Tin mới

Lào Cai đề xuất xây sân bay Sa Pa gần 6.000 tỷ đồng

Thứ ba, 07/08/2018, 08:37 (GMT+7)

UBND tỉnh Lào Cai vừa đề xuất xây dựng sân bay dân dụng kết hợp quân sự tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, với tổng vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng, chưa bao gồm phí xây lắp trang thiết bị của quốc phòng.

UBND tỉnh Lào Cai vừa đề xuất xây dựng sân bay dân dụng kết hợp quân sự tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, với tổng vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng, chưa bao gồm phí xây lắp trang thiết bị của quốc phòng.

Liên quan đến dự án trên, ông Võ Huy Cường Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu cẩn trọng để đánh giá sự cần thiết và tính hiệu quả của dự án, theo VTCnews.

Theo ông Cường, nguyện vọng xây dựng cảng hàng không, sân bay là chính đáng vì tỉnh nào cũng mong muốn nhưng cơ hội, khả năng thực tiễn phát huy được hiệu quả phải đánh giá cẩn trọng. Do đó, cơ quan chức năng phải nghiên cứu cụ thể tiềm năng, đánh giá một cách khả thi để quyết định đầu tư, bất kể nguồn lực đầu tư là ngân sách Nhà nước hay xã hội hóa.

Nhà ga cảng hàng không (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia giao thông, để thuyết phục đầu tư, xây dựng cảng hàng không, Nhà nước hay nhà đầu tư sẽ phải giải đáp được hàng loạt câu hỏi như dự kiến khai thác nguồn khách ở đâu, khả năng tăng trưởng khách cũng như phát triển kinh tế địa phương ra sao, kết nối với những địa phương nào, ảnh hưởng của các loại hình đường bộ, đường sắt?…

Dự kiến dự án trên được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2020 sẽ đầu tư 4.750 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) xây dựng sân bay công suất 560.000 hành khách và 600 tấn hàng mỗi năm với hai vị trí đỗ tàu bay, có thể khai thác các loại tàu A320, A321 và tương đương. Giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm 1.030 tỷ đồng nâng cấp để đạt công suất 1,5 triệu hành khách và 2.880 tấn hàng hóa mỗi năm.

UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất hai phương án đầu tư. Phương án 1 tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng toàn bộ cảng hàng không bằng vốn ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn xã hội hóa. Phương án 2 tỉnh là chủ đầu tư huy động vốn theo hình thức xã hội hóa.

Một số chuyên gia cho biết, xã hội hóa hạ tầng hàng không chỉ thực hiện được đối với các cảng hàng không, các nhà ga hành khách có tỷ suất sinh lời cao, còn các cảng hàng không địa phương thì khó có thể làm được bởi nhà đầu tư không nhìn thấy khả năng thu hồi vốn khi lượng khách ít, khả năng tăng trưởng hạn chế.

Theo một số chuyên gia hàng không, nguồn khách chính cho sân bay Lào Cai là khách du lịch từ miền Nam ra phía Bắc và khách từ Vân Nam, Côn Minh (Trung Quốc) đi tiếp vào nội địa Việt Nam. Lượng khách này không lớn và ổn định như khu vực Vân Đồn, Phan Thiết, Đồng Hới, Chu Lai… Do đó, việc đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Năm 2016, Cục Hàng không đã công bố quy hoạch sân bay Lào Cai đặt tại huyện Bảo Yên. Đây là cảng nội địa dùng chung giữa dân dụng và quân sự, có khả năng đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương.

Theo ông Cường, sắp tới, nước ta sẽ có thêm sân bay Vân Đồn và đây là minh chứng xem xét hiện hữu hiệu quả kinh tế dựa trên yếu tố nhà đầu tư có sự tìm hiểu, phân tích đánh giá thị trường, sự phát triển kinh tế địa phương, kết nối vùng miền trong và ngoài nước…

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news