói. "Tôi mong các quy vị thảo luận, đánh giá và làm rõ ý đồ và hành vi của TQ, hệ lụy của các hành vi trái pháp luật đó đối với khu vực Biển Đông, cùng với các tiếng nói chung lên án các hành động xâm lấn của TQ, bảo vệ chính nghĩa và công lý".
Trong một ngày của hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận hai phiên. Phiên thứ nhất với chủ đề “Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực” do PGS,TS. Trần Văn Nam, GS. Carl Thayer và TS.
Nguyễn Hùng Sơn chủ trì.Phiên này gồm 2 phần, “Khía cạnh chính trị, quân sự trong tranh chấp ở Biển Đông” và “Hướng tới một khu vực hòa bình, an ninh” với 10 tham luận của các diễn giả Carl Thayer, Lưu Anh Rô, Daniel Schaeffer, Renato De Castro, Patrick Cronin, Jerome Cohen, Subhash Kapila, Gregory Poling, Julie Nguyễn và Gerhard Will.
Phiên hai với chủ đề “Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế” do PGS.TS Phạm Đăng Phước, GS. Erik Franckx, TS. Vũ Hải Đăng chủ trì, gồm hai phần “Các bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” và “Giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế”.
10 tham luận trong phiên này đến từ các diễn giả Trần Đức Anh Sơn, Konapalli Raja Reddy, Dmitry Valentinovich Mosyakov, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Nhã, Bùi Văn Tiếng, Andre Meras Hồ Cương Quyết, Leszek Buszynski, Hoàng Việt và Jean-Pierre Ferrier.
Ngày 21/6, các đại biểu sẽ tham dự tọa đàm về sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cùng ngày, triển lãm với chủ đề “Hoàng Sa- Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” sẽ khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng, trưng bày các tư liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố, là những bằng chứng lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ nay.