Thị trường tăng mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch, tuy nhiên sang đến phiên chiều hàng loạt cổ phiếu vốn hoá vừa đã khiến VN-Index đóng cửa chỉ còn tăng hơn 2 điểm, thanh khoản đi xuống.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/1, VN-Index tăng 2,77 điểm, tương ứng 0,26% lên 1.054,21 điểm với 149 mã tăng, 234 mã giảm và 72 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,98 điểm, tương ứng 0,47% về 209,67 điểm với 69 mã tăng, 76 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,02 điểm, tương ứng 0,03% về 72,73 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức tăng cao nhất 3,74 điểm với 16 mã tăng và 10 mã giảm.
Thanh khoản có sự giảm mạnh so với các phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh toàn sàn đạt 9.604 tỷ đồng, giảm 30% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 8.518 tỷ đồng, giảm 28,6%. Nhóm VN30 được sang tay 3.782 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn xu hướng hồi phục
Chứng khoán TVSI: VN-Index tiếp diễn đóng cửa với cây nến Doji cho thấy sự cân bằng giữa hai phe mua và bán trên thị trường vẫn đang duy trì. Việc thanh khoản thị trường suy giảm trở lại cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang chờ cơ hội bên ngoài.
Nhìn chung, VN-Index trong ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn xu hướng hồi phục và đang gặp khó khăn tại vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.070 điểm. Nhóm ngành hỗ trợ lớn nhất cho chỉ số vẫn giữ vững tại vùng giá trị hiện tại vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng và đà tăng vẫn thiếu sự lan tỏa.
Trong các phiên giao dịch kế tiếp, TVSI dự báo xu hướng đi ngang như hiện tại vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và kỳ vọng VN-Index có thể vượt vùng kháng cự vào cuối tuần.
Chỉ số có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ tại vùng 1.030
Chứng khoán Agrisseco: Mở đầu tuần giao dịch, thị trường giữ xu hướng đi ngang với thanh khoản thấp (hơn 8.000 tỷ đồng). Trên đồ thị ngày, VN-Index xuất hiện cây nến Doji màu đỏ thứ hai liên tiếp, cho thấy tâm lý đang trong trạng thái giằng co và thận trọng.
Nhà đầu tư nên chú ý việc Fed sẽ công bố chỉ số CPI vào 12/1, tin tức này sẽ ảnh hưởng tới xu hướng thị trường trong ngắn hạn.
Agriseco Research nhận định chỉ số sẽ cần kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh mốc MA20, vùng 1.030 điểm để thu hút lực cầu tốt hơn. Đây sẽ là vùng giải ngân tăng tỉ trọng tiềm năng cho nhà đầu tư.
Nhóm cổ phiếu được ưu tiên thuộc về các doanh nghiệp được dự báo có kết quả kinh doanh quý IV/2022 tăng trưởng tốt như: hàng không, thực phẩm đồ uống, ngân hàng quốc doanh, công nghệ và năng lượng.
Chỉ số tiếp tục giao động trong vùng 1.035-1.070 điểm
Chứng khoán BOS: Thị trường dù đóng cửa trong sắc xanh nhưng giao dịch khá ảm đảm khi thanh khoản suy giảm mạnh. Nhóm ngân hàng tạo lực đỡ chính, giúp chỉ số thoát khỏi sắc đỏ vào những phút cuối phiên.
Về kỹ thuật, VN-Index đóng cửa với cây nến có bóng trên và bóng dưới gần ngang bằng nhau thể hiện sự giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán trong phiên. Thanh khoản suy giảm về mức dưới trung bình 20 ngày cho thấy dòng tiền vẫn đang đứng ngoài thị trường, khiến thị trường thiếu động lực tăng.
Dự báo trong tuần này, chỉ số tiếp tục giao động trong vùng 1.035-1.070 điểm. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp, có thể hạ tỉ trọng cổ phiếu ở vùng kháng cự trên.
Thanh khoản ở mức thấp có thể là tín hiệu tích cực
Chứng khoán MBS: Thị trường đi vào phân hóa sau một tuần tăng mạnh, do vậy việc thanh khoản ở mức thấp có thể là tín hiệu tích cực lúc này. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang đóng vai trò là lực kéo chính giúp chỉ số giữ vừng đà tăng.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có 3 phiên đi ngang và được neo giữ bởi nhóm bluechips, trong đó nổi bật là nhóm ngân hàng.
Thị trường đi vào phân hóa chủ yếu tập trung ở nhóm midcap và smallcap, cả 2 nhóm này đã điều chỉnh giảm sang phiên thứ 2 liên tiếp. Do vậy, nhà đầu tư nên tập trung ở nhóm bluehips khi báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 được công bố nhiều hơn trong tuần này.
Trong kịch bản chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 1.064 điểm, thanh khoản thị trường sẽ tăng trở lại, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu.