Tin mới

Lập "phố nhạy cảm": Nhiều Đại biểu Quốc hội lên tiếng!

Thứ hai, 24/08/2015, 08:25 (GMT+7)

Trong khi đề xuất lập “phố nhạy cảm” đang gây tranh cãi gay gắt của dư luận thì các vị Đại biểu Quốc hội cũng có nhiều quan điểm trái chiều…

Trong khi đề xuất lập “phố nhạy cảm” đang gây tranh cãi gay gắt của dư luận thì các vị Đại biểu Quốc hội cũng có nhiều quan điểm trái chiều…

Những ngày vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến đề xuất của lãnh đạo Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) về việc tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” để quản lý tốt hơn. Báo điện tử Người Đưa Tin đã nhận được nhiều chia sẻ của các vị Đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề này.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội:

Không thể thực hiện kiểu tùy hứng

ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội)

Theo tôi, việc có gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vào một khu vực riêng để quản lý hay không thì điều quan trọng là vẫn phải đảm bảo quyền công dân. Mọi chế định quy định đều đã được Hiến pháp và pháp luật nêu rõ, nếu ta cứ thực hiện theo kiểu tùy hứng thì không thể được.

Nếu ta tập trung gom các cơ sở đó lại thì sẽ kéo theo nhiều bài toán khó như mặt bằng, kết cấu quy hoạch chung. Phải lưu ý rằng, dù mới chỉ ở dạng đề xuất nhưng cơ quan trực tiếp là Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội cùng với các cơ quan hữu quan cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi áp dụng vào thực tế.

Làm sao cho các quy định của pháp luật được thực hiện một cách nghiêm túc, vừa để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp kinh doanh. Nếu quản lý theo kiểu ép buộc người ta thì cũng không nên.

Việc các cơ quan như Hội Phụ nữ, Quỹ xã hội nào đó nên có phương án chắt lọc, tiếp cận các đối tượng gái bán dâm để có phương án hỗ trợ đào tạo nghề lương thiện cho họ có cuộc sống và mức thu nhập ổn định thông qua hoạt động hỗ trợ về vốn sản xuất, kinh doanh hiện nay là rất cần thiết.

ĐBQH, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Ủy viên ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:

Không phù hợp với thuần phong mỹ tục

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Ủy viên ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Hiện nay, số lượng gái mại dâm cũng như các cơ sở chứa chấp hay hoạt động trá hình có thể lên tới hàng mấy nghìn. Nếu cứ làm rập khuôn theo mô hình của một số nước khác sẽ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Do vậy, tôi không đồng ý.

Tôi xin nhấn mạnh, làm gì thì làm cũng cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu anh cấm người ta không được làm những việc mà pháp luật không cấm thì có vi phạm quyền công dân hay không? Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của những người hành nghề này khi mà nước ta vẫn chưa chính thức công nhận loại hình lao động này là một nghề hợp pháp, được pháp luật bảo hộ.

Trong khi đó, không phải người nào cũng muốn làm nghề mại dâm bởi nhiều lý do. Có thể do điều kiện gia đình, hay bị mua chuộc hoặc bị bóc lột mà họ phải đưa chân đi làm nghề này vốn đã bị xã hội lên án. Vấn đề là ta cần có cách thức phân loại các đối tượng để tìm cách tiếp cận, tuyên truyền giáo dục họ để sớm có được cuộc sống ổn định.
Đại biểu Bùi Thị An – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Viện trưởng viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng:

“Đừng quá cổ hủ”

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng.

Đầu tiên phải khẳng định rằng, đối với Việt Nam thì không ai khuyến khích mại dâm cả. Bởi nó sẽ gây ra nhiều bệnh tật về đường tình dục và khiến cho hạnh phúc của bao gia đình bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, kể cả ở các khu vực như làng quê hay thành phố lớn, loại hình này vẫn đang diễn ra khá sôi động và phức tạp.

Với đề xuất nên gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" như vậy vào hẳn một khu thì sẽ góp phần dễ quản lý hơn, tôi hoàn toàn ủng hộ. Đồng thời, tôi cho rằng, phải thật thận trọng trong việc phân định sự khác nhau giữa các tệ nạn xã hội này với việc kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có nguy cơ cao phát sinh tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, nếu tiến hành bước như vậy thì sẽ giúp quản lý được bệnh tật lại quản lý được cả người bán dâm và cả người mua dâm nhưng phải thực sự chặt chẽ và nghiêm túc, quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng.

Đừng quá cổ hủ, chúng ta làm đúng nguyên tắc nhưng cũng phải dự báo được quy luật. Tôi cũng là phụ nữ, chúng tôi đều muốn có một cuộc sống trong lành, gia đình yên ổn, không có những người hành nghề bán dâm, không có những hiện tượng tiêu cực xảy ra, nhưng thực tế tất cả những điều đó đều khó thực hiện được. Ở xã hội nào, mại dâm cũng vẫn tồn tại. Trong lúc ta chưa triệt tiêu được thì nên gom lại còn hơn là để mại dâm hoạt động dấm dúi, rải rác khắp nơi không thể quản lý nổi. Khi đã quản lý được sẽ có lợi cho xã hội, giảm bớt tệ nạn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội:

Việt Nam khó lập 'phố đèn đỏ'

ĐBQH Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Thẳng thắn mà nói rằng, ranh giới để xác định các ngành nghề dịch vụ “nhạy cảm” như nhà hàng, khách sạn, massage… với các tệ nạn xã hội đôi khi cũng khá mơ hồ.

Do vậy về đề xuất nên gom các cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” vào một khu vực để cho dễ quản lý, tôi cho rằng không khả thi. Nếu gom nó lại vào một chỗ đôi khi còn gây khó khăn hơn trong việc quản lý.

Tôi được biết, ở Thái Lan đã có mô hình quản lý kiểu “phố đèn đỏ” nhưng ở Việt Nam thì vẫn chưa thể áp dụng được. Cái chính vẫn là nên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của những loại hình dịch vụ đó theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu mà cấm thì cũng khó mà cấm được, nó cũng như là "bắt cóc bỏ đĩa", cấm chỗ nọ thì mọc ra chỗ kia, không hiệu quả.

Việc số lượng gái bán dâm hiện nay đang có chiều hướng phức tạp, tôi cho rằng, gốc rễ của vấn đề là làm sao có các biện pháp “phòng ngừa” trước khi “chống” tệ nạn này.

Do vậy, cần có tạo nhiều công ăn việc làm lương thiện và ổn định cho họ thì mới mong họ đảm bảo cuộc sống mà không làm nghề hoặc có ý định quay lại làm nghề đó nữa.

Cao Tuân – Đình Tuệ (ghi)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news