Tin mới

Lật tẩy chiêu trò thương hiệu Tàu che mắt thiên hạ bằng logo Nhật

Thứ ba, 18/10/2016, 12:00 (GMT+7)

Miniso được biết đến là thương hiệu Nhật Bản khi có logo giống với Uniqlo hay Muji, các sản phẩm đều được ghi bằng tiếng Nhật,... Tuy nhiên, tất cả đó chỉ là những mánh khóe nhằm lập lờ về nguồn gốc xuất xứ chính của thương hiệu này.

Miniso được biết đến là thương hiệu Nhật Bản khi có logo giống với Uniqlo hay Muji, các sản phẩm đều được ghi bằng tiếng Nhật,... Tuy nhiên, tất cả đó chỉ là những mánh khóe nhằm lập lờ về nguồn gốc xuất xứ chính của thương hiệu này.

Thương hiệu Miniso được quảng cáo là “đại gia bán lẻ Nhật Bản” hay “thương hiệu Nhật Bản đang được ưa chuộng tại nhiều nước châu Á và trên toàn thế giới” đã cho ra mắt 3 cửa hàng tiện ích tại Hà Nội vào giữa tháng 9 vừa qua. Hãng chuyên bán các mặt hàng thiết yếu như mỹ phẩm, đồ trang trí nhà cửa, thiết bị điện tử,... Thêm nhiều lựa chọn hơn cho những người tiêu dùng Việt ưa chuộng hàng Nhật. Tuy nhiên, từ khi ra đời thương hiệu này đã vấp phải nhiều tranh cãi về nguồn gốc, gây lo lắng băn khoăn cho người dùng.

Logo của thương hiệu Miniso khiến người dùng liên tưởng đến logo của chuỗi cửa hàng quần áo nổi tiếng Nhật Bản Uniqlo.

Đầu tiên là về thiết kế logo thương hiệu với 2 hình vuông màu đỏ bao trong những ký tự tiếng Nhật và chữ cái tiếng Latin màu trắng. Nhìn thoáng qua ai cũng cảm thấy sự quen thuộc, có kết nối với các nhãn hiệu Nhật Bản nổi tiếng trước đó như Uniqlo (chuỗi cửa hàng quần áo Nhật Bản) hay Muji (chuỗi cửa hàng bán lẻ Nhật Bản). Đây chắc hẳn là một trong những chiến lược marketing khá khôn ngoan khi gợi sự thân quen. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu Nhật Bản không bao giờ giống nhau rõ ràng quá như thế, vậy phải chăng đây là một sự lập lờ, đánh lận con đen

Bên cạnh logo thì cái tên Miniso cũng làm dấy lên nghi vấn, bởi vì chuỗi cửa hàng lớn nhất Nhật Bản có tên là DAISO, nên cũng có giả thuyết cho rằng tên Miniso được đặt chệch theo Daiso, thay vì Dai (lớn) thì họ ghi là Mini (nhỏ).

Ngoài ra, khi quan sát các sản phẩm tại một cửa hàng Miniso ở Nhật Bản, PV nhận thấy các dòng mỹ phẩm, thực phẩm đều được ghi nhãn mác bằng tiếng Nhật, đóng gói khá giống với sản phẩm của Muji hoặc Uniqlo. Điều đáng nói là giá cả các mặt hàng ở đây rẻ hơn rất nhiều, mức giá các sản phẩm chỉ từ 33.000 trở lên. Ví dụ như mặt hàng sữa tắm có dung tích 500ml chỉ có giá từ 130.000 đồng, son dưỡng môi có giá 140.000 đồng,...

Sản phẩm son dưỡng môi tại Miniso chỉ có giá 140.000 đồng. Ảnh: Hoài An

Một số sản phẩm sữa tắm có dung tích 500ml được bày bán tại cửa hàng với giá chỉ từ 130.000 đồng.

Trước đó, trang Time Out Bejing cũng đã so sánh giá giữa các sản phẩm Miniso với các sản phẩm khác: tai nghe điện thoại ở Miniso có giá 33.000 đồng; còn ở JD.com có giá 660.000 đồng, bàn phím máy tính ở Miniso là 200.000 đồng còn ở Apple.com là 1.160.000 đồng,... Với mức giá trung bình rẻ như thế này thì cũng khá bất ngờ, và cần xem xét lại nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.

Một trong ba cửa hàng Miniso tại Hà Nội.

Theo thông tin từng đưa trên Straits Times, thương hiệu Miniso của Nhật Bản đã có các điểm bán hàng tại Mỹ, Italy, Singapore, 1.100 cửa hàng tại Trung Quốc, 25 cửa hàng tại Hong Kong, 4 tại Macau và chỉ có 4 cửa hàng tại Nhật Bản – nơi được cho là quê hương của thương hiệu này.

Bên cạnh số lượng lớn cửa hàng Miniso phổ biến khắp Trung Quốc, thì trong 3 năm qua tốc độ phát triển ở đây cũng nhanh nhất, vào khoảng 80-100 cửa hàng mỗi tháng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Miniso đã mở 373 cửa hàng tại Trung Quốc.

Doanh nhân Nhật Bản Miyake Jyunya (bên trái) thừa nhận nguồn vốn và kinh doanh của Miniso đều do phía đối tác Trung Quốc quản lý. Ảnh: Straits Times

Được biết, Miniso ra đời vào tháng 9/2013, từ sự hợp tác giữa doanh nhân người Trung Quốc - ông Ye Gue Fu và doanh nhân Nhật Bản Miyake Jyunya. Văn phòng chính của họ được đặt tại Quảng Châu, Trung Quốc. Ông Jyunya dẫn đầu đội thiết kế gồm 30 người tại Nhật Bản, còn ông Ye chuyên quản lý nhóm phát triển kinh doanh tại Quảng Châu. Tuy nhiên, vừa mới đây trước sự truy vấn của công luận cũng như báo chí Nhật Bản, thì ông Jyunya đã thừa nhận mình không góp vốn vào công ty, chủ yếu các hoạt động kinh doanh, quản lý hoàn toàn vốn đều do phía đối tác Trung Quốc.

Cũng ngay sau đó, tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết thêm, các sản phẩm của Miniso hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Như vậy, điều mà Miniso khiến người tiêu dùng lo ngại nhất chính là nguồn gốc hàng hóa và thương hiệu của chính Miniso, chứ chưa bàn tới chất lượng sản phẩm. Thiết nghĩ, nếu không phải là hàng Nhật Bản thì thương hiệu này không nên qua mắt người tiêu dùng bằng những thông tin lập lờ như hiện nay. Họ nên công khai rõ ràng về nguồn gốc công ty, để đưa lại sự an tâm và tin tưởng cho người dân khi lựa chọn sử dụng sản phẩm Miniso.

Hoài An

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news