Đang cho chỉ đạo cẩu xe vi phạm, một công an khu vực lại gần và nói với ông Đoàn Ngọc Hải: "UBND TP có chỉ đạo xuống, khi chủ phương tiện có mặt, mình không được quyền cẩu xe vi phạm", sau đó tháo niêm phong, lập biên bản xử lý hành chính tại chỗ.
[mecloud]MXd5pvn9yh[/mecloud]
Theo thông tin trên Tri thức trực tuyến, VnEpress, chiều tối 22/3, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1, tiếp tục dẫn đầu đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn quận 1.
Lực lượng chức năng gỡ niêm phong sau khi chủ xe có mặt, xuất trình đầy đủ giấy tờ. Ảnh: Lê Trai/TTTT |
Đến đường Hải Triều, phường Bến Nghé (tuyến đường cho phép dừng xe không quá 5 phút). Phát hiện nhiều ô tô dừng dưới lòng đường quá thời gian quy định, lực lượng chức năng đã niêm phong, chuẩn bị cẩu xe về trụ sở.
Lúc này, chủ ô tô xuất hiện và trao đổi với lực lượng chức năng về phương hướng xử phạt hợp tình hợp lý.
Đại uý Nguyễn Hồng Kinh - Công an khu vực tại phường Bến Nghé, tiến lại gần ông Hải và nói: "UBND TP có chỉ đạo xuống, khi chủ phương tiện có mặt, mình không được quyền cẩu xe vi phạm".
Hội ý với một cảnh sát giao thông, ông Hải sau đó đã chỉ đạo lực lượng chức năng tháo niêm phong, lập biên bản xử lý hành chính tại chỗ chủ phương tiện và không cẩu xe.
Được biết, đây là trường hợp đầu tiên ông Đoàn Ngọc Hải, chỉ đạo gỡ niêm phong ô tô vi phạm khi chủ xe có mặt. Những ngày trước, việc lực lượng chức năng tiến hành cẩu ô tô vi phạm đậu trên lòng đường, vỉa hè dù chủ xe đã xuất trình giấy tờ và chập nhận nộp phạt đã gây nhiều tranh cãi.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên vận dụng pháp luật một cách cứng nhắc.
Về việc này, trên Tuổi trẻ dẫn lời luật sư Võ Xuân Trung - Đoàn luật sư TP.HCM, việc tạm giữ ô tô vi phạm lấn chiếm lòng lề đường là một trong các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm chỉ được thực hiện trong các trường hợp thật cần thiết, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì thế khi phát hiện xe vi phạm, đậu lấn chiếm lòng lề đường mà không thấy chủ hay người điều khiển phương tiện xuất hiện thì cơ quan chức năng có quyền áp dụng ngay biện pháp tạm giữ xe (cẩu xe đưa về nơi tạm giữ để chờ xử lý). Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trên là đúng quy định.
Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể, nếu người vi phạm không có mặt hoặc cố tình lánh mặt khi lực lượng chức năng kiểm tra thì việc cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, cẩu xe vi phạm đi là phù hợp.
Trong trường hợp nếu người vi phạm đã kịp thời có mặt tại hiện trường, có thái độ hợp tác, chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ trong việc xuất trình giấy tờ xe, ký biên bản vi phạm hành chính thì lực lượng chức năng cũng không nên quá cứng nhắc trong việc cẩu xe, tạm giữ xe vi phạm.
Theo điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính: “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật". Vì vậy, cơ quan chức năng cần giải quyết linh động để đảm bảo đúng nguyên tắc.
Đức Hòa (tổng hợp)