Những gì xuất hiện trên phim ảnh đều không thể truyền tải hết những xúc cảm mà đạo diễn "Titanic" James Cameron cảm nhận được khi tàu ngầm của ông chạm được vào xác con tàu.
2:20 phút sáng ngày 15/4/1912, con tàu Titanic "không thể chìm" cùng với 1.500 hành khách của nó vĩnh viễn nằm yên trong lòng đại dương hoang lạnh ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương....
Đối với đạo diễn James Cameron, khi tận mắt chứng kiến khung cảnh kỳ vĩ của con tàu dưới độ sâu 4.000m đáy đại dương đã khiến ông có được những xúc cảm mà chính bộ phim "Titanic" huyền thoại không thể truyền đạt.
Những dòng nhật ký hành trình khám phá xác tàu Titanic trước khi ông bấm máy quay bộ phim sẽ giúp ta cảm nhận xúc cảm ấy.
Các phóng viên chụp lại cảnh một con tàu đang kéo Titanic ra khỏi Southampton. 5 ngày sau, con tàu huyền thoại này đã nằm lại dưới đáy Đại Tây Dương. Nhà thám hiểm Robert Ballard nhận định: "Đây là một trong những câu chuyện sẽ luôn được kể lại".
Con tàu huyền thoại dưới đáy biển sâu
Đã 5 tiếng đồng hồ trôi qua kể từ khi robot Gilligan của tôi rời khỏi gara của chiếc tàu ngầm Mir 1 và biến mất bên trong xác con tàu huyền thoại.
Chiếc tàu ngầm của chúng tôi đang đỗ trên boong một trong những con tàu đắm nổi tiếng nhất trong lịch sử, bao quanh bởi bóng tối vĩnh cửu và một áp suất nước khổng lồ khoảng 2,3 tấn/inch2, ở độ sâu 4.000m dưới đáy Đại Tây Dương.
Ngồi an toàn bên trong Mir, tôi điều khiến chiếc ROV (Remotely Operated Vehicle - phương tiện điều khiển từ xa) vào bên trong nội thất của con tàu. Con robot đã thâm nhập vào boong F với một sợi cáp quang để giúp nó có thể quay trở lại.
Mặc dù hiện giờ con robot bé nhỏ đang ở dưới tôi 7 boong tàu, tôi cảm thấy như thể ý thức của mình đang nằm bên trong nó. Những chiếc camera của nó chính là đôi mắt của tôi, đang nhìn chằm chằm xuống hành lang của con tàu. Mạch của tôi rung lên mỗi khi nó gặp phải một mối nguy hiểm.
Rẽ vào một góc, tôi gần như thoát khỏi cảm giác bị trói buộc bởi một khối nhũ "rusticle", một trong những khối hình nhũ được tạo ra bởi loại vi khuẩn đang dần dần nuốt chửng lớp thép của con tàu.
Khi đi qua một lối vào, đột nhiên tôi phát hiện ra trong ánh đèn phản chiếu lấp lánh một bức tường được lợp bằng gạch màu xanh da trời và xanh lá cây. Những chiếc ghế dài bằng gỗ tếch đang nằm lơ lửng trên sàn nhà, và vẫn được bảo quản tốt đến kinh ngạc. Ở bên trên là một mái vòm được phủ vàng lá theo phong cách Ả Rập. Tôi đang bước vào một spa trang nhã trên con tàu sang trọng nhất thời đó.
"Nói với họ chúng ta đang ở trong nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ", tôi nói với Mike Arbuthnot, nhà khảo cổ đại dương đang ngồi bên cạnh. Anh ta lấy micro và chuyển tin nhắn lên trên mặt nước.
Một mỏ neo nặng 15 tấn treo ở một bên của con tàu. Các neo bên trái đã được sử dụng cho các điểm dừng ở Cherbourg (Pháp), và Queenstown (Ireland), nhưng cái này chưa bao giờ được sử dụng. Một phần của nó đang nằm dưới lớp trầm tích dưới đáy biển.
Cuộc khảo sát nội thất bên trong con tàu đắm huyền thoại đã được chúng tôi thực hiện từ năm 1995 khi tôi cần tư liệu cho bộ phim của mình - Titanic. Thời điểm đó, chúng tôi sử dụng một chiếc ROV nặng nề là Snoop Dog, lớn hơn một chút so với một cái giá đỡ máy quay, nhưng chúng tôi đã điều khiển nó xuống tới hành lang lớn của tàu, đến tận boong D. Đèn chiếu sáng của nó cho thấy phần lớn các tấm ván bằng gỗ được trang trí công phu vẫn còn nguyên vẹn.
Khi đó, Snoop đã đi đến cuối dây buộc nên không thể đi xa hơn, nhưng tôi không thể ngừng thắc mắc về những gì nằm phía sau ánh đèn của nó.
