Ông Phạm Tấn Lực – lão nông nhiều năm làm đơn tố nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công gian dối tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi kể vừa có người đến đề nghị ông đừng tố cáo nữa để dễ bề quyết toán công trình: “Họ nói tùy chú, có nghĩa là mình ưng số tiền bao nhiêu thì họ đưa bấy nhiêu nhưng tôi nhất quyết không chịu”.
Theo Tri thức trực tuyến, hơn 3 năm trước, ông Phạm Tấn Lực (nông dân xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm bảo vệ công trường thi công gói thầu A3 của dự án xây dựng cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Chứng kiến cảnh nhà thầu lấy đất phong hóa làm đường, ông Lực phản ánh với nhóm kỹ sư giám sát. Những ý kiến của ông bị gạt đi, bởi họ cho rằng thân phận "làm lính" thì chẳng thay đổi được gì. Không đành lòng nhìn tuyến đường hàng chục nghìn tỷ của quốc gia bị "rút ruột", lão nông này đã kiên trì điều tra, thu thập chứng cứ, gửi đơn tố cáo những sai phạm tới cơ quan chức năng.
Hằng ngày, ông Lực vẫn đến nhiều công trình của gói thầu A3 để giám sát |
Thời gian gần đây, những hư hỏng tuyến cao tốc này như ổ gà lỗ chỗ, cầu chui và hầm dân sinh thấm nước…"phát tác" cho thấy, tố cáo của ông Lực là có cơ sở. Điều này khiến những nhà thầu bị tố cáo vừa "cay" vừa sợ lão nông xứ Quảng này.
Trao đổi với Báo Thanh Niên ngày 22/10, ông Lực kể mấy hôm trước có người của nhà thầu đề nghị ông ngừng việc tố cáo.
“Mấy hôm trước, có một người đến nhà tự xưng là người của nhà thầu đề nghị tôi đừng tố cáo nữa để tạo thuận lợi trong việc quyết toán công trình. Họ nói tùy chú, có nghĩa là mình ưng số tiền bao nhiêu thì họ đưa bấy nhiêu nhưng tôi nhất quyết không chịu”. ông Lực cho biết.
Đây không phải là lần đầu có người xưng là nhà thầu đến tìm gặp ông. Hơn 3 năm trước, vài ngày sau khi gửi đơn tố cáo, hai thanh niên lạ mặt đến nhà ông Lực tra hỏi và cảnh cáo. “Họ bảo tôi không được đụng đến nhà thầu Giang Tô. Nếu nói gì nữa sẽ lãnh hậu quả thảm khốc. Sau khi ra về, chúng còn gọi điện hăm dọa coi chừng cắt đứt cổ”, ông Lực kể.
Những bức ảnh biết nói mà ông Lực chụp khi thi công gói thầu A3 |
Theo ông Lực, nhiều năm qua, ông đã gửi đơn tố cáo kèm theo hình ảnh chụp được trong quá trình thi công đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, Bộ GTVT và VEC… nhưng không được người có trách nhiệm xử lý.
“Hiện tôi vẫn còn lưu hóa đơn của bưu điện để chứng minh cho việc mình đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan hữu trách. Ngoài gửi đơn, tôi còn nhắn tin và điện thoại nhiều lần đến Giám đốc BQL Nguyễn Tiến Thành nhưng vụ việc vẫn không được xử lý. Các tin nhắn tôi vẫn còn lưu trong điện thoại”, ông Lực quả quyết.
Về phía Ban quản lý cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tiến Thành – Giám đốc Ban khẳng định, mới phụ trách dự án được 1 năm và chưa nhận được đơn thư của ông Lực.
Cao tốc 34.000 tỷ đồng mới đi vào hoạt động đã xảy ra tình trạng bong tróc, thấm dột… (Ảnh: Zing) |
"Khi nhận bàn giao tôi không nhận được thông tin về việc này. Tôi sẽ cho kiểm tra lại!", ông Thành nói với Báo Thanh Niên.
Ông Hoàng Việt Hưng – nguyên Giám đốc BQL thì cho rằng, không bàn giao đơn thư cho ông Thành vì các vụ việc liên quan đã được giải quyết xong từ tháng 9/2016. Khi đó, Ban Quản lý dự án đã từ chối hợp tác với Giám đốc thi công nhà thầu Giang Tô vì làm ăn gian dối. VEC và Bộ GTVT cũng yêu cầu giải trình, thanh kiểm tra, đưa ra kết luận một số sai phạm.
“Nội dung ông Lực nêu có chỗ chính xác, có chỗ không, nguyên do có sự tranh chấp giữa các mỏ đất và các đơn vị nhà thầu. Tôi cũng nghe thông tin ông Lực bị đe dọa nhưng không kiểm chứng được”, ông Hưng nói.
Trang Vũ (Tổng hợp)