Sau khi bộ phim Titanic được phát hành, tôi đã cho chế tạo 2 phương tiện robot hiện đại để chúng tôi có thể quay lại và thực sự khám phá nội thất bên trong con tàu.
Trong năm 2001 và 2005, tôi đã thực hiện nhiều chuyến lặn xuống xác con tàu Titanic và điều khiển những con robot lặn sâu vào bên trong để khám phá nội thất. Cuối cùng, chúng tôi đã chụp ảnh và ghi lại được 65% không gian nội thất còn sót lại của Titanic, bao gồm những cabin, phòng khách và phòng ăn ở khoang hạng nhất, buồng lái và không gian mở, kho chứa hàng và phòng Marconi (phòng điện tín không dây).
Những khám phá bất ngờ
Ánh sáng từ một chiếc tàu ngầm xuyên qua sự tàn phá của boong dạo mát ở khoang hạng nhất trên con tàu Titanic. Trước khi Titanic bị đắm, các cửa sổ đã được mở ra, có thể để hạ thủy những con thuyền cứu sinh. Triệu phú John Jacob Astor IV đã đưa người vợ 18 tuổi của mình vào thuyền cứu hộ số 4 thông qua một cửa sổ ở bên kia của con tàu. Ông đã ở lại và chết.
Những khám phá không thể tin được liên tiếp xuất hiện. Trong những phòng ăn và phòng khách ở khoang hạng nhất, chúng tôi thấy những cửa sổ với chiều cao lớn vẫn còn nguyên vẹn. Những họa tiết được chạm khắc thủ công bằng gỗ gụ trên tường và các cột vẫn còn, một số vẫn có thể nhìn thấy được màu sơn trắng ban đầu.
Vẫn còn đó những chùm đèn bằng Pha lê, và trong những phòng ngủ ở khoang hạng nhất, những chiếc giường bằng đồng thau vẫn được bảo quản nguyên vẹn.
Những lưới sắt có lỗ bao quanh các buồng thang máy. Khi lần đầu nhìn thấy nút bấm bằng đồng thau trên đó, tôi cảm thấy như thể nếu tôi có thể chạm vào nó, một chiếc "thang máy ma" có thể vẫn còn hoạt động.
Titanic đã bị đắm ngay trong chuyến hải trình đầu tiên của mình trước khi nội thất bên trong được chụp ảnh, bởi vậy hầu hết các hình ảnh được sử dụng làm tư liệu tham khảo cho bộ phim là hình ảnh của con tàu "chị em" của nó - Olympic.
Boong dạo mát ở khoang hạng nhất trên tàu RMS Olympic, con tàu "chị em" với Titanic.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết được cách mà Titanic được xây dựng, và những họa tiết trang trí đã được tái hiện lại một cách chi tiết từ các video của robot. Bây giờ tôi đã biết được những chi tiết mà bộ phim đã phản ánh chính xác, và cả những chi tiết không chính xác.
Những di vật đầy ám ảnh và trải nghiệm "thoát xác" của đạo diễn James Cameron
Những di vật đầy ám ảnh
Trong tất cả những thông tin mà chúng tôi khám phá được, thứ ám ảnh nhất là những di vật gợi nhớ đến sự hiện diện của những hành khách xấu số. Trong cabin của Henry Harper trên boong D, chiếc mũ của ông vẫn còn trong tàn tích của tủ quần áo.
Một cần trục còn sót lại trên boong dạo mát. Hai cần trục nhỏ, mỗi cái ở một đầu, được dùng để hạ thủy một chiếc thuyền cứu sinh xuống biển. Chính thứ này đã giúp hạ thủy chiếc xuồng cứu hộ C, nơi J. Bruce Ismay - chủ tịch của công ty sở hữu Titanic - ngồi và an toàn sống sót.
Hai chiếc cần trục dùng để treo hai con thuyền cứu hộ trên tàu Olympic.
Trong cabin của Edith Russell trên boong A, chiếc gương vẫn lóe lên ở chiếc bồn rửa mặt, phản chiếu lại ánh sáng từ robot thay vì gương mặt sợ hãi của Edith khi cô chạy vào phòng để lấy con lợn đồ chơi may mắn của mình trước khi lên tàu cứu hộ.
Trong một căn phòng khác, thật khó tin, một bình rượu và ly thủy tinh vẫn còn trên bồn rửa. Nếu chiếc bình rỗng, có lẽ nó đã trôi ra khỏi chiếc bồn khi căn phòng bị ngập và bị nhấn chìm. Tuy nhiên, ai đó đã uống một ly rượu và để lại một nửa, và ngày hôm nay, nó vẫn còn ở đó.
Trong căn phòng Marconi cách âm, những thiết bị không dây và cầu dao vẫn còn ở đó. Khi nước tràn vào boong, hệ thống điện trên tàu đã bị ngắt bởi những cầu dao này.
Gạch men được đóng khung bằng gỗ tếch trong một spa ở khoang hạng nhất. "Đây là lần đầu tiên trong vòng 100 năm, chúng ta mới được chiêm ngưỡng những gì hành khách đã trải qua năm 1912", Ken Marschall, người đã tái hiện những hình ảnh cho nội thất của con tàu bằng cách ghép nhiều khung hình từ nhiều video khác nhau.
Chúng tôi thậm chí còn ghi lại được chiếc máy biến áp mà 2 sĩ quan điện tín trẻ tuổi - Harold Bride và Jonathan Phillips, đã sửa chữa ngay trong đêm trước khi con tàu bị đắm. Bất chấp tình hình rối loạn lúc đó, họ đã cố gắng khôi phục lại toàn bộ năng lượng trên tàu - một hành động đã cứu sống 712 người, bởi nếu không có năng lượng này, họ đã không thể phát tín hiệu SOS lịch sử để rồi sau đó được giải cứu bởi con tàu Carpathia. Chụp được những hình ảnh này giống như bạn đang chạm tay vào lịch sử.
Năm 2001, tôi đã muốn vào căn phòng trên boong C của Ida và Isidor Straus, cặp vợ chồng già nổi tiếng đã chọn chết cùng nhau chứ không muốn bị chia cắt bởi quy tắc sơ tán "ưu tiên phụ nữ và trẻ em".
Căn phòng của họ được trang trí trang nhã nhất trên tàu, và trên thực tế là nguyên mẫu để thiết kế nên căn phòng của Rose, nơi mà Jack Dawson đã vẽ chân dung người tình của mình, trong bộ phim hư cấu của tôi.
Tôi đã điều khiển robot Jake tới phòng tài vụ, khám phá ra cái tủ sắt trong đó, nhưng tôi không thể chui qua đó để đến phòng của Straus ở bên kia. Năm 2005, quyết tâm tìm bằng được cách, tôi đã dùng robot Gilligan nhỏ hơn luồn qua một khe hẹp, gạt bỏ những khối nhũ "rusticle" và thoát ra ở một khoảng trống.
Ánh sáng từ con robot phát hiện ra một thứ gì đó lấp lánh ánh vàng. Một chiếc lò sưởi bằng gỗ gụ được trang trí công phu vẫn còn nguyên vẹn. Ở trên đó là một chiếc đồng hồ mạ vàng, giống như chiếc xuất hiện trong bức ảnh lưu niệm, và cũng giống như chiếc mà chúng tôi đã tái hiện lại trong bộ phim. Đó là một khoảnh khắc khó tả khi hư cấu và thực tế sáp nhập làm một dưới đáy biển tối tăm.
Trải nghiệm "thoát xác"
Sau 33 lần lặn xuống xác con tàu Titanic, trung bình 14 tiếng mỗi lần, tôi đã dành nhiều thời gian trên con tàu huyền thoại này còn hơn cả thuyền trưởng Smith. Trong tất cả các chuyến khám phá đó, cảm xúc mãnh liệt nhất của tôi là cảm giác "thoát xác", giống như một "bóng ma" đang đi bộ qua những hành lang và cầu thang của Titanic thông qua chiếc avatar ROV.
Cơ sở vật chất hạng nhất trên con tàu Olymic lộng lẫy theo phong cách Ả Rập. Đây là lý do tại sao nó được gọi là spa Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự tàn phá kiểu gô-tích bây giờ tồn tại trong một thế giới ma quái, không phải trong thế giới của chúng ta nhưng cũng không hoàn toàn thoát khỏi nó. Những mảnh vụn đã biến vẻ trang nhã thời Edward thành một hang động ảo mộng, một thế giới ngầm hư hư thực thực, chỉ tồn tại trong những giấc mơ.
Tuy nhiên, bất chấp sự xa lạ của nơi này, tôi cảm thấy một trải nghiệm "déjà vu" (ký ức ảo giác) khi khám phá ở đó. Mỗi khi rẽ vào một góc của con tàu, tôi có thể biết trước được cái gì sẽ xuất hiện ở đó trước khi ánh đèn của robot rọi tới. Đó là một cảm giác kỳ lạ nhưng cũng rất dễ chịu như thể tôi đang ở đâu đó trong nhà mình.
Chiếc đồng hồ vàng vẫn còn nguyên vẹn trên một lò sưởi bằng điện trong một căn phòng trang nhã của Straus, chủ một cửa hàng bách hóa Macy. Ông và vợ của mình Ida, đã chết cùng nhau sau khi bà từ chối lên thuyền cứu hộ mà không có chồng mình. Xác của ông được tìm thấy trong bộ áo khoác lông màu xám với chiếc ủng màu nâu và tất lụa màu đen.
Một căn phòng sang trọng trên tàu Olympic, con tàu "chị em" với Titanic.
Nguồn: National Geographic